ClockThứ Năm, 16/01/2014 05:49

Niềm vui “cán đích” nông thôn mới

TTH - Lên hai xã Hương Hòa và Hương Giang (huyện Nam Đông) ngày đầu năm, điều ai cũng dễ dàng cảm nhận là niềm vui đang ngập tràn trên từng xóm nhỏ. Vui mừng vì quê hương thật sự “thay da đổi thịt” khi đã hoàn thành các tiêu chí, “cán đích” nông thôn mới (NTM).

Cuộc sống sang trang

Đổi thay đáng kể là kết cấu hạ tầng được đầu tư, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương. Giao thông thuận lợi, bà con mạnh dạn mở rộng quy mô diện tích sản xuất, nông sản dễ dàng đưa đi tiêu thụ. Từ khi có đường vào khu sản xuất La Vầy, nhiều hộ ở xã Hương Giang thành lập hàng chục gia trại, trang trại chăn nuôi lợn, gà, mở rộng diện tích cao su, rừng kinh tế. “Gia đình tôi và nhiều hộ tự tay chặt bỏ gần ngàn cây cao su, keo sắp đến kỳ thu hoạch nhường đất làm đường; đổi lại bà con thuận lợi vào thu hoạch gỗ rừng trồng, khai thác mủ cao su, lập trang trại để có cơ hội vươn lên làm giàu và phát triển kinh tế bền vững”, ông Trương Hạ ở thôn La Vầy tâm sự. Đến cuối năm 2013, toàn xã Hương Hòa có trên 310 ha cao su, hàng trăm mô hình kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Lực lượng thanh niên Nam Đông nạo vét kênh mương ở Hương Hòa

“Từ khi có Chương trình xây dựng NTM, đời sống gia đình tôi cũng như bà con nơi đây thay đổi nhiều lắm! Nhà nước hỗ trợ người dân mở rộng quy mô diện tích trồng cao su, phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Các sản phẩm mủ cao su, chuối, cam, quýt, rau màu... được các lái buôn thu mua tại chỗ. Hệ thống kênh mương, thủy lợi hoàn thiện góp phần nâng cao hiệu quả cây trồng, nhất là lúa và hoa màu”, bà Đỗ Thị Chanh ở thôn 9, xã Hương Hòa nói. Với trên 100 ha cao su, gần 300 ha rừng trồng kinh tế mang lại nguồn thu cho xã Hương Hòa mỗi năm khoảng 15 tỷ đồng. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Nam Đông - Phạm Tấn Son chia sẻ, cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng, phong trào thi đua lao động sản xuất, thâm canh cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập được toàn thể cán bộ, nhân dân hai xã Hương Giang và Hương Hòa hưởng ứng. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ, trang trại lợn, gà, trồng chuối, cau, cao su... đều cho thu nhập bình quân mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng trở lên. Thu nhập cao đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân các địa phương. Riêng năm 2013, xã Hương Hòa xây dựng hoàn thành đường liên thôn 9, 10, 11 với kinh phí 3,8 tỷ đồng, hoàn thành nhà văn hóa xã, kinh phí 3,4 tỷ đồng...; xã Hương Giang xây dựng hoàn thành đường - cầu đội 3 với kinh phí 1,4 tỷ đồng, xây dựng nhà văn hóa xã, kinh phí 3 tỷ đồng, Trường tiểu học Hương Giang với 3,8 tỷ đồng, kênh mương nội đồng với kinh phí 2,2 tỷ đồng...

Và bài học...

Sau hơn ba năm xây dựng NTM, hai xã Hương Hòa và Hương Giang đã thay đổi hoàn toàn...

Tại xã Hương Giang, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 21 triệu đồng/năm, tăng 4-5 triệu so với cách đây hơn ba năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm chỉ còn khoảng 2%. Thu nhập bình quân đầu người của xã Hương Hòa đạt gần 18 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,58%. Các địa phương đang làm thủ tục trình cấp trên công nhận xã NTM.

Ông Phạm Tấn Son cho biết, yếu tố quan trọng góp phần thành công trong xây dựng NTM tại hai xã Hương Giang và Hương Hòa là sự đồng thuận, đoàn kết toàn Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Các chủ trương, chính sách về NTM được tuyên truyền sâu rộng, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia. Điều đáng ghi nhận phải kể đến là phong trào hiến đất làm đường, xây dựng các công trình công cộng. Sau khi nghe các đoàn thể tuyên truyền lợi ích trong NTM, người dân đã hiến hàng chục ngàn mét đất, hoa màu, chặt bỏ hàng ngàn cây cao su, rừng trồng kinh tế đểlàm đường đến các khu sản xuất, đường liên thôn, xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn... Hương Hòa và Hương Giang còn là hai địa phương có nền tảng về kinh tế - xã hội khá mạnh, tập trung nhiều thành phần cán bộ, công nhân viên, giáo viên, kinh doanh dịch vụ nên thu nhập khá, đời sống ổn định.

Phong trào vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, làm đẹp khu dân cư NTM được nhân dân tích cực hưởng ứng. Vào ngày thứ 7, tuần đầu tiên của tháng, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn ở hai xã ra quân làm vệ sinh môi trường các khu dân cư, đường làng ngõ xóm, sửa chữa, chỉnh trang tường rào cho các hộ gia đình và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường. Những tuyến đường từ ngõ xóm vào nhà cũng được người dân tự bỏ tiền để xây dựng bê tông sạch đẹp...

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng NTM tại các địa phương vẫn còn một số khó khăn. Nhất là năng lực điều hành, quản lý xây dựng NTM cấp xã còn hạn chế; chương trình, kế hoạch triển khai thiếu cụ thể, chưa có mục tiêu và giải pháp cho từng tiêu chí nên khó thực hiện. Nguồn lực về vốn huy động trên địa bàn xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn; nguồn đóng góp của nhân dân đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ lợi ích cộng đồng rất hạn chế... Thời gian tới, huyện Nam Đông huy động mọi nguồn lực trong dân, tranh thủ nguồn ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án để tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế bền vững hai xã NTM: Hương Giang và Hương Hòa. Huyện phấn đấu năm 2014 có thêm ba xã đạt chuẩn NTM, là Hương Lộc, Hương Phú và Hương Sơn.

Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Return to top