ClockChủ Nhật, 21/02/2021 09:58

Những nữ “nhiếp ảnh gia” xứ Truồi

TTH - Không bao giờ tự nhận mình là những nhiếp ảnh gia, nhưng với chúng tôi, chính sự tử tế trong lời nói và hành động, sự tận tâm với nghề đã tạo nên nét đẹp riêng của những người phụ nữ làm nghề chụp ảnh nơi Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.

Con người và thiên nhiên qua ống kính nhiếp ảnh

Phút giây lãng mạn ngoài luống rau, thửa ruộng

Chọn lựa mưu sinh

Vừa lên tới Phật đài (thuộc Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã), chị Trần Thị Bê đã xăng xái nắm lấy cán chổi. Đôi tay vốn quen với việc đồng áng tỉ mẩn và nhanh nhẹn quét dọn lá rụng dưới chân tượng Phật Thích Ca. Người phụ nữ 49 tuổi nói: “Từ  mùng 1 tết đến nay, hôm nào tôi cũng đến đây quét tước. Chụp ảnh lấy liền cho du khách đã trở thành nghề mưu sinh, giúp tôi trang trải những chi phí hàng ngày”.

Chị Bê học nghề nhiếp ảnh vào năm 2017. Đôi tay thuần thục với cây lúa, củ khoai bắt đầu biết đến cách căn khung hình, điều chỉnh khẩu độ, độ nhạy sáng ISO và cả tốc độ màn trập… Đa phần những kiến thức ấy đều do chị tự mày mò. “Cũng bởi thế, tôi gặp không ít chuyện dở khóc dở cười bởi sự luống cuống những ngày đầu vào nghề”, chị nói.

Ngày đầu tiên tác nghiệp, chị Bê còn nhớ như in: “Tôi chụp ảnh cho một đôi bạn trẻ. Bạn nam đeo máy ảnh, nhìn rất chuyên nghiệp nhưng lại vui vẻ đồng ý. Mừng lắm, nghĩ rằng khách đầu tay sẽ ổn nhưng lúc in ra tôi mới phát hiện bức ảnh bị mất chân”. Lo lắng thái độ của khách, chị Bê đợi chờ sự trách móc. Nhưng không, chẳng những rất vui vẻ, đôi bạn trẻ đã động viên chị rất nhiều. Bạn nam tặng một ít tiền với lời nhắn gửi mong chị cố gắng, người phụ nữ mới tập tễnh vào nghề ảnh vỡ òa cảm xúc.

Nhiếp ảnh trở thành nghề mưu sinh của phụ nữ Lộc Hòa (Phú Lộc)

Thiền viện không chỉ là chốn mưu sinh mà đã trở thành mái nhà, nơi những người phụ nữ Lộc Hòa làm nghề chụp ảnh gặp gỡ, kết bạn và đồng hành. Tay bấm bấm điện thoại “cục gạch” nhưng chị Trương Thị Tám rất nhanh nhạy khi căn chỉnh các thông số máy ảnh. Vào nghề sớm hơn chị Bê, đã là năm thứ 3 chị Tám gắn bó với việc chụp hình lưu niệm này. Năm nay, chị làm việc với một tâm thế mới: “Những năm trước du khách và phật tử đến chiêm bái Thiền viện rất đông. Khách nhiều, nhu cầu lưu giữ kỷ niệm cũng nhiều theo nên chúng tôi rộn ràng lắm. Máy in ảnh hoạt động hết công suất, thu nhập ổn. Thế nhưng năm nay hoàn toàn khác”.

Theo nghề

Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, du khách chỉ ghé chân thăm thú khu vực Phật đài. Chăm chỉ “canh” khách từ ngày mùng 1 tết, thế nhưng thu nhập của các chị vẫn giảm hơn rất nhiều. Chị Tám canh cánh nỗi lo: “Năm nay, mùa màng khó khăn, tình hình dịch bệnh như thế này cuộc sống chúng tôi bấp bênh lắm. Tết năm nay đã vắng, những ngày sau này còn khó khăn hơn nữa, nếu muốn bám trụ với nghề thì tình hình phải khả quan hơn hiện nay”.

Chị Chung (người đội nón) chung niềm vui với du khách

Tự trọng và nắm bắt nhu cầu khách hàng, các chị không bao giờ làm phiền đến sự tĩnh lặng, thư thái khi du khách chiêm bái. Từ sáng đến trưa, chị Bê, chị Tám và chị Chung thay nhau hướng dẫn và chụp ảnh. Bạch Thảo, nữ du khách đến thăm Thiền viện chia sẻ: “Thật tiếc vì không thể vãn cảnh chùa, nhưng ở Phật đài chúng mình cũng đã có những bức ảnh đẹp, ghi dấu chân nơi đây. Mặc dù có điện thoại, nhưng cầm trên tay bức ảnh lấy liền, ngắm từng người bạn và chính mình đang rạng rỡ trong khung cảnh hùng vĩ núi non, mình rất vui và thú vị".

Những ngày tết quý giá của các chị không như bao người, niềm vui chỉ gói gọn lại khi được gặp và chụp cho du khách những bức ảnh đẹp. Chị Tám kể: “Bởi thế chẳng biết có phải tôi đang làm nghề không nữa, vì khách tham quan đồng ý chụp hay không chúng tôi đều vui. Nghe họ tán thưởng cảnh đẹp quê hương mình, chúng tôi tự hào lắm, chỉ mong lưu giữ được vẻ đẹp ấy cho du khách”.

Đôi bao tay dày, tất chân, nón, mũ và đặc biệt là chiếc ba lô với bộ máy ảnh, pin, thẻ nhớ cùng máy in ảnh di động, cứ 9 giờ sáng là các chị đã có mặt tại Thiền viện. Chập choạng tối, khi du khách đã vãn, những bước chân mỏi mệt mới trở về nhà. Thả hết các dụng cụ, các chị lại trở về là người phụ nữ nội trợ trong gia đình, chăm luống rau, thửa ruộng, lên rừng tham gia đội quân lột vỏ tràm. Nghề nhiếp ảnh không chỉ là “cần câu cơm”, đó còn là những phút giây lãng mạn và nghệ sĩ của những người phụ nữ hiền lành, chân chất ở vùng Truồi êm ả.

Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi chỉ kịp chào tạm biệt chị Bê và chị Tám. Còn chị Chung đã tìm cho mình một chỗ mát mẻ, ngả nón nghỉ ngơi sau một buổi sáng vất vả. Chị Tám cùng cô con gái nhỏ ăn phần cơm trưa mà chồng gửi, còn chị Bê chỉ uống nước suông bởi đã quá quen với cảnh ăn ngày hai bữa sáng tối. Tiếng cười rộ đến từ nơi những người phụ nữ làm nghề nhiếp ảnh vẫn có chút dư âm của sự vất vả, nhưng thật vui bởi sự tươi mới và niềm hy vọng khởi sắc trong những ngày đầu năm.

Góp chung vào cảnh vật, không ở đâu xa, chính các chị là những hướng dẫn viên xuất sắc nhất. Gói ghém vào bức hình nhỏ xíu cảnh núi non, giúp du khách thập phương lưu giữ khoảnh khắc đẹp, những nữ nhiếp ảnh gia nghiệp dư đã làm cho không khí Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thêm vui tươi, rộn ràng hơn. Gieo vào lòng du khách những tình cảm đẹp bởi sự thân thiện, mến khách cùng tấm lòng vô cùng rộng mở.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ánh sáng kinh đô” và cổ phục việt

Tại không gian xanh của Da:me space coffee, buổi offline với chủ đề “Ánh sáng kinh đô” dành cho các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên xứ Huế đã được diễn ra. Khách mời đặc biệt của chương trình lần này là anh Doãn Quang, một tay máy kỳ cựu gốc Huế đang làm việc và sinh sống tại Đà Nẵng.

“Ánh sáng kinh đô” và cổ phục việt
Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại

Chiều 7/4, tại Khoa Báo chí – Truyền thông Trường đại học Khoa học đã diễn ra hội thảo “Nhiếp ảnh thương mại trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do trường phối hợp Hội Nhiếp ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và được tài trợ bởi công ty chuyên sản xuất về thiết bị chụp hình Yongnuo.

Khám phá AI với nhiếp ảnh Nghệ thuật và Thương mại
Dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ

Ngày 15/3, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam tại nhà thờ họ Đặng (Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà).

Dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
Muôn màu “Những nẻo đường xuân”

Triển lãm ảnh “Những nẻo đường xuân” do Câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ thực hiện đã mang đến cho công chúng nhiều góc nhìn về không khí tết tại Huế.

Muôn màu “Những nẻo đường xuân”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top