ClockThứ Ba, 24/02/2015 14:51

Những người trẻ bám đồng

TTH - Họ là những kỹ sư nông nghiệp được UBND huyện Phong Điền tăng cường các HTX giúp cải thiện năng lực, hoạt động của HTX và hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật. 

Kỹ sư trẻ Trần Thị Duyên Ánh (bên phải) say sưa hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây hoa màu

 

Bám đồng, lội ruộng...

 

Lúc mới về, nhiều người dân ngạc nhiên khi thấy những chàng trai, cô gái khá trẻ ngày ngày xắn quần lội ruộng cùng họ. Gần hơn qua từng câu chuyện, người dân mới hiểu, đây là những cán bộ kỹ sư được huyện tăng cường về cùng bà con nên ai cũng vui. Cái gì họ cũng hỏi, cũng muốn kỹ sư giải đáp tận tình. “Thú thực, lý thuyết thì bọn em có, nhưng về kinh nghiệm thì còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, ai cũng xác định, cần phải tăng cường “bám đồng, lội ruộng” cùng nông dân”, kỹ sư Nguyễn Thị Hương Bình, người được tăng cường về HTX Nông nghiệp Trung Thạnh, Phong Chương mở đầu câu chuyện.

 

Cùng với Nguyễn Thị Hương Bình, kỹ sư trẻ Cao Hữu Thơ cũng được UBND huyện Phong Điền “biệt phái” về giúp bà con nông dân Điền Hải. Thơ khá thuận lợi hơn các đồng nghiệp khác vì anh là người con của Điền Hải. “Cây trồng chính của Điền Hải là cây lúa. Nông dân nơi đây ai cũng biết tôi, nhưng làm sao để họ tin, họ thấy việc làm của một kỹ sư mới là điều trăn trở nhất đối với bản thân. Ngày ngày chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa, tôi còn cùng với người dân lội ruộng trồng, chăm sóc các loại cây trồng. Từ cách mình làm, từ những mùa vụ bội thu là minh chứng để bà con thấy rõ hơn việc làm của người kỹ sư nông nghiệp tăng cường”.

 

Kỹ sư trẻ Trần Thị Duyên Ánh nhớ lại: “Những ngày đầu về với bà con Hiền Lương, xã Phong Hiền tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều nông dân còn e dè, ngại trao đổi khi thấy mình nhỏ tuổi, yếu đuối lại non kinh nghiệm. Vì vậy, mình phải chịu khó gần gũi, thường xuyên xuống tận thôn tận tình hướng dẫn, giải thích cặn kẽ những lợi ích thiết thực của việc ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất”.

 

Trong số các kỹ sư “biệt phái” về các HTX nông nghiệp có lẽ kỹ sư Nguyễn Tiến Nam là người lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm nhất. 29 năm trong nghề đủ để người kỹ sư “kỳ cựu” này am hiểu tường tận các loại cây, con giống. Bà con xã viên HTX Nông nghiệp Điền Lộc vẫn thường gọi anh là “bác sĩ nông nghiệp”. Lúc thì thấy anh cùng bà con trên những cánh đồng rau, lúc khác lại thấy anh tỉ mẩn trên những chân ruộng lúa. “HTX Nông nghiệp Điền Lộc là đơn vị đầu tiên của huyện Phong Điền thực mô hình cánh đồng mẫu lớn. Vai trò của một kỹ sư tăng cường phải làm thế nào đây? Câu hỏi đó cứ trăn trở trong tôi. Lúc đầu bà con cũng e ngại vì lâu nay quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vận động, thuyết phục, luôn gần bà con là phương châm cũng là giải pháp mà bản thân thực hiện và giải quyết được trăn trở trong lòng. Giờ mô hình thành công, mới thấy hết nỗ lực cố gắng không ngừng của bản thân cũng như sự chung sức, đồng lòng của bà con xã viên”, kỹ sư Nguyễn Tiến Nam bộc bạch.

 

Mô hình mới, cây con mới…

 

Bám cơ sở, tìm hiểu, nắm tình hình điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, tập quán canh tác của nông dân để có biện pháp hướng dẫn sản xuất nông nghiệp đại trà, phát triển các mô hình mới… là những công việc thường ngày của những kỹ sư nông nghiệp “biệt phái”. Nhiều người thường thấy cô kỹ sư trẻ Duyên Ánh thu xếp việc nhà và đi làm từ hơn 5 – 6g sáng. Duyên Ánh giải thích: “Đi làm sớm để dễ dàng cùng bà con phát hiện sâu bệnh gây hại trên cây lúa, rau màu, sẵn tiện hướng dẫn, khuyến cáo người dân cách điều trị thích hợp. Khi bám vườn, lội ruộng mới dễ tiếp thu ý kiến, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân để kiến nghị các cấp chính quyền đưa ra các cơ chế chính sách phù hợp trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn”.

 

“Có kỹ sư tăng cường, HTX đã tăng diện tích sản xuất giống lúa mới, từ 8,8 ha lên 11 ha, với tỷ lệ nảy mầm rất cao, hơn 85%, đáp ứng yêu cầu cung cấp giống cho bà con xã viên. Kết quả đó là nhờ công lao của kỹ sư Ánh”, ông Hoàng Văn Hiền, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hiền Lương nhận xét.

 

Ngoài những cán bộ kỹ sư tăng cường như hiện nay, đầu năm mới 2015, UBND huyện tăng cường thêm 11 kỹ sư nông nghiệp về 15 xã và 1 thị trấn trên địa bàn.

Không để người dân độc canh cây lúa, sau bao đêm trăn trở, tìm tòi, kỹ sư Hương Bình cùng HTX Nông nghiệp Trung Thạnh quyết định mở ra một hướng làm ăn mới, đó là trồng gừng trong bao, trồng ném lấy củ, trồng nấm rơm... “Bà con xã viên ai cũng đồng tình và rất háo hức, nhưng khó khăn nhất chính là nguồn kinh phí để thực hiện. Qua đề xuất, HTX Nông nghiệp Trung Thạnh đã đồng ý cho 20 hộ xã viên ứng trước nguồn kinh phí để triển khai trồng 1.000 bao gừng, sau khi thu hoạch sẽ hoàn trả lại kinh phí cho HTX. Từ mô hình này đã “thôi thúc” nhiều hộ dân tham gia thực hiện trồng ném lấy củ, với 18 hộ tham gia trồng 1ha. Cây nấm rơm cũng được triển khai tại Phong Chương, năng suất bình quân đạt 53kg/nhà/500 bánh, sau khi trừ chi phí, mỗi lao động thu từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng”, kỹ sư Bình khoe.

 

Ông Trần Tỵ, nông dân Đội 2, thôn Nhì Đông, xã Điền Lộc cho biết: “Đến thời điểm này chưa có cây trồng nào ở địa phương lại cho thu nhập cao như cây hành. Bản thân gia đình tôi có 2 sào, đến mùa thu hoạch cho thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng. Ngoài hành, các cây rau màu khác như ớt lai cao sản, xà lách Pháp, bí đao, mướp đắng… cũng được nhiều bà con xã viên đem vào trồng trên các triền cát, nhờ sự hướng dẫn của kỹ sư Nguyễn Tiến Nam”.

 

“Mục tiêu mà lãnh đạo UBND huyện Phong Điền đặt ra, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, vừa giúp bà con nông dân trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao nhất. Qua thời gian đưa đội ngũ kỹ sư nông nghiệp về với HTX và bà con xã viên đã cải thiện được phần nào năng lực, hoạt động của HTX hiện nay. Chính sự tự chủ, chủ động của các HTX có vai trò rất lớn của đội ngũ kỹ sư “biệt phái” tăng cường về cơ sở”, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đại Vui khẳng định. 

Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top