ClockChủ Nhật, 28/11/2021 09:44

Nỗ lực để xuất khẩu “cán đích”

Đến thời điểm này, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đà khởi sắc, song theo các chuyên gia, những thuận lợi và khó khăn còn đan xen. Chỉ còn 1 tháng nữa năm 2021 sẽ khép lại, để xuất khẩu “cán đích”, đạt mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp, bộ, ngành và các địa phương cần chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn, ứng phó với diễn biến dịch bệnh và thị trường, thích ứng tốt nhất với tình hình mới.

Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2021 sẽ lập kỷ lục mớiNga dự kiến xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt mũiDệt may có thể khởi sắc trong năm 2022Phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 vượt 1 tỷ USDNgành chế biến tôm giữ vững 'thành trì' xuất khẩu

Tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng 35,6% so với tháng 9/2021. Trong ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Đông Dương (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Xuất khẩu tăng mạnh trong “bình thường mới”

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15-11 đạt 569,03 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 284,45 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Hải quan, sắt thép là một trong những mặt hàng có sự bứt phá trong xuất khẩu. Theo đó, tháng 10-2021 là tháng thứ tư liên tiếp xuất khẩu sắt thép đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu sắt thép đạt kim ngạch 9,65 tỷ USD, tăng 132,1%, tương ứng tăng 5,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát, trong 10 tháng năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 20.000 tấn thép dự ứng lực, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài Hoa Kỳ và Đài Loan (Trung Quốc), thép dự ứng lực của Hòa Phát đã xuất khẩu sang một số thị trường mới, như: Canada, Singapore, Malaysia, Campuchia, Srilanka, Myanmar…

Trong tháng 10-2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng tăng tới 35,6% so với tháng 9-2021, đạt 945 triệu USD. Tính đến hết tháng 10-2021, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này là 12,08 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Thủy sản cũng là mặt hàng phục hồi khá tốt khi đạt trị giá xuất khẩu 889 triệu USD trong tháng 10-2021, tăng 42,3% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 10-2021, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 7,07 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tiếp tục đạt mức cao. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải dự báo, năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể đạt khoảng 640-645 tỷ USD. Đồng thời, xuất khẩu cả năm 2021 có thể tăng hơn 10% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao (tăng 4-5%).

Nỗ lực “về đích”

Sau khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp đã dồn lực thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Đây cũng là lúc hiệu quả đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa thể hiện rõ nét hơn sau 3 năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 1 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Các doanh nghiệp có thêm kinh nghiệm tận dụng ưu thế từ các hiệp định để cải thiện hoạt động xuất khẩu. Trong đó, rõ nhất là xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru có mức tăng trưởng 25-30%/năm nhờ CPTPP. Còn với EVFTA, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên đến hơn 20%. Thời điểm cuối năm này, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế do nhiều nước tái bùng phát dịch Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, ngành hàng còn đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Lớn nhất là vấn đề thiếu lao động, nhất là lao động tay nghề cao; thiếu hụt nguồn nguyên liệu cũng như tình trạng chi phí dịch vụ kho vận tăng cao… Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động xuất khẩu cũng như kinh tế Việt Nam phục hồi ở mức nào còn phụ thuộc vào sự phục hồi nhanh hay chậm của kinh tế thế giới cũng như khả năng ứng phó với dịch bệnh và các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước.

Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Tô Tường Lan cho rằng, ngành Ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Giao thông - Vận tải cần có giải pháp giảm giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế. Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm 2021, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện các kịch bản phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều kiện mỗi địa phương; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Sát cánh cùng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ cũng tiếp tục đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu với nhiều thị trường trên môi trường trực tuyến, tạo đơn hàng mới dịp cuối năm 2021 và trong năm 2022. Trọng tâm là từ nay đến cuối năm 2021, Bộ Công Thương triển khai chuỗi 20 hội nghị giao thương trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với 20 thị trường trên thế giới nhằm gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Theo SGGP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Thông tin doanh nghiệp
Đơn vị sản xuất, cung cấp gói hút ẩm silicagel hàng đầu Việt Nam

Việc tìm kiếm được một đơn vị sản xuất và cung cấp gói hút ẩm uy tín, chất lượng, giá tốt là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều đối tác và doanh nghiệp. Hiện có rất nhiều nhà quản lý đau đầu vì không tìm thấy được công ty nào uy tín và đáng tin cậy. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về Thịnh Phong Corp - Đơn vị sản xuất, cung cấp gói hút ẩm uy silicagel uy tín hàng đầu tại Việt Nam.

Đơn vị sản xuất, cung cấp gói hút ẩm silicagel hàng đầu Việt Nam

TIN MỚI

Return to top