ClockThứ Năm, 16/12/2010 14:46

Những tượng đài

TTH - Thứ bảy 11/12/2010, Huế kỷ niệm 90 năm ngày sinh và 9 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu bằng đêm thơ “Quê mẹ”, giới thiệu lại những bài thơ hay một thời của Tố Hữu để tưởng nhớ về ông, một người con xứ Huế. Không chỉ được bạn đọc biết đến với tư cách là nhà thơ của lý tưởng Cộng sản, tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị, Tố Hữu còn được biết đến với một giọng điệu thơ rất riêng và rất dễ nhận, ảnh hưởng bởi cái “chất Huế” từ nhỏ đã in đậm trong ông.

Thứ tư, ngày 15/12/2010, là tròn 30 năm ngày chia tay nhà thơ Thanh Hải. Đã hàng chục năm nay, người dân Huế bắt đầu một ngày mới bằng giai điệu từ một bài thơ quen thuộc của Thanh Hải được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Trần Hoàn là nhạc hiệu của Đài Truyền thanh thành phố: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi, con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời…”. Huế đẹp và hiền hoà trong bình minh ban mai và như rộn ràng hơn, trẻ trung và hiện đại hơn trong giai điệu mượt mà của bài ca “Mùa xuân nho nhỏ”.


Nhà thơ Tố Hữu làm việc với Bác Hồ tại nhà sàn, 9/4/1960. Ảnh: TL
700 năm bắt đầu từ sự kiện đám cưới của Huyền Trân công chúa kết duyên với vua Chăm đổi lấy châu Ô, châu Lý, lịch sử đã là sự nối tiếp liên tục từ Hoá Châu, Thuận Hoá, đến Phú Xuân và nay là đất Huế yêu thương. Cũng ngần ấy thời gian, cùng với dòng sông Hương được mệnh danh là dòng sông của thi ca, đã có biết bao thế hệ thi nhân Huế mà tên tuổi của họ mãi mãi là niềm tự hào lớn lao.
Cách nay 2 năm, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật đã cho ra mắt tuyển tập “700 năm thơ Huế” (1306-2006). Một tập sách còn để lại nhiều ý kiến này nọ khác nhau, nhưng rõ ràng đã mang lại cho người đọc một cảm giác lạ, đầy ngỡ ngàng về con số 492 nhà thơ là những người gốc Huế và cả những nhà thơ trên khắp mọi miền của mảnh đất hình chữ S này nhưng đã nặng lòng với Cố đô và đã có những sáng tác tuyệt hay về Huế. Ngỡ ngàng và bất ngờ đến dễ chịu khi bắt gặp một nhà thơ bậc đế vương Hồng Nhậm bên cạnh một Thanh Tịnh hay Tố Hữu, Thanh Hải và rồi nữa còn là những người bạn trẻ hằng ngày vẫn cùng ta nhâm nhi tách cà phê trên những vỉa hè của Huế. Thi nhân không phân biệt, tất cả đều hướng đến và tôn sùng cái đẹp. Tôi vẫn nghĩ, mỗi con người xứ Huế đều mang trong mình tố chất và dòng máu của một nhà thơ!
Trong lịch sử thi ca của vùng đất núi Ngự sông Hương, Tố Hữu và Thanh Hải là hai tượng đài. Những sáng tác của họ đã đi vào ký ức bao người, được tuyển chọn vào trong các sách giáo khoa để giảng dạy cho bao thế hệ. Người Huế tự hào về Tố Hữu, về Thanh Hải... Nhớ và tưởng niệm về Tố Hữu và Thanh Hải cũng là cách ôn lại và phát huy những giá trị về một truyền thống đẹp đã góp phần hình thành nên tâm hồn và tính cách Huế giàu bản sắc.
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top