ClockThứ Ba, 14/06/2016 14:43

Những suất cơm nghĩa tình

TTH - Hai tuần một lần, tại số 38 đường Phạm Đình Hổ, hơn 350 suất cơm, mỗi suất giá chỉ 2.000 đồng đã được nhóm từ thiện “Kết nối” trao đến những người lao động nghèo trong TP. Huế.

Với những món ăn như rau xào, trứng rán, thịt kho với đậu phụ và canh rau thịt bằm, nhóm từ thiện “Kết nối” mong muốn những người lao động nghèo sẽ có được những bữa cơm ngon lành và bớt đi nỗi lo về kinh tế. Với những người lao động, như phụ thợ hồ, bán vé số, chạy xe ôm, những em sinh viên nghèo, những chị ve chai... thì đây không chỉ là vật chất mà còn là món ăn tinh thần vô cùng ý nghĩa đối với họ.

Thành viên nhóm tình nguyện tham gia phát cơm

Không khí buổi phát cơm diễn ra thân thiện, các thành viên trong nhóm luôn tận tình giúp đỡ người nhận. Những tình nguyện viên trên môi luôn nở nụ cười dưới cái nắng gay gắt ở Huế, họ nhiệt tình lấy ghế, rót nước và thu lại những tấm phiếu đã phát.

Bà Nguyễn Thị Gái (45 tuổi) một người thu mua ve chai tâm sự: “Nhận cơm như ri đỡ tốn tiền hơn so với mua một suất cơm 10.000 đồng hay 15.000 đồng ở các quán cơm. Dì vui lắm con, với một suất cơm 2.000 đồng như ri thì hôm ni dì sẽ để dành thêm được một ít tiền”.

Đây là lần thứ 16 chương trình của nhóm từ thiện “Kết nối” được tổ chức. Mặc dù chỉ được thực hiện 2 tuần 1 lần vào các ngày chủ nhật cách tuần, nhưng nhóm thực sự đem đến niềm vui cho rất nhiều người. Nhóm từ thiện gồm các thành viên đến từ nhiều ngành nghề, nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều cùng chung một mục đích là giúp đỡ người lao động nghèo. 

Anh Ngô Phi Tín (29 tuổi), Trưởng nhóm tình nguyện “Kết nối” chia sẻ: “Ban đầu thì nhân lực của nhóm còn ít, nên vẫn còn chút khó khăn và gặp trở ngại trong việc xin phép chính quyền địa phương, giờ thì nhóm đã ổn định hơn trước nên mọi việc cũng diễn ra có tổ chức hơn. Với một suất cơm 2.000 đồng nhóm mong muốn giúp đỡ được những người lao động nghèo. Khi bắt đầu chương trình này đã có nhiều người hỏi mình: Tại sao vẫn lấy giá cơm là 2.000 đồng mà không phát miễn phí? Mình suy nghĩ, ai cũng có một lòng tự trọng của mình dù cho họ có nghèo đi nữa, nên nhóm quyết định chia sẻ bằng một bữa cơm giá 2.000 đồng thay vì cho không”.

Bà Nguyễn Thị Gái nhận phần cơm từ tình nguyện viên

Anh Tín cho biết thêm, việc phát cơm được thực hiện bằng hình thức phiếu ăn. Các thành viên của nhóm sẽ đi dọc các tuyến đường và các khu nhà trọ của sinh viên nghèo vào buổi sáng để phát phiếu. Trên mỗi phiếu ăn, thường ghi đầy đủ thông tin về địa chỉ, thời gian và có đóng dấu đỏ của nhóm để dễ dàng trong việc kiểm soát các phần cơm. Nhờ có việc tổ chức tốt nên tại địa điểm phát cơm không xảy ra trường hợp chen lấn, xô đẩy hay thiếu các phần cơm cho người dân.

 Anh Nguyễn Văn Tín (32 tuổi), một thành viên lâu năm của nhóm chia sẻ nguyện vọng: “Mong rằng năm nay nhóm sẽ có kinh phí ổn định hơn để giúp đỡ hết những hoàn cảnh khó khăn và trẻ em nghèo mà nhóm đã tìm hiểu được”.

Được biết, bên cạnh hoạt động cơm từ thiện 2.000 đồng, nhóm còn thực hiện các chương trình khác như phát gạo cho các gia đình nghèo, quyên góp và giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn hay đến các trung tâm bảo trợ và trường học để giúp đỡ cho trẻ em nghèo vượt khó…

Bài, ảnh: Hoàng Trang - Kiều My

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP. Huế

Sáng 23/3, tại Công viên Trịnh Công Sơn, UBND TP. Huế tổ chức lễ khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP. Huế lần thứ III hướng đến chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 78 năm Ngày truyền thống ngành Thể thao Việt Nam, 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2024.

Khai mạc Giải đua ghe truyền thống TP Huế
Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

2 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có gần 2.000 người làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần; riêng tháng 2/2024 có gần 900 người, tăng 10,7% so với tháng trước. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

TIN MỚI

Return to top