ClockThứ Bảy, 28/12/2019 13:30

Những người thầy dạy học sinh giỏi

TTH - Huế và đặc biệt là Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tự hào có nhiều trò giỏi mà tên tuổi đã vượt ra ngoài phạm vi đất nước. Thế nhưng, âm thầm đằng sau những gương sáng trò giỏi kia là bóng dáng của những người thầy.

Vài suy nghĩ về thi giáo viên dạy giỏiGiáo viên dạy trường chuyên: Chỉ giỏi chuyên môn thôi chưa đủViệt Nam đạt 38 giải thi học sinh giỏi Olympic khu vực và quốc tế

Giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học hướng dẫn học sinh trong tiết học. Ảnh: Hữu Phúc

Ngày ấy và bây giờ

Thầy nghỉ hưu đã lâu và trò có người không còn đi làm nữa, nhưng ở Huế vẫn có nhóm học sinh chuyên toán thường xuyên đến thăm thầy. Họ cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm và động viên nhau khi gặp khó khăn. Dịp vui đến là khi Tết đến xuân về, hay có những học trò, người bạn từ phương xa trở lại thăm Huế, thăm trường, trong đó có cậu học trò nổi tiếng Lê Tự Quốc Thắng. Còn người thầy, ông là giáo viên chuyên toán Lê Văn Quang. Gắn bó với mái trường Quốc Học từ ngày giải phóng và mới nghỉ hưu chỉ gần chục năm nay, bao thế hệ học trò chuyên toán Quốc Học thành danh mấy chục năm qua đều có công sức của thầy Quang.

Quốc Học vẫn là trường chuyên nổi tiếng và tiếp bước thầy Quang, thầy Khải, thầy Hoan… nơi đây đang có thế hệ những người thầy tài năng và đặc biệt, rất tâm huyết về nghề giáo, nghề dạy học sinh giỏi. Cô giáo Trương Thị Đoan Trang (sinh 1968), Tổ trưởng Tổ vật lý, tâm sự: “Làm giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi rất áp lực, đòi hỏi phải có trí tuệ cùng những nguồn tài liệu đủ tốt để giảng dạy cho các em”.

Sách tham khảo môn vật lý ở bên ngoài bày bán rất nhiều, nhưng ở mức độ chuyên sâu dành cho học sinh luyện thi quốc gia và quốc tế lại rất ít. Cô Trang dành nhiều thời gian sưu tầm sách, các nguồn tài liệu quý cho học trò. Mỗi khi tìm được cuốn sách hay, cô lấy đó làm phần thưởng cho học sinh có thành tích tốt trong học tập.

Thầy giáo Trần Văn Toản, dạy chuyên văn, cho biết: Dạy đội tuyển vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm. Thường giáo viên chủ nhiệm đội tuyển là người theo suốt học sinh 3 năm. Chất lượng và kết quả đội tuyển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gắn với kế hoạch, nội dung bồi dưỡng... Với môn văn, lại càng “tâm tư” hơn, bởi nó còn phụ thuộc nhiều vào tố chất người viết, “gu” người chấm... Vui là được Ban giám hiệu đặc biệt quan tâm, giáo viên say mê, làm hết mình. Giáo viên chuyên luôn được tạo điều kiện về mặt thời gian để tiếp cận, nghiên cứu tài liệu và soạn bài ở nhà.

Khó như… dạy học sinh giỏi

Nhiều giáo viên trẻ chia sẻ, họ thực sự áp lực khi dạy trường chuyên. Tốt nghiệp bằng giỏi ở trường đại học sư phạm chưa đủ khi họ chưa qua một chương trình đào tạo nào dành cho giáo viên dạy chuyên nên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong giảng dạy. Trong khi đó, học sinh ở trường chuyên thường thông minh, cộng thêm sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, nếu giáo viên không nhanh nhạy, đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức sẽ gặp khó trong giảng dạy. Những năm đầu mới đứng lớp, nhiều người khá chật vật. Họ phải vừa dạy, vừa nâng cao trình độ, nhất là khi các em lọt vào các giải quốc gia, quốc tế.

Thầy giáo Trần Văn Toản tâm sự, một số học sinh chưa hào hứng và quyết tâm khi vào đội tuyển, do tâm lý áp lực lo cho 3 môn thi đại học đè nặng. Vào đội tuyển, nếu đạt giải 3 trở lên mới được tuyển thẳng vào đại học một số ngành. Thế nên, một số học sinh và cả phụ huynh không muốn con vào đội tuyển, nên giáo viên vừa dạy, lại vừa dỗ.

Trường THPT chuyên Quốc Học có 140 giáo viên; trong đó, có đến 82 thạc sĩ. Mục tiêu đến năm 2020, trường có 60% giáo viên có trình độ thạc sĩ trở lên. Đa phần giáo viên tuổi đời còn trẻ. Họ có “đầu vào” tốt, có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi. Qua một năm tập sự, giáo viên trẻ phải trải qua thêm một kỳ sát hạch để chứng minh năng lực bản thân, nếu thấy ổn định khi đó mới được  tiếp nhận chính thức.

Đánh giá về đội ngũ này, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Nguyễn Phú Thọ cho rằng: Nhiệt tình, đam mê tìm tòi kiến thức, tài liệu nghiên cứu và giảng dạy để đào sâu bài giảng, họ là những giáo viên có năng lực, nhiệt huyết với học trò. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian để nâng cao nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm. 20% giáo viên có kinh nghiệm thâm niên trong nghề của trường đang phải “kèm cặp” giáo viên trẻ. Đa phần phải mất từ 1 đến 2 năm, giáo viên trẻ mới nhập cuộc.

Nhiều năm qua, phần lớn học sinh giỏi khi ra trường không chọn ngành sư phạm theo học là khó khăn của nhà trường khi tuyển chọn đội ngũ giáo viên. Mong muốn của Quốc Học là có nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc gia, quốc tế các môn khoa học tự nhiên đăng ký học ngành sư phạm để bổ sung đội ngũ giáo viên dạy chuyên. Dạy học sinh chuyên vất vả và áp lực, nhưng chính sách ưu đãi dành cho giáo viên theo quy định của Nhà nước đang rất thấp. So với các tỉnh bạn, chế độ ưu đãi cho giáo viên dạy chuyên ở Thừa Thiên Huế còn quá khiêm tốn khi chưa có sự hỗ trợ từ công tác xã hội hóa.

Tìm thầy giỏi

Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 26/3/2012 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cho toàn ngành tích cực, chủ động phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, lấy chất lượng đại trà làm nền tảng, chất lượng mũi nhọn làm điểm nhấn, tạo nên sức bật mới cho toàn ngành.

Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai từ tiểu học đến trung học phổ thông nhằm tìm tòi, phát hiện học sinh có năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Những năm học qua, ngành giáo dục tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những đơn vị điểm sáng về chất lượng giáo dục mũi nhọn của cả nước. Năm học 2018 - 2019, Quốc Học đã mời thầy giỏi ở nhiều địa phương để về ôn luyện cho các em học sinh giỏi. Công tác xã hội hóa cũng đã được huy động để tập trung nguồn lực cho các em “cơm đùm, gạo bới” ra Hà Nội luyện thi vào các vòng loại quốc tế. Năm nay, nhà trường còn gửi mua được nhiều tài liệu ở nước ngoài phục vụ một số môn khả năng thi quốc tế. Hiệu trưởng Nguyễn Phú Thọ cho biết.

Một số chính sách khuyến khích dành cho giáo viên được triển khai. Ví như, để nâng cao trình độ, những giáo viên được đưa vào quy hoạch sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo quy định của tỉnh. Một số giáo viên trẻ có nhu cầu học tập phải tự bỏ tiền túi để học, kể cả tự “săn” học bổng ở nước ngoài. Mỗi năm, có từ 5 đến 7 giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học theo học thạc sĩ. Một số giáo viên tự tìm nguồn học bổng ở nước ngoài để nâng cao trình độ khi một số môn học yêu cầu giảng dạy bằng tiếng Anh. Mặt khác, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hướng đến của nhà trường là tìm những giáo viên có năng lực từ các trường để đề xuất với sở trong khâu tuyển dụng.

Thế hệ vàng giáo viên chuyên luyện “gà chọi” đang vắng dần và dường như Quốc Học đang dần “khuyết”đi những người có tài, có tâm huyết và kinh nghiệm thật sự để tiếp tục tạo nên “cú hích” ở những đấu trường trí tuệ lớn. Đào tạo như thế nào, thắp lửa đam mê, tâm huyết vào từng bài giảng, bài luyện cho học sinh đang là bài toán cần tìm lời giải...”. Sắp đến, chúng tôi sẽ mời những thầy cô giáo từng giảng dạy ở Quốc Học qua các thời kỳ tiếp tục truyền lửa cho học sinh tham gia ở các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”. Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ bày tỏ mong muốn khôi phục một số môn học từng là mũi nhọn của Quốc Học.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu người

Sáng 20/11, tại Trường THPT Hương Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên dương, khen thưởng thầy giáo Lê Ngọc Thùy, giáo viên dạy môn toán Trường THPT Hương Vinh về hành động dũng cảm cứu sống 3 người dân bị nước lũ cuốn trôi.

Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu người
Thầy giáo “ô chữ”

Trong hơn 20 năm giảng dạy và công tác, thầy giáo Nguyễn Văn Cần, giáo viên môn vật lý Trường THCS Thủy Phương (TX. Hương Thủy) đã liên tục tìm tòi, sáng tạo nên nhiều đề tài hay, bổ ích cho giáo viên và học sinh.

Thầy giáo “ô chữ”
Thầy giáo dũng cảm cứu người trong lũ dữ

Thầy giáo Lê Ngọc Thùy, giáo viên môn toán Trường THPT Hương Vinh đã bất chấp hiểm nguy cứu được 3 người bị nước lũ cuốn trong vụ lật chìm ghe làm 2 mẹ con chết đuối diễn ra vào sáng 15/11 tại Đập Hậu – Sông Đào thuộc địa bàn phường Hương Vinh, TP. Huế.

Thầy giáo dũng cảm cứu người trong lũ dữ

TIN MỚI

Return to top