Thể thao trong nước

Những ông bầu “nhỏ” của bóng đá Huế

ClockChủ Nhật, 16/10/2016 05:16
TTH - Bóng đá phát triển được một phần nhờ vai trò các ông bầu. Những năm 40 của thế kỷ trước, bóng đá Huế có bầu Đức và bầu Tấn Đạt. Hiện nay, những ông bầu trẻ cũng đang xuất hiện, giúp bóng đá phong trào Cố đô ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Chuyên nghiệp hóa bóng đá phong trào

Có mặt tại giải vô địch bóng đá các câu lạc bộ (CLB) tỉnh (diễn ra từ 5 – 16/10), chúng tôi thấy được sự xuất hiện của các ông bầu “nhỏ”. Phải gọi là ông bầu “nhỏ” vì so với bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai) hay bầu Hiển (Đà Nẵng) ở V-League, sức chi của họ ít hơn nhiều. Song, với bóng phong trào, vai trò của họ không hề nhỏ.

Ông bầu Trương Tuấn Anh (áo trắng)

Trong 15 CLB tham dự giải năm nay, 2 đội bóng nổi lên là Trường An và Cô Ri. Trường An có 13 lần giành cup vô địch các giải, trong đó đã 4 năm liên tục (từ 2012 – 2015) giành ngôi vương tại giải vô địch bóng đá các CLB tỉnh. Với Cô Ri, biệt danh “vua về nhì” được nhiều người gán cho đội bóng này bởi lẽ kinh nghiệm thi đấu của họ khá dày dặn, nhưng suốt nhiều năm, chỉ kém hơn đối thủ sự may mắn. Và hai đội bóng này có hai ông bầu “nhỏ”: bầu Sơn (Trường An) và bầu Tuấn Anh (Cô Ri).

Đam mê bóng đá từ nhỏ, năm 2009, Trần Trường Sơn (bầu Sơn – sinh năm 1976) mới có khả năng đầu tư cho bóng đá. Sau khi thành lập đội bóng (khoảng 25 người), bầu Sơn sắm áo quần, giày và thuê sân để các cầu thủ tập luyện. Nhằm nâng cao chuyên môn các chân sút, bầu Sơn thường xuyên phối hợp với Trung tâm Thể thao tỉnh tổ chức giải. Số tiền mà ông bầu này chi cho đội bóng thời điểm mới thành lập lên đến 200 – 300 triệu đồng/năm. Bầu Sơn chia sẻ, hồi đó phong trào bóng đá rất nghiệp dư, cầu thủ đến sân phải được đá nếu không sẽ giận bỏ về. Tập hợp vận động viên đến từ nhiều nghề, lúc ấy bầu Sơn phải trả công mỗi ngày tập của một cầu thủ 50.000 – 100.000 đồng.

Muộn hơn bầu Sơn một năm, bầu Tuấn Anh (Trương Tuấn Anh – sinh năm 1984) cũng bước đầu đạt được “tham vọng” chuyên nghiệp hóa bóng đá phong trào. Đội bóng Cô Ri của anh tập hợp cầu thủ đến từ khắp nơi trong tỉnh nhưng kết hợp với nhau rất ăn ý và ít khi bỏ các buổi tập cuối tuần. Để ổn định nghề nghiệp cho “quân” mình, bầu Tuấn Anh đưa họ về làm việc ở doanh nghiệp của gia đình, đồng thời phối hợp Đoàn Bóng đá Huế “chiêu mộ” các cầu thủ đang chơi cho các đội bóng đá trẻ tại Huế nhưng khó có khả năng phát triển về đầu quân. Mỗi năm, anh bỏ ra 150 – 200 triệu đồng phục vụ cho hoạt động bóng đá của đội.

Trường An và Cô Ri hiện là hai đội bóng uy tín, được những chân sút phong trào ngưỡng mộ. Ngoài sự chuyên nghiệp, ông bầu của hai đội cũng “hào phóng” chi tiền tài trợ cho những giải bóng đá lớn, tiêu biểu như giải vô địch bóng đá các CLB năm nay. Điều mà người hâm mộ thể thao vua “nức lòng” là đội bóng của họ đang chơi giải phong trào nhưng kỹ thuật, lối chơi đẹp và tính đoàn kết được họ đặt lên hàng đầu, góp phần lan tỏa tính chuyên nghiệp trong hệ thống bóng đá phong trào.

Bầu… bền vững

Những năm gần đây, bóng đá phong trào Huế có khá nhiều ông bầu. Song, chỉ đầu tư một vài năm, họ lại tạm hoãn vì nhiều lí do, trong đó có cả chuyện… bối cảnh kinh tế chung khó khăn. Vì thế, “bầu bền vững” vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Trong quá khứ, Bạch Đằng – đội bóng vô địch “giải bóng đá chân đất” của Huế năm 1941, trở thành thế lực thứ hai của bóng đá Huế sau đội Seph cũng phát triển phần nào nhờ ông bầu. Sau khi trở thành đội bóng chân giày, đội Bạch Đằng được bảo trợ bởi hai ông bầu Đức và bầu Tấn Đạt. Sự đầu tư của hai ông bầu này đã giúp đội bóng chuyên nghiệp hóa rồi sau đó vượt mặt các đối thủ để giành chức vô địch Giải bóng đá học sinh Đông Dương năm 1944 tổ chức trên sân Stade Olympic – Huế và nhiều giải đấu khác.

Xưa cũng như nay, bóng đá phát triển được một phần nhờ vai trò các ông bầu. Khoảng 20 năm qua, Giải Bóng đá Thanh niên TP.  Huế không tổ chức (đến năm 2016 mới tổ chức lại) vì nỗi lo mất trật tự, đánh nhau, chơi xấu sau các trận đấu. Điều này xảy ra do các đội bóng phong trào thiếu một người đứng đầu. Đá bóng kiểu “góp gió” không ai chỉ đạo được ai, mỗi người một ý kiến và không có chế tài ràng buộc. Nếu làm một phép so sánh, không khó để nhận ra sự chuyên nghiệp vượt trội của đội bóng có ông bầu.

Ngày nay, mọi hoạt động đều cần đến nguồn xã hội hóa. Với thể thao “vua”, vai trò của những ông bầu là mang tính sống còn của cả đội bóng. Nhưng có ông bầu thôi chưa đủ, phải có ông bầu… bền vững, đầu tư lâu dài.

Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top