ClockChủ Nhật, 01/07/2018 07:00

Những “sứ giả” hàn gắn yêu thương

TTH - “Chuyện nhà người ta, nhưng nghĩ đến một gia đình sắp tan vỡ, chúng tôi cứ bứt rứt, lòng không yên. Vậy nên, dốc hết gan hết ruột ra mà phân tích, khuyên lơn…”- những “sứ giả” hàn gắn yêu thương ở UBND xã Phú Hải, huyện Phú Vang trải lòng.

Gắn kết yêu thương9 gia đình tiêu biểu tham gia hội thi “Gia đình hạnh phúc”Ngày hội "Gia đình hạnh phúc"

Gia đình hạnh phúc là nền tảng tốt cho xã hội. Ảnh: Đăng Tuyên

Hàn gắn yêu thương

Mang theo câu chuyện nghe trước đó về một cặp vợ chồng ở thôn Cự Lại Đông đã đưa nhau ra tòa, được hòa giải quay về đoàn viên, sống hạnh phúc, tôi đến gặp những cán bộ bộ phận cải cách hành chính (hay còn gọi là bộ phận "một cửa") của UBND xã Phú Hải (cũng là tổ hòa giải). Giờ hẹn cứ bị lùi lại bởi hễ các anh chị mới giải quyết giấy tờ, thủ tục cho người này xong, lại người kế tiếp. “Công việc bận rộn như vậy, lấy đâu thời gian để đi hòa giải?". Giải đáp thắc mắc của tôi, anh Nguyễn Văn Việt, Trưởng bộ phận cải cách hành chính của xã cười mộc mạc: "Anh chị em phải tranh thủ thời gian ngoài giờ làm việc, có khi giữa trưa, lúc lại buổi tối, ngày nghỉ, “canh” thời điểm tiếp cận vợ (chồng) “nhà người ta” sao cho phù hợp để lời phân tích, khuyên giải dễ “lọt”, dễ thấm".

“Vợ chồng anh H. chị L. (thôn Cự Lại Bắc) đã đưa nhau đến chốn công đường làm thủ tục "đường ai nấy đi". Khi họ về UBND xã xác nhận một số giấy tờ theo yêu cầu của tòa án, chúng tôi mới biết chuyện”, anh Việt hồi tưởng. Anh Việt và các đồng nghiệp bỗng bứt rứt, lòng không yên vì nghĩ ngay đến mấy đứa con của vợ chồng nhà đó còn quá nhỏ dại. Vốn dĩ anh H. rất hiền lành, làm thợ hồ, cả ngày chỉ biết công việc, thú vui đơn giản là “làm” ly cà phê buổi sáng. Chị L. cũng chịu thương, chịu khó tảo tần buôn bán, vun vén gia đình. Vì đâu nên nỗi người phụ nữ này lại chủ động “đứng đơn” bỏ chồng, “chia” con. Chị L. nước mắt ngắn dài giãi bày, lâu nay anh H. đã thay tính đổi nết, sa đà vào những cuộc ăn nhậu say xỉn, bỏ bê vợ con gia đình. Hết can ngăn lại năn nỉ nhưng chẳng ăn thua, chị L. đành chán ngán “buông tay”, giải phóng cho bản thân khỏi nỗi bất hạnh.   

Mâm cơm có vai trò kết nối các thành viên trong gia đình. Ảnh: T.H

“Lặng lẽ” đi “nghe ngóng” hàng xóm láng giềng và những người thân cận của đôi vợ chồng này, mới biết những tâm sự của chị L. là đúng. Anh chị em tổ hòa giải bắt đầu tìm cách gặp riêng từng người phân tích thiệt hơn. “Một lần, hai lần... đến lần thứ bảy, khi mấy anh cán bộ “tỉ tê” nếu không may mấy đứa trẻ chán đời vì ba mẹ ly hôn, tổ ấm thành “tổ lạnh”, lêu lổng rồi sa vào nghiện game, nghiện ma túy, ăn trộm ăn cắp, tui giật mình. Mấy anh cũng đã năm lần bảy lượt gặp chồng tui phân tích, khuyên lơn. Chắc cũng giật mình như tui nên chồng tui quay qua xin lỗi, hứa hẹn thay đổi. Được vậy thì không còn gì hơn, tui gật đầu liền. Chồng tui đã giữ lời hứa, từ bỏ nhậu nhẹt bê tha, vợ chồng lại cùng chung lưng đấu cật làm ăn nuôi con. May quá! Nếu không có mấy anh...”, chị L. nở nụ cười “bẽn lẽn”, hạnh phúc.

Vợ chồng chị C. anh D. ở thôn Cự Lại Bắc cũng “giữ lại” được tổ ấm gia đình sau “hành trình” hàng tháng trời cán bộ tổ hòa giải UBND xã Phú Hải bỏ công hàn gắn.

Hạnh phúc

Anh Hoàng Trọng Việt, cán bộ tư pháp-hộ tịch chia sẻ, cứ lần nào biết một cặp đôi sắp ly hôn, một gia đình sắp tan vỡ, có những đứa trẻ sắp bơ vơ dù còn đủ đầy cha mẹ..., thì chúng tôi đều rất buồn. Gia đình “xẻ nửa” không còn là chuyện riêng của gia đình đó mà có tác động, hệ quả buồn đối với xã hội. Vậy nên công tác hòa giải không giới hạn trong tổ hòa giải mà “lan tỏa” toàn đơn vị.

Sau khi nắm tình hình “đặc thù” mâu thuẫn của gia đình đang ngấp nghé bờ vực tan vỡ, các cán bộ ở bộ phận "một cửa" xã Phú Hải tùy cơ ứng biến phân công người tiếp cận, thuyết phục. Ngoài cán bộ tổ hòa giải, nhiều “ca” phải có sự hỗ trợ của cán bộ phụ nữ, cán bộ Mặt trận hay Đoàn thanh niên... “Có khi chúng tôi đến nhà, nhưng nếu “người trong cuộc” là hàng xóm cùng thôn hoặc bạn bè quen biết, chúng tôi “rủ” đi cà phê tạo không gian thoải mái, dễ dàng tâm tình, trải lòng. Các đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND xã rất ưu tiên công tác này nên tạo điều kiện tốt nhất để anh chị em trong đơn vị hàn gắn thành công, giữ lại được một gia đình trọn vẹn”, anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Trong quá trình làm “sứ giả” hàn gắn yêu thương, các cán bộ ở bộ phận "một cửa" của xã Phú Hải luôn quan sát, cảm nhận một cách tinh tế. Phần lớn các cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa tuổi đời lẫn “tuổi” hôn nhân còn trẻ, thiếu sự chia sẻ việc nhà, chăm sóc con nhỏ, cái tôi lấn át, vợ chồng không có tiếng nói chung. Thế nhưng khi gặp riêng từng người, trong lúc “kể tội” đối phương, họ vẫn gọi “chồng tui”, “vợ tui”, chứng tỏ vợ chồng vẫn còn tình cảm, coi như “chỉ số” hi vọng của “ca” đó cao. “Sứ giả” sẵn lòng kiên nhẫn ngồi hàng giờ lắng nghe từng “đương sự” trút hết mọi “ngóc ngách” uẩn khúc, để có cách “tháo gỡ” khúc mắc giữa cặp đôi. Vì vậy, các cán bộ ở bộ phận "một cửa" của xã Phú Hải đã giúp được rất nhiều gia đình “thoát” khỏi sự đổ vỡ. “Công việc “vác tù và” khiến các anh chị em trong tổ hòa giải nói riêng, trong toàn UBND xã tốn không ít thời gian, công sức. Nhưng bù lại, một gia đình được hàn gắn, chúng tôi được “nhận lại” niềm vui, hạnh phúc...”, anh Nguyễn Văn Việt nói.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Thấu hiểu để yêu thương

Mang đến những hiệu quả rõ rệt trong công tác tuyên truyền và bảo vệ quyền trẻ em, thời gian gần đây, Hội Bảo vệ quyền Trẻ em (BVQTE) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự gắn kết, thấu hiểu giữa phụ huynh và con trẻ.

Thấu hiểu để yêu thương
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top