ClockThứ Bảy, 03/01/2015 09:40

Những người thầm lặng

TTH - Hàng nhái, hàng giả lén lút tung ra thị trường làm tổn hại quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, đẩy mạnh phòng chống tỘi phạm làm hàng nhái, hàng giả dịp giáp Tết được lực lượng công an đặc biệt quan tâm.

Cảnh sát kinh tế phá chuyên án làm giả bột ngọt thương hiệu nổi tiếng lớn nhất từ trước đến nay

Chống buôn lậu trên nhiều tuyến

Năm 2014, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 5.528 trường hợp vi phạm pháp luật về thương mại, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tổng số tiền thu nộp ngân sách từ việc xử lý các vụ vi phạm hơn 7,71 tỷ đồng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 1,82 tỷ đồng. Hàng lậu chủ yếu là hàng thiết yếu với người tiêu dùng, như điện tử viễn thông, quần áo, thuốc lá, rượu, nhu yếu phẩm...

Cận Tết nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hóa gia tăng nên các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại gia tăng đột biến. Hòa chung vào dòng người mua bán tấp nập của phố chợ, trên những cung đường, những trinh sát kinh tế vẫn thầm lặng bám nắm địa bàn.
Thượng tá Trương Minh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế cho biết, đơn vị phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm tại các khu vực, địa bàn tập kết, vận chuyển, phân phối, kinh doanh hàng hóa. Nắm diễn biến của thị trường tiêu dùng, chủng loại hàng dự trữ thiết yếu của các doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Tại các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc..., các siêu thị và quầy hàng lớn trên nhiều tuyến phố, lực lượng công an thường xuyên kiểm tra hoạt động mua bán của hộ kinh doanh, tiểu thương; kịp thời phát hiện, đấu tranh hiệu quả với phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn lậu, cũng như các đường dây vận chuyển hàng giả, kém chất lượng.
Trong năm 2014, lực lượng công an đã phát hiện nhiều vụ làm hàng giả lớn. Điển hình là vụ bắt quả tang Đặng Văn Ng. (26 tuổi, trú phường Thủy Phương, TX Hương Thủy) chủ cơ sở sản xuất bột giặt OMO giả và tự pha chế nhiều loại sữa tắm nhái nhãn mác với số lượng lớn. Ng. mua bột giặt Đức Giang với giá 13 triệu đồng/tấn trên thị trường, sau đó đặt mua 600 vỏ bao nhãn hiệu bột giặt OMO giả loại 3 kg của một người tại Ninh Bình rồi cho bột giặt Đức Giang vào, dùng máy đóng gói và bán ra thị trường với giá 123 nghìn đồng/bao 3kg để hưởng chênh lệch. Để bán chạy hàng, Ng. dùng chiêu trò giảm giá từ 123 nghìn đồng/bao 3kg ghi trên nhãn mác xuống còn 100 nghìn/bao, kèm theo hàng khuyến mãi là các loại sữa tắm giả nhãn hiệu nổi tiếng khác. Các loại sữa tắm này do Ng. tự sản xuất bằng cách pha chế các loại hóa chất...
Trước đó, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Huế đã đánh sập đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ bột ngọt giả lớn nhất từ trước tới nay. Các đối tượng này dùng bột ngọt Trung Quốc đóng gói vào bao bì các nhãn hiệu nổi tiếng để bán ra thị trường và thu lợi bất chính. Theo tài liệu điều tra, sau hơn 3 tháng thực hiện hành vi sản xuất hàng giả, số đối tượng này sản xuất 7-8 tấn bột ngọt, trung bình mỗi ngày tiêu thụ ra thị trường gần 200kg. Đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Hay vụ việc tráo nhãn mác các nhãn hiệu sữa nổi tiếng để hưởng chênh lệch bị công an bắt giữ mới đây. Theo Thượng tá Trương Minh Tuấn, hám lợi nhuận lớn từ việc trốn thuế, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường sử dụng những phương thức tinh vi che mắt lực lượng chức năng trong buôn bán, vận chuyển hàng hóa vào thị trường tiêu dùng như sử dụng hóa đơn chứng từ có giá trị thấp hơn so với thực tế, xé lẻ hàng hóa để vận chuyển; chu kỳ vận chuyển, địa điểm tập kết hàng hóa luôn thay đổi.
Bảo vệ uy tín thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng

Cảnh sát kinh tế cùng quản lý thị trường kiểm tra các mặt hàng trước tết

 
Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết, các loại nhãn mác giả được tội phạm làm giả khá tinh vi, tương tự như thật nên rất khó phân biệt. Hiện nay, các loại hàng giả thường được đưa đi tiêu thụ ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, tránh sự phát hiện của người tiêu dùng và cơ quan chức năng. Hoạt động gian lận chính là thường xuyên thay đổi địa điểm tập kết hàng hóa, giao hàng vào đêm khuya, ngày nghỉ, ngày lễ; trưng bày một lượng nhỏ hàng mẫu giới thiệu khách hàng tại quầy còn hàng lậu, hàng cấm được cất giấu ở nhà, ở kho xa địa điểm kinh doanh; luôn theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng để tránh kiểm tra, kiểm soát. Nắm được quy luật đó, lực lượng cảnh sát kinh tế sẽ đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.
Các chiến sĩ cảnh sát kinh tế với các biện pháp nghiệp vụ ngày đêm bám nắm địa bàn thực sự đã trở thành những người hùng thầm lặng, góp phần bảo vệ nền kinh tế và quyền lợi người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lên án hành vi báo thông tin giả

Theo lực lượng chức năng, có không ít người dân đã gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị 113 (cảnh sát phản ứng nhanh), 114 (cứu hỏa), 115 (hỗ trợ cấp cứu) và các đơn vị công an để báo thông tin giả, tin không đúng sự thật gây phiền toái, tốn công sức, vật chất; gây bất ổn đến tình hình xã hội.

Lên án hành vi báo thông tin giả
Return to top