ClockThứ Tư, 21/12/2016 05:06

Nỗ lực cứu hoa sau lũ

TTH - Lũ muộn, thời tiết bất thường khiến vựa hoa tết trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng nặng nề, nhiều nơi thiệt hại 100%. Nông dân đang “gồng mình” cứu hoa tết, mong giảm thiệt hại.

Thiệt hại 356 tỉ đồng do mưa lũKhắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống nhân dânTập trung ứng phó mưa lũ, giảm thiệt hại về người và tài sản

Nông dân Phú Mậu nỗ lực cứu hoa tết

Nước rút đến đâu, cứu hoa đến đó

Xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) là địa phương thấp trũng, nằm vùng ở hạ du sông Hương nên hàng năm, người trồng hoa ở khu vực này phải “sống chung” với lũ. Tuy nhiên, năm nay lũ muộn bất thường, mực nước cao làm nhiều diện tích hoa phục vụ dịp tết chìm trong nước lũ, thối lá, rễ.

Theo Hợp tác xã (HTX) Phú Mậu 2, hàng năm, cứ đến trước mùa lũ, bà con đều tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, lấy lượng đất dôi dư đắp lên nền trồng hoa, gia cố lại bờ bao để chuẩn bị “đón” lũ. Đối với người trồng hoa, hàng năm các nền, luống đều được nâng cao nên hoa tết không thiệt hại nếu gặp lũ tiểu mãn, lũ nhỏ cuối vụ. Tuy nhiên, năm nay lũ khá lớn, nhiều đồng hoa mênh mông nước.

Làng hoa Phú Mậu gồm các thôn: Tiên Nộn, Vọng Trì, Thanh Tiên, Thế Vinh. Mỗi năm tính tổng các vụ, Phú Mậu trồng trên 13 ha hoa các loại, trong đó có khoảng 6ha hoa cúc và khoảng 30.000 cây hoa các loại trồng phục vụ tết, chủ yếu trong các hộ gia đình. Trận lũ vừa qua làm nhiều diện tích thiệt hại do ngập úng, thối rễ. Vùng trồng hoa tập trung của HTX khoảng 3 ha thường có hệ thống bờ bao nên ít thiệt hại hơn.

Nhiều ngày qua, bà con nông dân đang tập trung dùng mọi biện pháp để cứu vườn hoa của mình. Ông Nguyễn Văn Dũng, một nông dân thôn Vọng Trì cho biết: “Năm nay lũ khá lớn nên chỉ trong một ngày, diện tích 3 sào hoa cúc tết của gia đình bị chìm trong nước. Ban đầu, nước lên chậm, mưa chưa lớn thì mình còn huy động nhân lực trong gia đình ra trổ, tát nước. Khi mưa lớn, nước tứ bề thì đành phải thả liều chứ biết làm sao”. Bình quân một sào hoa cúc mỗi gia đình ở đây đầu tư từ 7-8 triệu đồng. Trong đó, nặng nhất là chi phí tiền giống và phân bón. Hoa ngập úng làm nhiều hộ dân ở Phú Mậu “lo mất” tết. Những ngày này, gia đình ông Dũng chờ nước rút đến đâu thì tháo bờ bao cứu hoa đến đó. Mong vớt vát lại vốn để đầu tư cho vụ sau.

Sau lũ, làng hoa Lưu Khánh, Mỹ An (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) bà con nông dân cũng đang tất bật dùng nhiều biện pháp cứu hoa tết. Theo thống kê, trận lũ vừa qua đã làm 6ha hoa cúc tết của xã Phú Dương bị ngập úng, thiệt hại trên 70%. Trong đó, nặng nhất ở thôn Lưu Khánh, với cánh đồng hoa 20 mẫu của 50 hộ dân gần như mất trắng.

Ngoài huyện Phú Vang, các địa phương khác như Hương Trà, Quảng Điền, cũng có hàng chục diện tích hoa tết bị ngập úng. Đây là trận lũ muộn, bất thường cuối năm, khiến bà con nông dân thiệt hại nặng. Nhiều hộ “mất tết” khi đầu tư vài chục đến cả trăm triệu đồng cho một vụ hoa tết, giờ đành trắng tay.

Nông dân Phú Mậu nỗ lực cứu hoa tết

“Bù” lượng áng sáng thiếu hụt

Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân ở “vựa” hoa lớn nhất tỉnh Phú Mậu, khi lũ rút, hoa non thường bị lớp bùn bám dày trên lá. Với hoa cúc bị ngập phải tiêu úng kịp thời, dùng bình phun xịt, tẩy rửa bùn trên lá và thân, bơm thuốc kích thích rễ phát triển, tuyệt đối không bón đạm khi cây chưa phục hồi, bởi sẽ gây chết cây. “Tùy theo mức độ ngập, loại hoa mà sử dụng phân thuốc cho phù hợp. Triển khai biện pháp gì thì cũng phải chờ nắng lên mới hiệu quả được”, ông Nguyễn Văn Dũng cho hay.

Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết, hàng năm, trong và sau lũ, địa phương thường bố trí những trạm bơm với công suất lớn để tiêu úng, triển khai ngay các biện pháp kỹ thuật để cứu diện tích hoa bị ngập.

Ngoài đầu tư hệ thống giàn cao tránh lũ, thời tiết cuối năm ở Huế thường lạnh kéo dài, nên cần hệ thống đèn điện để tăng cường ánh sáng kích thích hoa phát triển nhanh, “bù” lại lượng ánh sáng thiếu hụt do thời tiết trong mưa lũ hay giáp tết. “Đối với những diện tích hoa nằm trên cao, không bị ngập úng nhưng nhiệt độ xuống thấp thì cần bố trí đèn sưởi. Theo tính toán, cứ 6m2 giàn thì đấu nối một bóng đèn 50 - 70W. Mỗi ngày cần thắp đủ 4 giờ và đúng thời điểm, buổi tối từ 17 giờ đến 20 giờ, buổi sáng từ 2 giờ đến 6 giờ”, ông Dương Quảng, một hộ trồng hoa chia sẻ kinh nghiệm.

Tại thôn Lưu Khánh, Mỹ An (xã Phú Dương), tranh thủ mưa ngớt, nắng ráo trở lại, đối với diện tích hoa bị ngập, người dân đang tích cực trổ, tháo nước và dùng vòi xịt rửa bùn trên lá. “Địa phương cũng đã cử cán bộ về hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để giúp người dân giảm thiệt hại”, bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương thông tin.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, liên tiếp những trận lũ lụt, áp thấp nhiệt đới trong những tháng vừa qua trên địa bàn tỉnh gây tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Về nông nghiệp, hơn 500 ha hoa màu bị chìm trong nước lũ và thiệt hại 3.000 ha lúa giống đã ngâm ủ phục vụ gieo trồng; 100% giống mạ đã gieo bị hư hại.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗ lực số hóa hồ sơ nghiệp vụ

Đến Đội HSNV Cảnh sát thuộc Phòng HSNV Công an tỉnh vào một ngày cuối tuần; cùng với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Đại úy Dương Thị Mỹ Hạnh vẫn đang miệt mài, cẩn trọng tổng hợp, sắp xếp, phân loại các hồ sơ cần số hóa, ghép lại từng mảnh tài liệu cũ đang có hiện tượng rách, mục nát.

Nỗ lực số hóa hồ sơ nghiệp vụ
Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp

Nhiều tuyến giao thông khu vực TP. Huế bị xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được khắc phục gây mất an toàn giao thông (ATGT) cũng như gây khó khăn đi lại của người dân.

Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp
Khi nỗ lực của chính quyền được doanh nghiệp công nhận

Kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế (DDCI) năm 2023 cho thấy, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền cấp huyện, thị và sở, ngành có nhiều dấu hiệu tích cực.

Khi nỗ lực của chính quyền được doanh nghiệp công nhận
Nhật Bản tiến hành những nỗ lực cuối cùng tìm kiếm người sống sót sau động đất

Binh sĩ, lính cứu hỏa và nhân viên cấp cứu đang tiến hành những nỗ lực cuối cùng nhằm giải cứu những người sống sót vẫn còn bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất ngày đầu năm mới ở phía tây bắc Nhật Bản, khiến ít nhất 81 người chết và khoảng 50 người khác vẫn đang mất tích, tính đến chiều ngày 4/1.

Nhật Bản tiến hành những nỗ lực cuối cùng tìm kiếm người sống sót sau động đất

TIN MỚI

Return to top