ClockThứ Ba, 02/02/2021 15:07

Những phiến lá xanh

TTH - Đám chuối sứ phía sau góc vườn năm nay buồn hiu. Nỗi buồn ấy chắc cũng ngang ngửa với lòng của mạ. Hôm qua, trời hen hén nắng sau những ngày dài mưa dầm dề, mạ đội chiếc nón lá đã úa màu, bước chân vội đi “thăm ló ngó đồng”. Nhìn những tàu lá chuối để dành gói bánh rách tả tơi, mạ rầu lòng than thở: “Tết ni, lá chuối mô mà gói bánh mấy đứa hè”.

Bếp của ngoạiHóng phố

Phía sau góc vườn nhà, mạ đặc biệt trồng một cụm chuối sứ. Cái đám đất trũng nước đó, hồi xưa lúc làm nhà, ba đã lấy bớt đất đắp trước sân. Ngày mưa, phía góc vườn ấy thường đọng nước. Mấy gốc cây ăn trái, chẳng cây nào chịu sống. Mạ đành cắm xuống mấy gốc chuối sứ sát mé hàng rào, vậy mà qua mấy bữa, đám chuối con đã nhảy khắp một góc xanh um.

Ở quê mình, tết nhất, nhà ai cũng gói bánh trái. Bánh tét đương nhiên phải gói. Bánh nậm, bánh lọc cũng không thể thiếu trong mấy ngày này. Mà bánh nào cũng cần đến đám lá chuối sứ xanh um sau vườn nhà. Người ở quê ít khi phải mua lá gói bánh. Nếu có thiếu, chỉ cần sang vườn nhà hàng xóm xin chục tàu là xong. Nên cái cụm chuối sứ cuối vườn nhà mạ, thường trở thành “điểm đến” của mấy nhà trong xóm khi tết về.

Mạ thường nói, bánh gói bằng lá chuối sứ bao giờ cũng có màu xanh óng ả đẹp mắt, lại thơm nức mùi lá. Ngọn lá dẻo dai nên khi gói không bị rách, bị bể như mấy loại chuối khác trong vườn. Bánh lọc, bánh nậm gói lá chuối sứ, khi luộc lên, lá bánh xanh rền, nhìn mát cả mắt. Bánh chưng bánh tét gói lá chuối sứ thì đặc biệt lâu thiu. Vỏ bánh xanh tự nhiên không phẩm màu hóa chất, lại có hương thơm rất đặc trưng.

Mình vẫn còn nhớ ngày nhỏ, mỗi khi cắt lá chuối gói bánh, mạ nâng niu lắm. Cái sào tre thật dài được mạ cột lên phía đầu sao một cây liềm thật sắc để cắt lá. Khâu rọc lá, xé lá bao giờ cũng do tự tay mạ làm. Mạ nói, giao cho ai cũng không yên tâm. Mấy đứa con gái xé lá to lá nhỏ, không vừa ý mạ.

Mấy bụi chuối sứ sau vườn nhà, lúc nào cũng sum xuê lá. Năm nào mạ cũng cẩn thận cuốn mấy liếp lá đẹp nhất, mang sang nhà bà ngoại để mấy cậu mấy dì gói bánh. Nhà ngoại ở bên kia con sông, vậy mà đất vườn chỉ đủ trồng vài luống hoa ngắm tết. Hồi đó, cậu cũng muốn “nhét” xuống vài bụi chuối sứ, để lúc nào muốn gói bánh là có ngay đám lá trong vườn nhà. Nhưng chuối sứ thân vừa cao vừa to, chiếm hết cả mặt tiền nhà, cậu đành tiếc nuối đốn bỏ. Thành ra năm nào, cậu cũng ngóng đám lá sau vườn mạ.

Hồi xưa mỗi lần mạ nấu bánh tét, thường dùng cái thùng gò vẫn thường hay gánh nước. Cái thùng chỉ chứa được tầm bảy đòn bánh tét to to, bên trên có thể chêm thêm mấy chiếc bánh chưng vuông vức. Năm nào nhà mình cũng gói nhiều hơn thùng nấu bánh vài đòn, nên lúc nào cũng phải sang gửi nhờ trong thùng bánh nhà hàng xóm nhờ nấu giúp. Đòn bánh tét mang đi gửi nấu, mạ sẽ buộc ở giữa một sợi dây chuối to to làm dấu, để khi bánh chín còn biết để lấy về. Cho đến sau này, khi mạ sắm được cái nồi thật to nấu bánh, nhà mình mới thôi đi gửi bánh khi mùa tết về.

Năm nay mưa bão ở Huế đặc biệt nhiều, mạ nhìn mấy tàu lá chuối sứ cuối góc vườn mà rầu rĩ. Trong khi mạ còn chưa nghĩ ra kiếm lá ở đâu để gói bánh, đã nghe giọng người quen í ới gọi sau ngõ nhà. Nhà hàng xóm kéo tay mạ chỉ mấy cụm chuối sứ sau vườn: “Cụm ni tui để dành cho chị gói bánh năm ni”. Mạ mừng chi lạ. Rứa là năm ni không lo thiếu lá. Mạ nhìn đám chuối sứ trong vườn rách tả tơi trong cái nắng hanh hao của mùa đông, không dưng cũng thấy thuận mắt chi lạ. Tháng Chạp đã trôi qua hơn một nửa, mạ phải chuẩn bị đậu, nếp, thịt heo là vừa. Tết nhất, phải gói bánh trái, mới thực có hương vị tết. Mạ bấm đốt ngón tay đếm đếm ngày, chờ đến lúc hạ mấy ngọn lá chuối ở vườn nhà bên, để nồi bánh chưng bánh tét sau hè thơm nồng hương tết.

Lê Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top