ClockThứ Ba, 05/05/2015 06:15

Những vùng quê mới

TTH - Với người dân các vùng kinh tế mới, gian khó thời kỳ đầu giờ chỉ còn là ký ức. Những vùng đất một thời mưa bom, lửa đạn, núi rừng hiểm trở nay đã hồi sinh, thay da đổi thịt.

Trang trại gà của anh Trần Văn Sơn ở Phong Xuân cho thu nhập 500 triệu đồng/năm

“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”

“Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ dân ở đồng bằng, TP Huế đến các vùng gò đồi, miền núi khai hoang, lập nghiệp. Từ vùng đất hoang sơ, núi rừng hiểm trở, sau 40 năm họ đã biến thành vùng đất phì nhiêu, phủ xanh những cánh rừng keo, cao su bạt ngàn, hay những vườn sắn công nghiệp... Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu đi lại, sản xuất, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế... Cuộc sống người dân đã ổn định, tỷ lệ hộ nghèo còn rất thấp. Hầu hết người dân đã xây được nhà kiên cố, khang trang, có hộ còn tậu cả ô tô...” - Ông Phạm Đình Văn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh.
Sau ngày đất nước giải phóng, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, gia đình ông Trần Văn Xuân cùng nhiều hộ dân ở huyện Quảng Điền đến xã Phong Xuân (Phong Điền) khai hoang, mở đất lập nên vùng kinh tế mới-thôn Vinh Phú. Mới lên đây, mỗi hộ được chính quyền tạo điều kiện cấp đất ở, lương thực cho mấy tháng đầu, còn đất canh tác thì mênh mông, mạnh ai nấy làm... 40 năm đã qua, trong ký ức của ông Xuân vẫn hằn in một thời gian nan, vất vả. “Chiến tranh đi qua để lại hậu quả nặng nề trên vùng đất Phong Xuân. Các vùng đất vẫn còn hoang sơ, núi rừng hiểm trở gây khó khăn trong việc đi lại, sản xuất. Sốt rét rừng luôn rình rập, hầu như ngày nào cũng có ít nhất một ca sốt rét. Nhiều hộ không trụ nổi phải trở về quê cũ, hay vào miền Nam sinh sống...”, ông Xuân nhớ lại.
Chính quyền địa phương huy động máy móc, người dân tích cực ra quân phát quang cây cối, cày lật đất đai mấy tháng ròng rã. “Đất không phụ công người”, những vùng hoang sơ, cây cối um tùm trở thành đất đai màu mỡ, trồng được khoai, sắn, rau đậu, chăn nuôi lợn, gà. Rồi người dân còn be bờ, đắp đê, xây dựng đồng ruộng trồng lúa nước. Dẫu còn khó khăn, nhưng người dân lúc này đã chủ động nguồn lương thực, thực phẩm sinh sống. Trở ngại nhất trong thời điểm này là trên địa bàn chưa có hệ thống hồ đập tạo nguồn nước tưới lúa, hoa màu nên năng suất, sản lượng còn thấp. Mãi đến năm 1990, đập hồ Quao được xây dựng, tạo nguồn nước sản xuất, cây trồng xanh tốt, năng suất từ đó tăng dần hằng năm. Có nguồn nước, các hộ còn đào thêm ao hồ nuôi cá để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế...
Nhiều hộ kinh tế mới ở Phong Xuân còn nhận đất, khai hoang trồng rừng kinh tế, không ít hộ vươn lên khá, giàu. Được cán bộ nông nghiệp truyền đạt kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, người dân mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại. Ông Trần Văn Sơn ở thôn Vinh Ngạn 2 tâm sự: “Theo bố mẹ lên đây ngót 40 năm, bây giờ thấy quê hương đã đổi thay rất nhiều, nhà nào cũng có của ăn của để. Riêng gia đình tôi có hẳn một trang trại chăn nuôi heo quy mô 400 con và 10 ngàn con gà, mang lại nguồn thu mỗi năm 2,5 tỷ đồng, lãi trên dưới 200 triệu đồng”. Làm giàu chính đáng, ông Sơn không chỉ xây được nhà kiên cố mà còn tậu chiếc ô tô gần 700 triệu đồng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân -Trần Văn Cân không giấu niềm tự hào trước những đổi thay của quê hương mình: “Trong số 16 thôn toàn xã, có đến 9 thôn kinh tế mới, số hộ dân chiếm hơn một nửa, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 7%, thu nhập bình quân đầu người 21,7 triệu đồng/năm là một “kỳ tích” đối với địa phương”. Kinh tế nông lâm nghiệp vẫn là chủ lực đối với Phong Xuân. Khoảng 650 hộ kinh tế mới, bình quân mỗi hộ có 1-2 ha rừng, hộ nào cũng trồng đậu lạc, sắn... Mỗi sào lạc thu về 1,5 triệu đồng, sắn trên 40 triệu đồng/ha. Ông Trần Văn Cân còn tự tin: “Giờ đây, người dân có công việc quanh năm. Cứ đến mùa thu hoạch, các lái buôn thuê dân nhổ sắn; rồi đến các chủ rừng thuê chăm sóc, khai thác gỗ, hay khai thác nhựa thông... mỗi ngày thu được 180 ngàn đến 200 ngàn đồng. Thu nhập thế mà không khấm khá mới là chuyện lạ”.
Hạ tầng khang trang
Đến các vùng kinh tế mới Bình Điền, Bình Thành (TX Hương Trà), chúng tôi đều cảm nhận sự đổi thay của vùng đất một thời được cho là xa xôi, heo hút. Hệ thống đường giao thông ở các địa phương này không những được đầu tư bê tông, thảm nhựa mà còn mở rộng thênh thang theo hướng đô thị. Cầu treo ở Bình Thành một thời hiểm trở, giờ đây cũng thay thế bằng chiếc cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua sông. Các trường học đều được xây dựng kiên cố, hai, ba tầng, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập cho con em. Người dân đã yên tâm hơn hài lòng khi tại xã Bình Điền có một bệnh viện đa khoa hẳn hoi, với đầy đủ y, bác sĩ, trang thiết bị khám chữa bệnh khá hiện đại.
Cả người dân vùng kinh tế mới ở huyện miền núi Nam Đông vẫn không ngờ rằng quê hương có được như ngày hôm nay. Bà Đỗ Thị Chanh ở thôn 9, xã Hương Hòa (trước đây ở khu 3 Phú Lộc) lên đây từ sau ngày đất nước giải phóng. “Bao gian khổ một thời, giờ đây không còn nữa. Đường sá đi lại, điện thắp sáng, hay cả nước sạch cũng lên được vùng cao rồi. Gia đình tôi cũng như nhiều người chỉ biết chí thú làm ăn, sinh sống. Trồng cao su, rừng, cây ăn quả... là điều kiện giúp dân vươn lên làm giàu”, bà Chanh trải lòng. Chủ tịch UBND huyện Nam Đông- Ngô Văn Chiến chia sẻ: “Đời sống người dân các xã kinh tế mới trên địa bàn huyện đều nâng lên đáng kể, diện mạo có nhiều đổi thay. Các xã kinh tế mới Hương Giang, Hương Hòa, Hương Lộc, Hương Phú đều hoàn thành tiêu chí nông thôn mới”. 
Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Return to top