Thế giới

Nỗ lực tìm kiếm hợp tác

ClockThứ Năm, 01/10/2015 07:01
TTH - Kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) lần thứ 70 với chủ đề “LHQ khóa 70-cam kết mới cho hành động”chính thức khai mạc ngày 28/9 tại New York (Mỹ). Thu hút sự quan tâm hàng đầu của dư luận toàn cầu, tại đây các vấn đề mang tính phức tạp và quan trọng trên thế giới được tập trung thảo luận như: biến đổi khí hậu, phát triển toàn cầu, xung đột Syria, khủng hoảng Ukraine, chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng di cư, tình hình Biển Đông và những vấn đề khác.

Kỳ họp của Đại hội đồng LHQ năm 2015 được đánh giá có quy mô “lớn nhất từ trước đến nay”, với sự tham gia của 193 quốc gia thành viên và thảo luận về nhiều vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt với không ít tranh cãi, cũng như nỗ lực hợp tác giữa các cường quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc gặp lịch sử bên lề khóa họp của Đại hội đồng LHQ tại New York (Mỹ). Ảnh: Reuters
“Nóng” vấn đề Syria và Biển Đông
Chủ đề nóng bỏng nhất tại cuộc họp ngay phiên khai mạc hôm 28/9 là cuộc nội chiến căng thẳng ở Syria, với những quan điểm trái chiều của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số nguyên thủ quốc gia.
Nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al-Assad là “nhà độc tài”, “không nơi nào mà các cam kết về trật tự thế giới phải trải qua thử thách nghiêm trọng như ở Syria. Khi một kẻ độc tài sát hại hàng nghìn người dân, đó không còn là vấn đề của chỉ một đất nước”. Theo Tổng thống Mỹ, cần phải có một quá trình chuyển đổi từ chính quyền Tổng thống Assad sang một nhà lãnh đạo mới.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga khẳng định: “không ai ngoại trừ Tổng thống Assad và lực lượng quân đội của chính phủ đang thực sự chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên lãnh thổ Syria”.
Thêm vào đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một đồng minh thân cận của ông Assad tuyên bố, chính quyền Assad ở Damascus “không thể bị làm suy yếu”, nếu cộng đồng quốc tế muốn đánh bại IS ở khu vực này.
Trong bài phát biểu trước LHQ, Thủ tướng Anh David Cameron nhận định, ông Assad có thể tạm thời giữ quyền lực ở Damascus với tư cách là người đứng đầu một chính phủ chuyển tiếp. Trước đó yêu cầu buộc ông Assad phải từ chức của ông Cameron, ông Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga.
Tình hình Biển Đông liên quan tới Trung Quốc cũng là vấn đề dấy lên không ít tranh cãi tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Tổng thống Obama nói, mặc dù Mỹ không có chủ quyền trên vùng biển này, nhưng vẫn nắm giữ các quyền lợi thương mại và an ninh. Tổng thống Mỹ khẳng định, Washington sẽ bảo vệ các quyền lợi này, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh và các nước láng giềng liên quan cần hợp tác để thống nhất giải pháp tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong một tuyên bố bên lề cuộc họp, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang khẳng định, hành vi xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế: “Biển Đông là điểm nóng trong khu vực và trên thế giới. Từ năm ngoái, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp để xây dựng đảo”. Chủ tịch nước cũng tái khẳng định, Bắc Kinh đã rõ ràng xâm phạm Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC) 2002 giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Trước đó, trong chuyến thăm gần đây đến Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố sai trái rằng, các đảo trên biển Đông “thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ đại”. Dù giới quan chức Chính phủ Mỹ và các chuyên gia quốc tế nhiều lần cảnh báo hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Bắc Kinh tại khu vực này.
Tìm giải pháp hòa bình
Trong buổi hội đàm lịch sử giữa Mỹ và Nga vào ngày 28/9, Tổng thống Barack Obama cho biết, “Mỹ sẵn sàng hợp tác với bất cứ quốc gia nào, gồm cả Nga và Iran để giải quyết cuộc xung đột Syria”.
Theo AP ngày 29/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo hai nước đã nhất trí “một số nguyên tắc cơ bản” về vấn đề Syria, đồng thời có kế hoạch gặp người đồng cấp Sergei Lavrov trong ngày 30/9.
Ông Kerry lưu ý thêm rằng, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều “đang tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria, quốc gia Trung Đông đang chìm trong cuộc nội chiến kéo dài gần 5 năm và phải đối phó với sự hoành hành của IS”.
Cũng trong ngày 29/9, Điện Kremlin tái khẳng định thiện chí của Mosvow trong việc cải thiện quan hệ với Washington và cho biết sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc đối thoại.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, “điều mà hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo là những khả năng mà Mỹ và Nga có thể hợp tác chặt chẽ đối với hầu hết các vấn đề nóng bỏng hiện nay và vấn đề trước tiên là Syria”.
Liên quan đến những nỗ lực hợp tác nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư, ông chủ Nhà Trắng cho biết, Washington đang đề ra những biện pháp mới để giúp đỡ người tị nạn Syria tái định cư ở Mỹ: “đất nước Mỹ có phần lớn dân số là người di cư, luôn hiểu rõ những nỗi khổ mà các gia đình từ Trung Đông đang trải qua”. Tổng thống Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo nỗ lực để xây dựng tương lai tươi sáng cho trẻ em di cư.
Người đứng đầu nước Mỹ cũng nói rằng, các quốc gia trong LHQ cần tăng cường hợp tác với nhau để chống lại sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và khủng hoảng kinh tế đang diễn biến phức tạp.
Về tình hình Ukraine, Tổng thống Nga Putin cho rằng, các quốc gia cần tuân thủ những thỏa thuận đã đạt được ở thủ đô Minsk (Belarus) để giúp lặp lại hòa bình ở đất nước Ukraine đang chìm trong nội chiến.
Tổng thống Putin cũng bày tỏ hy vọng vào vai trò của LHQ nhằm tránh một cuộc đối đầu toàn cầu: “tôi tin rằng, những nỗ lực hợp tác sẽ giúp thế giới ổn định và an toàn hơn”.
Khóa họp lần thứ 70 của Đại hội đồng LHQ sẽ bế mạc vào ngày 3/10 tới. Theo nhận định của các nhà phân tích, đằng sau những cuộc cạnh tranh khốc liệt, LHQ vẫn là nơi để các quốc gia gặp gỡ, đối thoại và thúc đẩy hợp tác hòa bình đa phương. Do đó, cộng đồng quốc tế vẫn luôn dành nhiều kỳ vọng cho sự kiện chính trị này.
LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ AP, Reuters & The Diplomat)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top