ClockThứ Sáu, 29/11/2019 08:27

Những người thầy bên phá Tam Giang

TTH - Truyền cảm hứng môn học cho học sinh, tìm những cách giải hay, thú vị… là những điều có vẻ bình dị, nhưng lại hiệu quả cao trong quá trình ôn luyện học sinh giỏi của các thầy, cô Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Quảng Điền).

Nhiều hoạt động tôn vinh người thầy

Thầy Trần Dũng trao đổi bài tập với học sinh

Tâm huyết, đam mê

Tốt nghiệp đại học sư phạm địa lý, thầy giáo Nguyễn Duy được phân về công tác tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Yêu nghề, ngay từ ngày đầu đến với “nghiệp cầm phấn”, thầy Duy đã ấp ủ khát vọng trở thành một giáo viên dạy giỏi.

Sau những buổi đầu trên bục giảng, thầy Duy nhận ra rằng, để biến ước mơ thành hiện thực ngoài truyền đạt kiến thức cần truyền cảm hứng môn học cho học sinh. Thước đo cuối cùng là chất lượng, hiệu quả học tập của học sinh, có nhiều em đạt giải thi học sinh giỏi các cấp.

Mười mấy năm ôn luyện học sinh giỏi, thầy Duy đúc kết: Trước hết phải tập hợp học sinh, chọn nhân tố điển hình để ôn luyện. Tuy nhiên, nhiều em chưa thật sự tự tin nên sau khi chọn được học sinh tốt, giáo viên phải đến từng lớp học, thậm chí đến tận gia đình để động viên các em tham gia bồi dưỡng để thi học sinh giỏi.

Ngoài kiến thức từ giáo viên, thầy Duy còn định hướng cho học sinh tự tìm tòi tài liệu phong phú từ nhiều nguồn như thư viện, mạng internet, các nhà sách… để học tập, ôn luyện. Thầy, trò tự khai thác các đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh từ nhiều năm trước để phác thảo, cấu trúc đề thi… ôn luyện cho học sinh. 

Thầy Đặng Phước Huy, giáo viên môn Vật lý - Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tiếp lời: Qua nhiều năm ôn luyện học sinh giỏi cho thấy, với các môn tự nhiên, giáo viên phải phân tích bài tập, chỉ ra giả thiết, kết luận, từ đó định hướng cho học sinh những kiến thức liên quan. Mục tiêu cuối cùng là tìm ra lời giải, kết luận bằng “con đường” ngắn nhất.

Tùy thuộc vào tư duy, năng lực mỗi học sinh, thầy Huy sẽ có phương pháp truyền đạt kiến thức hợp lý, hiệu quả nhất. Phương pháp giải ngắn gọn, súc tích không chỉ rút ngắn tối đa thời gian làm bài mà còn thường đạt điểm tuyệt đối nên được thầy Huy lựa chọn để truyền đạt cho học sinh trong quá trình ôn luyện.

Thầy Trần Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, ngoài làm công tác quản lý nhưng với niềm đam mê, là giáo viên dạy giỏi nên thầy được nhà trường phân công ôn luyện học sinh giỏi môn Toán. Theo thầy Dũng, ngoài kiến thức tốt, người thầy phải có niềm đam mê, tâm huyết và biết “truyền lửa” cho học sinh, dạy cho các em phương pháp tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu.

Phía nhà trường luôn quan tâm tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, cơ sở vật chất cho các thầy, cô tham gia giảng dạy, ôn luyện học sinh giỏi. Sau khi có kết quả thi học sinh giỏi, Hội Phụ huynh học sinh của trường, các địa phương, ban ngành thường có những chia sẻ, động viên cả vật chất lẫn tinh thần.

Top đầu của tỉnh

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, thầy Nguyễn Văn Lộc đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ giáo viên ôn luyện học sinh giỏi trong nhiều năm qua. Hầu hết các thầy cô là những nhân tố điển hình, năng động, tích cực, tâm huyết trong các hoạt động phong trào, chuyên môn nghiệp vụ. Các nhân tố đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, cấp tỉnh đều “rơi vào” nhóm giáo viên ôn luyện học sinh giỏi.

Trong quá trình tổ chức giảng dạy, các giáo viên thường tăng cường cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa… để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới. Giáo viên dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, sau đó tổng hợp, nhận xét, đánh giá và kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

Các tổ, nhóm chuyên môn thống nhất xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục của từng môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập…

Nhiều năm qua, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đều thuộc tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục. Ngoài chất lượng, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ giáo viên, còn một yếu tố quan trọng là học sinh của trường có ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập.

Năm học 2018-2019, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã phát động tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp trường; tham gia dự thi cấp tỉnh và có hai sản phẩm đạt ba, giải tư cấp tỉnh. Trường có hai sản phẩm khoa học, kỹ thuật đạt giải nhì, khuyến khích cấp huyện, một giải nhì hội thi sáng tạo trẻ cấp tỉnh và một học sinh đạt giải nhì hội thi viết thư quốc tế UPU.

Năm học 2018-2019, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh của trường Nguyễn Chí Thanh xếp thứ ba toàn đoàn với 49 giải; trong đó, có 3 giải nhất, 13 giải nhì, 18 giải 3 và 15 giải khuyến khích.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm điển tích về đầm phá

Thừa Thiên Huế có nhiều những điển tích, giai thoại gắn liền với vùng đất kinh kỳ. Đi đến đâu, khách du lịch cũng có thể nghe người hướng dẫn viên kể về lịch sử của vùng đất, về tập tục văn hóa, về những điển tích thú vị. Tuy vậy, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lại đang làm khó những người làm du lịch bởi sự thiếu hụt thông tin về những tích xưa.

Thêm điển tích về đầm phá
Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai

Không chỉ nổi tiếng với hệ thống đầm phá quan trọng và đẹp nổi tiếng Việt Nam, Tam Giang - Cầu Hai còn có tiềm năng phát triển du lịch. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, các làng quê nằm trải dài, lại sở hữu rất nhiều lễ hội dân gian vô cùng độc đáo..., các chuyên gia cho rằng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đưa vào các tour tuyến, trở thành điểm nhấn cho du lịch.

Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai
Return to top