ClockThứ Ba, 03/09/2013 05:28

Những tiếng rao trong ký ức

TTH.VN - Chiều qua tự nhiên có một người làm nghề mài dao “lạc” vô kiệt nhà mình. Tiếng rao buồn buồn, đục đục làm mình nhớ lại hình bóng của những nghề mà chắc giờ chỉ còn trong ký ức.

"Ai mài dao hới...!". Lâu lâu lại thấy ông lão người nhỏ thó quê đâu tận Núi Thành - Quảng Nam đạp xe vào xóm, trên xe chẳng có gì ngoài một cục đá mài xám bóng có thể soi mặt và mấy cái khăn lau cũ nhàu. Ông mài dao thoăn thoắt và dứt khoát. Chỉ trong thoáng chốc, mấy con dao, rựa đùi nhây đã sáng loáng ánh thép dưới bàn tay ông. "Moài không soắt tui không lấy tiền!", cái giọng Quảng Nam đặc sệt của ông sau khi xong việc cùng với nụ cười hiền lành thật dễ mến...

"Hoạn heo hấy!" đó là tiếng rao của ông thợ hoạn heo hay vô ra làng tôi. Ông ni quê đâu Phú Lộc, Phú Vang chi đó. Đạp xe rong ruổi từ làng này sang làng khác, vóc người ông thợ hoạn heo chắc chắn lại có bộ râu dài thiệt oách. Trên vai ông là cái bị đệm đựng đồ nghề gồm con dao sắc lẹm, kim chỉ khâu, một bình vôi màu hồng, sợi dây thừng...
 
Ông làm việc chính xác, mau lẹ: nhảy vô chuồng chụp hai chân sau con heo, xách ra sân cột vào cái thang để sẵn trước hiên nhà rồi bắt đầu trổ nghề mổ, cắt, khâu lại và bôi vào vết thương của con heo loại vôi hồng hồng chỉ trong vòng 10-15 phút... Ai mời nước thì ông uống, không thì rút cái bị bằng vải ra nhét vội mấy đồng tiền công rồi lại nhảy lên xe: “Hoạn heo hấy!”.
 

Tiếng "rem đây..." chắc chắn là tiếng rao mát lành nhất trong ký ức. Ảnh: Internet
 
Tiếng rao “rem đây... rem đây...” chắc chắn là tiếng rao mát lành nhất trong ký ức tuổi thơ của mình. Mùa hè, làng không có điện, nước đá không có luôn, chỉ có cà rem mát lạnh giải được cái nắng, nóng của cái nơi cát nhiều hơn đất... Hồi đó, có khoảng chừng 4-5 chú bán cà rem về làng mình. Các chú ở Huế, cứ 3 giờ sáng là mấy chú tới lò lấy cà rem rồi tức tốc đạp xe từ Huế về bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu để kịp chuyến đò qua phá Tam Giang.
 
Đến khoảng 9 giờ sáng, cả làng bắt đầu nghe tiếng rao “rem đây... rem đây...”. Cà rem giá không có đắt, chỉ 2 hào một cây xanh đỏ gọi là cà rem mậu dịch, còn cà rem có thêm mấy hột đậu (bọn trẻ mình hay gọi là cà rem đặc biệt) giá 5 hào. Nhưng thiệt tình không phải ngày nào cũng được ăn cà rem. Chuyện 3, 4 thằng ăn chung một cây cũng có. Rồi có lúc hết tiền cũng sấn tới nhìn vô thùng cà rem để được cái hơi lạnh phả vô mặt một chút cho đỡ thèm…
 
Mấy chú cà rem về làng dần quen mặt biết tên, mấy đứa con nít xóm mình quen chú Vân nhất vì chú vẫn thỉnh thoảng nghỉ trưa ở ngã ba đầu xóm và kể chuyện tếu táo. Chú còn tập cho bọn mình bài hát “Thằng Tý bán kem xách thùng ra đi - Từ sáng đến trưa không lời một hào… - Cà rem chảy nước cái mặt chùng bùng, cà rem chảy nước cái mặt chùng bùng...”.
 
Ở quê mình cũng có mấy dì tận Bình Định gánh cốm ra bán. Họ đi từ làng này sang làng khác với đôi thúng cốm cao hơn cả đầu người. Đi bán cả ngày, đến tối thì xin ngủ nhờ nhà nào đó. Thân gái dặm trường nhưng chẳng có kẻ xấu nào dám đụng đến bởi vì cái tiếng “Con gái Bình Định múa roi, đi quyền”.
 
Thời đó hay đồn mấy người bán cốm thường bắt cóc con nít bỏ vô thùng. Nhà nào đến bữa trẻ con mè nheo, không chịu ăn là cứ lôi bà bán cốm ra dọa, thế là im re, ăn uống nghiêm chỉnh. Mà mình cũng là một trong số đó. Một bữa có một dì bán cốm vô xóm mình nước mặt ngắn dài nài nỉ ai mua lại đôi thúng cốm để mau được về quê vì “Tui nhớ mấy đứa nhỏ ở nhà quá chịu hết nổi rồi”...
Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

TIN MỚI

Return to top