ClockThứ Tư, 20/03/2013 14:42

Những phụ nữ mê vẽ

TTH - Được tổ chức thường niên 17 năm qua, phòng tranh của các nữ họa sĩ được trưng bày trong dịp 8/3 luôn thu hút người xem. Bằng nhiều chất liệu phong phú, các tác phẩm đã thể hiện vẻ đẹp tinh tế, sức sáng tạo và niềm đam mê nghệ thuật của nữ giới.

Một phòng tranh nhẹ nhàng, đơn giản nhưng đầy cuốn hút là nhận xét của nhiều người khi xem triển lãm của các nữ tác giả Thừa Thiên Huế lần thứ 17 được trưng bày tại 26 Lê Lợi. Bên cạnh những họa sĩ dày dặn như Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, còn có nhiều họa sĩ trẻ, như: Trần Trịnh Thị Lý, Nguyễn Thị Anh My, Lê Thị Hải, Nguyễn Thị Huệ, Tô Trần Bích Thuý… và nhiều giáo viên của các trường phổ thông, sinh viên các trường đại học tham gia.

 

Tác phẩm "Xuân" - Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai.

 

Dành nhiều tình cảm với phòng tranh, năm nào cô giáo Võ Thị Quỳnh cũng có tác phẩm tham gia triển lãm. Cô Quỳnh tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ đến 8-3, mình lại háo hức chuẩn bị tranh tham gia triển lãm thường niên này”. Năm nay, cô góp mặt với phòng tranh tác phẩm “Tiếng ngân”. Bằng chất liệu hoa lá ép, tác giả đã thể hiện hình ảnh cậu bé ngồi bên cửa thổi sáo.

 

Là giáo viên dạy văn nhưng cô Võ Thị Quỳnh dành tình yêu đặc biệt với hội họa, đặc biệt là tranh hoa lá ép. Từ tình yêu ấy, cô trở thành người ghép tranh nghệ thuật bằng hoa, lá khô đầu tiên ở Việt Nam.

 

Cô Quỳnh bộc bạch: “Tôi muốn được góp phần kéo dài tuổi thọ dương gian của một đời hoa. Đó còn là cách để tôi ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời, gửi gắm vào đó những cảm xúc và tâm sự khó nói thành lời”. Với thời gian, số lượng tranh của cô Võ Thị Quỳnh ngày càng nhiều lên. Trong căn phòng nhỏ, hàng ngày cô vẫn cặm cụi giữa những lá, những hoa, gom góp từng cánh hoa mỏng manh để tạo nên những tác phẩm đẹp.

 

Tác phẩm "Hoa cúc dại" - Trần Thị Thanh Nga.

 

 

Họa sĩ Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai cũng là người tạo nhiều dấu ấn mỗi khi tham gia triển lãm tại phòng tranh này. Tác phẩm “Xuân” của họa sĩ Tuyết Mai đặc biệt gây ấn tượng. Đơn giản là thể hiện hình ảnh người thiếu nữ đang độ xuân thì, nhưng bằng cách phối màu tài tình, tranh của cô luôn thu hút người xem. Với tác phẩm này, người xem dễ dàng nhận ra đó là thiếu nữ Huế qua gam màu tím đặc trưng.

 

Với họa sĩ Tuyết Mai, tình yêu hội họa cộng với tài năng đã giúp cô sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật, đặc biệt là những tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu. Sự nghiệp hội họa đã tôn vinh người phụ nữ này với hàng chục năm giảng dạy ở Trường đại học Nghệ thuật Huế và hàng chục cuộc triển lãm trong, ngoài nước. Vẽ miệt mài, cô có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật đã trưng bày tại nhiều triển lãm mỹ thuật, trong đó có tác phẩm “Mùa vàng” được nhận giải A tại triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2003, được lưu giữ trong bộ sưu tập Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

 

Góp mặt với phòng tranh bằng tác phẩm “Nude”, họa sĩ Tô Trần Bích Thúy thể hiện vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ. Bích Thúy là một trong những nữ họa sĩ có nhiều đóng góp trong giới mỹ thuật đất Cố đô. Đam mê, vẽ bằng tất cả tâm hồn và luôn trăn trở với nhân sinh, thế giới nghệ thuật của chị đậm tính nhân văn và tình yêu cuộc sống. Tranh của chị bao giờ cũng bàng bạc triết lý về nhân sinh, những suy ngẫm, trải nghiệm về cuộc đời.

 

Lao động nghệ thuật gần 20 năm, chị tự nhận mình là người “tham lam” khi thích được tìm tòi, thể nghiệm trên tất cả các chất liệu. Trong đó, đồ họa và sơn mài là 2 chất liệu “hút hồn” chị. Trên con đường sáng tác hội họa, Bích Thuý luôn tìm kiếm, bởi với chị, nghệ thuật là sự tìm tòi suốt cả cuộc đời. Chị tâm sự: “Phụ nữ làm nghệ thuật tương đối vất vả. Không ít khi đang vẽ tranh nhưng tới giờ nấu cơm, chị phải gác lại cảm xúc để trở về với thiên chức của người phụ nữ. Thế là bị cắt ngang cảm xúc, nhiều khi không nối lại được. Tuy vậy, nấu bữa ăn ngon cho gia đình cũng là niềm vui”.

 

Bà Phan Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội LHPN Thừa Thiên Huế cho rằng: “Có thể khẳng định rằng, sau mỗi kỳ triển lãm tranh, đội ngũ sáng tác nữ trong tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng sáng tác, thể hiện khát vọng sáng tạo nghệ thuật của nữ giới. Điều đó chứng tỏ, họ xứng đáng với vai trò, vị trí nữ giới trong lĩnh vực nghệ thuật trên mảnh đất giàu văn hóa truyền thống như Thừa Thiên Huế”.

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em

Phong trào rèn luyện thể dục thể thao (TDTT) với nhiều loại hình phong phú của hội viên phụ nữ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế đã được các cấp Hội phát động, triển khai, duy trì và ngày càng được nhân rộng, thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Thể thao phong trào, sân chơi của chị em
Khẳng định vai trò nữ trí thức

Mỗi người một công việc, chuyên môn khác nhau nhưng họ có chung một chí hướng đó là lan tỏa những giá trị tốt đẹp, cống hiến năng lực của bản thân cho xã hội. Những nữ trí thức (NTT) trên nhiều lĩnh vực đời sống đã và đang góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ trong sự phát triển của tỉnh.

Khẳng định vai trò nữ trí thức
“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Ngày hội tôn vinh các nữ doanh nhân Việt Nam tại Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 17/3 tại thủ đô Paris, Hội nữ doanh nhân Việt cùng tiến tại Pháp (AEEV) đã tổ chức chương trình Gala & Awards 2024 nhằm tôn vinh những đóng góp của phụ nữ Việt Nam cho các hoạt động xã hội nói chung, cho hội AEEV nói riêng.

Ngày hội tôn vinh các nữ doanh nhân Việt Nam tại Pháp

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top