ClockThứ Ba, 08/03/2016 14:31

Những phụ nữ phụ thợ hồ

TTH - Chuyển gạch, bờ lô, sàng cát, đất, trộn hồ… công việc tại các công trình xây dựng nhiều người nghĩ chỉ dành cho đàn ông, thế nhưng, vẫn xuất hiện những phụ nữ thoăn thoắt công việc vì gánh nặng mưu sinh.

Đâu chỉ việc của cánh mày râu

Cứ tối tối, chị Nguyễn Thị Thiện, 36 tuổi, nhà ở Hương Long (TP.Huế) cố thu xếp thật gọn gàng nhà cửa để sáng sớm hôm sau đến công trình. Cùng xóm chị Thiện còn có chị Nguyễn Thị Anh, năm nay ngoài 30 tuổi cũng làm phụ thợ nề. Theo nghề đã nhiều năm, nên chẳng ai trong các chị còn cảm giác ngại ngùng khi ai đó trố mắt ngạc nhiên về công việc của họ.

Phụ hồ nữ tại công trình làm đường trong Trường đại học Nông lâm

Mấy lần đi ngang qua tòa nhà nhiều tầng đang xây dở trong kiệt 12, đường Nguyễn Thái Học (phường Phú Hội), tôi chứng kiến nhiều phụ nữ làm việc cùng các thợ xây. Không chỉ sàng cát, trộn hồ… có người còn đứng trên xe tải chuyền gạch xuống cho đồng nghiệp. Họ làm việc nhịp nhàng và chuyên nghiệp. Tại công trường xây dựng sửa chữa đường đi trong Trường đại học Nông Lâm Huế cũng có một số phụ nữ, người ban, người xúc đất vào xe rùa và người đẩy đi để dọn mặt bằng. Nếu không trực tiếp chứng kiến thì khó tin sự thành thạo trong công việc của họ. Từ cách chất gạch lên những chiếc xe rùa đáy không bằng phẳng, đến việc xúc những xẻng cát lia lên sàng hay khi họ chuyền cho nhau những viên gạch từ trên xe xuống.

Trang phục của các chị không khác nam giới mấy, thường là những chiếc quần tây cũ kỹ, mỗi người mặc mấy lớp áo, áo ngoài là những chiếc áo bay, áo rin cũ; chân đi giày ba ta, đầu đội nón hoặc mũ tai bèo rất cũ. Bụi xi măng, hồ, đất bám đầy trên quần áo, cả trên tóc của họ. Hầu hết không mấy ai có trang phục bảo hộ lao động, nhất là công nhân ở các công trình tư nhân dù khả năng tai nạn từ giàn giáo, vật tư rơi từ trên cao xuống rất dễ xảy ra. Các chị thường bịt kín mặt che nắng bằng những chiếc khẩu trang lớn. Họ vẫn cố bảo vệ làn da dù chẳng mấy ai giữ được sự mịn màng khi chọn công việc phụ nề.

Chị Nguyễn Thị Bê (46 tuổi) ở Phú Vang, trước đây bán bún trên đường Lê Hồng Phong (TP Huế). Thời gian đầu khách đông, thu nhập cũng khá. Về sau, có nhiều người cạnh tranh, việc buôn bán càng khó khăn dần, có hôm bún ế chở về cả nồi. Vốn liếng cạn dần nên chị quyết theo chồng đi làm phụ thợ nề. Chị Bê thở dài: “Vất vả thì đã rõ, nguy hiểm cũng có, nhưng chẳng phải lo toan gì. Đến tháng thì nhận tiền công, tằn tiện một chút đâu sẽ vào đó.”. Chị Bê cũng muốn học việc để có thể cầm bay xây tường, tô nhà với hy vọng tăng thu nhập, nhưng chồng không chịu do làm công việc thợ xây có lúc phải đứng trên giàn giáo cao, nhiều rủi ro. Như nhiều người lao động thời vụ khác, họ phải tự bảo vệ bản thân, đặt sự cẩn thận lên hàng đầu vì hầu hết họ không có hợp đồng lao động hay bất kỳ loại bảo hiểm nào. Vậy nhưng, cũng có lúc họ cũng gặp những tai nạn nhỏ. Chị Nguyễn Thị Anh (Hương Long) kể: “Có lần, đồng nghiệp đang ném gạch từ trên xe xuống, tự dưng tôi mặt mày xây xẩm nên không đón được, viên gạch rơi trúng chân làm dập ngón cái.”.

Vượt qua mặc cảm

Thu nhập của phụ thợ nề nam hiện là 180 ngàn đồng mỗi ngày, phụ nữ chỉ được 150 ngàn đồng vì năng suất của họ không thể bằng nam giới. Chẳng phải ngày nào thợ phụ cũng có việc, nhất là mùa mưa bởi công việc của họ chủ yếu làm ngoài trời. Thời tiết đẹp, trung bình một tháng họ làm khoảng 20-25 ngày. Mùa đông công việc thất thường, nhiều người năng động nên ai kêu gì làm đó. Tâm sự chung của nhiều phụ nữ làm phụ thợ nề là “Lúc mới đi làm vừa buồn vừa mặc cảm. Chẳng người chị, người mẹ nào muốn giới thiệu mình là phụ thợ nề để nhận ánh mắt thương hại của người khác”. Có lúc, vợ chủ nhà lên thăm công trình, từ cách đi đứng, nói năng đến ăn mặc đối lập với mình làm sao không tủi thân. Nhưng mãi thành quen, cũng phải gạt đi hết để lo cho con.” một chị ngậm ngùi kể

Anh Tài, chủ thầu nhiều công trình tư nhân, chia sẻ: “Đàn ông làm nghề này đã vất vả huống hồ là phụ nữ. Thế nhưng nhiều chị theo nghề khá bền. Tiền công giữa nam và nữ tôi trả ngang nhau, nhưng về công việc tôi thường ưu tiên phụ nữ hơn”. Chị Thiện tâm sự: “Nói vậy chứ làm lâu rồi không còn mấy ai than thân trách phận. Công việc nặng nhọc vì mình là phái yếu, nhưng luôn được các đấng mày râu ưu tiên. Chủ nhà mang thức ăn bồi dưỡng đến mình cũng được nhận phần hơn. Ngay cả khi gia đình có chuyện gì đột xuất cũng được đồng nghiệp quan tâm, giúp đỡ”.

Vì gánh nặng mưu sinh, nhiều phụ nữ phải bươn chải trên những công trình, làm những công việc nặng nhọc thuộc về cánh mày râu. Nhưng rồi, sau những mệt mỏi hàng ngày, niềm vui họ tìm được là niềm vui trong từng bữa ăn gia đình. Họ còn nhận được niềm tự hào trên mỗi trang vở của con trẻ và hy vọng đến ngày chúng có tương lai sáng hơn cuộc sống của họ. Đã không ít người con trưởng thành nhờ hiểu được họ lớn lên bằng chính sức lao động của người mẹ. Điều đó rất đáng trân trọng. 

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tránh mắc vào cạm bẫy

Để mỗi phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ vùng cao, biên giới không là nạn nhân của vấn nạn buôn bán người, bóc lột sức lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phụ nữ tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, vấn nạn đó.

Tránh mắc vào cạm bẫy
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; vì thế việc trao cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa trao thêm cơ hội để phụ nữ tự khẳng định mình.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

TIN MỚI

Return to top