ClockThứ Năm, 24/09/2015 10:21

Những vướng mắc cần tháo gỡ

TTH - Khu quy hoạch cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủy Lương được UBND huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy) phê duyệt tại Quyết định số 862/QĐ-UB ngày 14/7/2004 với quy mô 15,5 ha. Sau hơn 11 năm quy hoạch, UBND thị xã Hương Thủy vẫn chưa lập các thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất, nhiều vùng vẫn còn bỏ trống, quy hoạch chưa được điều chỉnh… khiến doanh nghiệp lẫn người dân thấp thỏm, lo âu…

Ông Vinh trồng nấm cầm chừng bên nhà xưởng mộc bỏ hoang

Cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủy Lương được quy hoạch thành 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 với quy mô là 10,34 ha. Đã có 6 doanh nghiệp đăng ký đầu tư kinh doanh, sản xuất với diện tích 2,99 ha. Số diện tích còn lại bỏ trống và đang được người dân trồng cây rừng.

Thấp thỏm vì quy hoạch

Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Công ty CP Hoàng Mai cho biết, sau khi có chủ trương của thị xã Hương Thủy về quy hoạch cụm làng nghề, gia đình ông đăng ký kinh doanh sản xuất mộc mỹ nghệ, trồng nấm, được bàn giao 6.200 m2 đất tại đây để sản xuất kinh doanh. Tháng 10/2004, gia đình ông tiến hành giải phóng mặt bằng, đền bù đất, tài sản trên đất cho các hộ dân; đồng thời kéo điện, xây dựng xưởng mộc và nhà để trồng nấm. Ông đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở cụm làng nghề hơn 10 tỷ đồng. Để có số tiền này, ông phải bán 3 căn nhà tại Huế. Theo chủ trương của UBND thị xã Hương Thủy, sau khi đi vào hoạt động, gia đình ông sẽ được lập các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, UBND thị xã cứ hứa hẹn và đến nay đã hơn 11 năm vẫn chưa lập các thủ tục cấp GCNQSDĐ để ông yên tâm đầu tư sản xuất. 6/7 người con của ông đã bỏ cụm làng nghề đi tìm hướng làm ăn mới. Hiện nhà xưởng mộc mỹ nghệ đã bỏ hoang. Ông chỉ sản xuất nấm linh chi cầm chừng để sống qua ngày, chờ quyết định của UBND thị xã Hương Thủy.

Cũng giống như ông Vinh, ông Hà Văn Nhơn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Đức Nhơn đăng ký vào cụm làng nghề với hoạt động gia công đồ chơi dưới nước bằng nhựa Composite và được cấp 5.300 m2 đất. Ông Nhơn đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng. Từ ngày đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông phải chạy máy nổ thay thế điện. Năm 2009, UBND thị xã Hương Thủy mới lắp đặt hệ thống điện cho cụm làng nghề và ông mới hết cảnh khổ vì điện. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn không yên tâm đầu tư kinh doanh, sản xuất, bởi chưa biết khu quy hoạch cụm làng nghề sẽ về đâu khi vướng mắc quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài mở rộng. Hơn nữa, các thủ tục về thuê đất, cấp GCNQSDĐ chưa được UBND thị xã Hương Thủy giải quyết.

Không riêng gì doanh nghiệp, người dân sống ở vùng quy hoạch cũng đang thấp thỏm, lo âu vì chưa biết quy hoạch cụm làng nghề bao giờ mới thực hiện. Ông Phạm Văn Tiển, tổ 8, phường Thủy Lương có một phần đất nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 của làng nghề cho biết, gia đình ông đang quản lý, sử dụng thửa đất với diện tích 3.996 m2. Trước năm 2014, gia đình ông không thể tách thửa cho con cái để xây dựng nhà ở do vướng quy hoạch. Sau nhiều năm kiến nghị, phản ánh, năm 2014, UBND thị xã Hương Thủy mới đồng ý cho gia đình ông tách thửa cho con và hiện nay vẫn chưa điều chỉnh quy hoạch này nên cũng không biết tương lai thửa đất gia đình ông sẽ về đâu. 6 hộ gia đình ở khu vực này có một phần đất cũng vướng quy hoạch và có cùng lo lắng như ông.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dự án quy hoạch Cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủy Lương đã được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 829/CN-UB ngày 14/4/2004. Về chính sách khuyến khích đầu tư tại cụm làng nghề, UBND thị xã Hương Thủy đã ban hành Quyết định số 948/QĐ-UB ngày 21/7/2004; trong đó, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất từ 3-5 năm đầu; đồng thời được tạm giao đất trong thời hạn 1 năm để giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Sau khi đi vào hoạt động sẽ được lập các thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật. Sau hơn 11 năm, nhiều điều ghi trong quyết định do chính UBND thị xã Hương Thủy ban hành vẫn chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Hải, Chủ tịch UBND phường Thủy Lương cho biết, trong số 6 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh ở cụm làng nghề, có doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và có doanh nghiệp không hoạt động. Tuy nhiên, do thủ tục thuê đất còn vướng mắc nên hầu hết các doanh nghiệp không nộp tiền thuê đất cho Nhà nước, dẫn đến thất thu thuế tài nguyên. Số diện tích còn lại trong giai đoạn 1 người dân vẫn trồng rừng. Riêng diện tích hơn 5 ha quy hoạch cụm làng nghề giai đoạn 2 (trong đó có 1 phần diện tích đất của người dân), UBND phường đã có văn bản đề nghị UBND thị xã hủy bỏ (bởi số diện tích quy hoạch giai đoạn 1 vẫn chưa sử dụng hết); đồng thời, điều chỉnh lại quy hoạch để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong quá trình sử dụng đất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy cho biết, Phòng Kinh tế đã có văn bản báo cáo tham mưu với UBND thị xã điều chỉnh lại tên gọi cụm làng nghề cũng như quy mô khu quy hoạch. Trong đó, điều chỉnh quy hoạch chỉ với phần diện tích giai đoạn 1 là 10,34 ha. Phần đất định hướng phát triển giai đoạn 2 với diện tích 5,1 ha không đưa vào quy hoạch; đồng thời giao cho phường Thủy Lương quản lý để có kế hoạch sử dụng đất phù hợp. Đối với phần diện tích quy hoạch giai đoạn 1 chưa bố trí là 7,35 ha (chưa tính trừ phần diện tích do ảnh hưởng quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài mở rộng khoảng 1,5 ha) giao cho phường Thủy Lương phối hợp với các ban, ngành chức năng của thị xã tiếp tục xúc tiến thu hút các dự án sản xuất kinh doanh phù hợp. Phòng cũng kiến nghị UBND thị xã Hương Thủy chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị hợp đồng với đơn vị tư vấn lập thủ tục điều chỉnh quy hoạch theo thực tế hiện trạng quy hoạch giai đoạn 1. Trên cơ sở đó, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với phường Thủy Lương căn cứ vào quy hoạch điều chỉnh sau khi đã được phê duyệt xem xét, hướng dẫn các doanh nghiệp lập thủ tục thuê đất theo quy định hiện hành.

Hiện nay, đường nội bộ khu quy hoạch đã được hình thành. UBND thị xã cũng đã lắp đặt hệ thống lưới điện cho toàn bộ làng nghề với kinh phí đầu tư 300 triệu đồng. Mốc giới với quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài mở rộng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được cắm. Vì vậy, UBND thị xã Hương Thủy sớm chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm xem xét, điều chỉnh quy hoạch cũng như lập các thủ tục để doanh nghiệp thuê đất, nhằm giúp người dân lẫn doanh nghiệp yên tâm sinh sống và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy:

Điều chỉnh quy hoạch cụm làng nghề vào cuối năm 2015
 
Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trong quy hoạch Cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủy Lương, UBND thị xã Hương Thủy đã nắm bắt. Tuy nhiên, do vướng mắc trong quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài và do Cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủy Lương không có trong quy hoạch các cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp do UBND tỉnh ban hành (mặc dù trước đó UBND tỉnh đã có công văn thống nhất) nên việc điều chỉnh quy hoạch, lập các thủ tục đề nghị UBND tỉnh cho các doanh nghiệp thuê đất đến nay vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay, UBND thị xã Hương Thủy đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND phường Thủy Lương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý để điều chỉnh lại quy hoạch cụm làng nghề Thủy Lương. Trong đó, điều chỉnh lại tên gọi cụm làng nghề thành Khu sản xuất kinh doanh và dịch vụ, thương mại tổng hợp tập trung. Điều chỉnh quy hoạch với quy mô ngang giai đoạn 1; yêu cầu các doanh nghiệp và người dân giữ nguyên trạng các phần tài sản và cây cối nằm trong quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài để khi mở rộng sẽ đền bù. Việc điều chỉnh quy hoạch này sẽ được thực hiện vào cuối năm 2015. Ngoài ra, rà soát lại tất cả các doanh nhiệp có nhu cầu thuê đất, tiếp tục sản xuất kinh doanh để lập các thủ tục đề nghị UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ theo quy định. Những doanh nghiệp không có nhu cầu thuế đất để sản xuất kinh doanh sẽ thu hồi theo luật định.
 
Thanh Hải-Ngự Bình (ghi)

 

Bài, ảnh: HảI Huế-Hào Vũ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top