Thể thao

Những viên “ngọc thô” chờ tỏa sáng

ClockThứ Bảy, 21/08/2021 08:30
TTH - Dưới bàn tay nhào nặn của các cựu danh thủ bóng đá Huế, có không ít tài năng “nhí” đã xuất lộ từ các CLB Bóng đá cộng đồng. Đó cũng là những tín hiệu tích cực cho bóng đá Cố đô trong tương lai.

Khởi đầu khá ổn của CLB Bóng đá Huế ở mùa giải mớiĐể bóng đá Huế “sang trang”

Thảo Nguyên - nữ tuyển thủ U16 Việt Nam xuất thân từ "lò" Immanuel Huế

Vừa học, vừa chơi

Sau khi giải nghệ, cựu tiền vệ Dương Công Quốc vừa giữ vai trò Trưởng phòng Nghiệp vụ kiêm HLV trưởng U17 – Đoàn Bóng đá Huế vừa thêm vai trò huấn luyện viên tại CLB Bóng đá Hue All Stars do anh và những cộng sự mở, “đóng đô” ở sân bóng của Đoàn Bóng đá Huế trong khuôn viên Trung tâm Thể thao tỉnh trên đường Hà Huy Tập.

Cựu tiền vệ tài hoa một thời của CLB Bóng đá Huế chia sẻ: “Một mặt tạo thêm sân chơi cho các em có đam mê với bóng đá, mặt khác để tăng thêm thu nhập. Nhưng điều quan trọng làm tôi và các cộng sự vui hơn cả là từ lớp dạy bóng đá “vỡ lòng” của mình, đã có nhiều tài năng “nhí” lọt vào “mắt xanh” tuyển trạch viên U11, U13, U15 Đoàn Bóng đá Huế”.

 “Ban đầu mở lớp, tôi và các anh em, như: Nguyễn Đình Tuấn, Trần Mậu Trí, Lê Quốc Dân… cũng hơi lo lắng không biết có thu hút được học viên không, bởi các em có nhiều lựa chọn để giải trí, vận động ngoài bóng đá. Nhưng lớp khai giảng thời gian ngắn, ngoài những em ở TP. Huế, có không ít người tận Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang cũng đưa con em mình đến học”, cựu tiền vệ Dương Công Quốc nói.

Nguyên nhân để Hue All Stars có thể thu hút nhiều học viên từ khắp nơi đăng ký là ngoài tập “chơi” với quả bóng tròn, các em còn được tham gia nhiều hoạt động kỹ năng sống vui tươi, thiết thực do các HLV của Hue All Stars tổ chức song song.

Cảnh Lâm (phải) trong một lần cùng các học viên “chơi đùa” với quả bóng

Ngoài CLB Bóng đá Hue All Stars, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều mô hình tương tự, như: FC Tương Lai, Huepower, Dream Football Huế, Kidfootball, Immanuel Huế…, trong đó, đáng chú ý hơn cả là CLB Bóng đá học đường Immanuel Huế, do một số cựu cầu thủ của CLB Huế mở và trực tiếp huấn luyện.

Nói đáng chú ý là, bởi mục tiêu đầu tiên khi thành lập, cũng như các CLB bóng đá cộng đồng khác, đó là tạo thêm sân chơi cho thiếu nhi, vừa thư giãn, phát triển kỹ năng, rèn luyện sức khỏe sau những giờ học căng thẳng. Và trải qua 3 năm hoạt động, có thể nói, Immanuel Huế đã trở thành CLB bóng đá cộng đồng lớn nhất Cố đô với hơn 200 học viên đăng ký tập luyện tại 3 cơ sở ở địa bàn TP. Huế.

Tương tự như CLB Hue All Stars khi việc huấn luyện các VĐV “nhí” do các cựu cầu thủ Huế nổi tiếng một thời, như: Dương Công Quốc, Nguyễn Đình Tuấn, Trần Mậu Trí, Lê Quốc Dân… trực tiếp đứng lớp, thì tại Immanuel Huế, ngoài Cảnh Lâm, đảm trách việc này còn là những gương mặt được nhiều người yêu bóng đá Huế biết đến, như: Đinh Công Thịnh, Nguyễn Đông Phương, Hồ Ngọc Luận, Hồ Viết Hải, Nguyễn Văn Dũng, Phan Anh Hoàng…

“Vui, thoải mái, giúp các em vừa chơi vừa học, vừa rèn luyện sức khỏe và phát triển năng khiếu… là tiêu chí chung của các CLB bóng đá cộng đồng, trong đó có CLB Bóng đá học đường Immanuel Huế. Cũng như các đồng nghiệp, chúng tôi xác định, khi các em đến sân, trong thời gian tập luyện và khi kết thúc buổi tập, trên gương mặt của các em đều hiện diện nụ cười”, cựu cầu thủ Nguyễn Cảnh Lâm – người sáng lập CLB Bóng đá học đường Immanuel Huế chia sẻ.

“Ngọc thô” chờ tỏa sáng

Tuy mới thành lập chừng 2 năm, nhưng sau một vài khóa học, CLB Hue All Stars đã kịp đóng góp cho các tuyến trẻ của Đoàn Bóng đá Huế không dưới 10 VĐV có tiềm năng. “Bên cạnh năng khiếu, nếu vẫn giữ được ngọn lửa đam mê cùng việc được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, tương lai nhiều em sẽ thành công với đam mê của mình”, HLV Dương Công Quốc chia sẻ.

Không hề kém cạnh, thậm chí có phần trội hơn nhờ có thời gian tích lũy lâu hơn, 3 năm qua, từ những khóa đào tạo của mình, CLB Bóng đá học đường Immanuel Huế đã đóng góp 8 chân sút “nhí” cho Đoàn Bóng đá Huế, trải dài từ U11 đến U17. Không chỉ vậy, năm 2020, chân sút nữ Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên – cầu thủ xuất thân từ “lò” Immanuel Huế đã xuất sắc vượt qua hàng trăm thí sinh trên khắp cả nước để được chọn khoác áo U14 Việt Nam, và năm 2021, Thảo Nguyên được “đôn” lên U16 Việt Nam.

Để có được những trái ngọt đó, cũng cần nhắc tới phương thức đào tạo, huấn luyện của CLB này. Ngoài thường xuyên tham gia các giải đấu trong tỉnh, tổ chức những trận cọ xát với các tuyến U của Đoàn Bóng đá Huế, thầy trò HLV Nguyễn Cảnh Lâm còn có những chuyến tham quan, du đấu tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thái Nguyên và Hà Nội. Từ đó, ngoài tăng tính “thực chiến”, bản thân các học viên và cả HLV cũng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong thi đấu lẫn đào tạo.

Đó chính là cơ sở để không ít các học viên của Immanuel Huế tự tin thi tuyển vào các tuyến U của Huế, của CLB futsal Thái Sơn Nam hay dự thi vào Học viện Juventus Việt Nam ở Quảng Trị, đăng ký khóa tuyển sinh của PVF tại Đà Nẵng…, đồng thời, cũng là động lực để học viên các CLB bóng đá cộng đồng khác phấn đấu.

Bài: HÀN ĐĂNG

Ảnh: CLB Bóng đá học đường Immanuel Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gây quỹ hỗ trợ quà tết cho sinh viên

Tối 6/1, tại Trường đại học (ĐH) Nông Lâm, ĐH Huế diễn ra lễ chuyển giao ban điều hành các câu lạc bộ, đội - nhóm nhiệm kỳ 2022 - 2023 và chương trình chào năm mới 2023.

Gây quỹ hỗ trợ quà tết cho sinh viên
Hiệu quả từ câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Để người cao tuổi (NCT) nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng và đảm bảo an sinh từ những nhu cầu thiết thực nhất, sự ra đời của các câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) đã và đang thể hiện tính hiệu quả, nhất là với Hội NCT tại mỗi địa phương.

Hiệu quả từ câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau
Return to top