ClockThứ Tư, 05/08/2015 16:18

Nổi danh nhờ đan thúng chai

TTH - Từng là một tay đi rừng săn gỗ, nhận thức được đó là nghề không tốt, ông Phan Văn Lập, trú tại thôn Phước Tượng, xã Lộc Trì (Phú Lộc) đã quay về với nghề gia truyền, trở thành thợ đan thúng chai nổi tiếng.

Người thợ chăm chỉ

Dừng xe dưới chân đèo Phước Tượng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông Lập đang cặm cụi đan chiếc thúng chai (thuyền thúng) trước nhiều con mắt thích thú của du khách nước ngoài nghỉ chân tại đây.
Ông Lập kỹ lưỡng từng công đoạn làm thúng chai
Nghề đan thúng chai làm tại nhà, nhưng không vì thế ông Lập có nhiều thời gian rảnh rỗi. Do lượng khách đặt hàng nhiều, yêu cầu thời gian gấp nên suốt ngày ông quần quật với ghe, thúng và những chuyến giao hàng xa. Ông Lập tâm sự, ở Huế, người đan thúng chai rất khó tìm. Ngay tại Phú Lộc, nơi được xem có nhiều người làm nghề này thì đếm lui tới cũng chỉ còn ông là người làm quanh năm, 1 thợ ở Thừa Lưu chỉ làm thời vụ, người khác ở Vinh Hiền đã nghỉ làm vì tuổi già. Do vậy, khách các địa phương từ Lăng Cô, Lộc Vĩnh,...đến Vinh Hiền đều tìm đến ông để đặt thúng chai đi biển. “Trước đây, có rất nhiều khách ở Đà Nẵng ra nhà tui đặt thúng chai. Do chi phí vận chuyển cao, ít lãi nên mấy năm trở lại đây, tui từ chối đơn đặt hàng của người dân tỉnh bạn, chỉ làm thúng chai phục vụ ngư dân nội tỉnh”, ông Lập chia sẻ.
Ông Nguyễn Bỉnh (82 tuổi), người thợ già đan thúng chai ở xã Vinh Hiền tâm sự: “Đây là nghề ông cha để lại, trước đây tui làm nhiều, nhưng bây giờ tui già rồi không làm được nữa. Chỉ còn chú Lập ở Lộc Trì vẫn giữ được nghề. Một ngày nào đó chú nghỉ làm, người đi biển sẽ khó tìm ra ai đan thúng chai”.
Ngoài đan thúng ông Lập còn chạy xe ôm. Hỏi ông cách cân đối thời gian, ông bảo: “Ăn cơm xong, 7-8 giờ tối lên giường ngủ, gần 1 giờ đêm dậy làm để ban ngày có thêm thời gian”. Với cách sắp xếp thời gian ấy, mỗi chiếc thúng chai khách giao, ông hoàn thành chỉ trong vòng 5 ngày, giá bán 1.5 triệu đồng/cái (loại kích thước nan 5,5 mét). Ông Lập phân tích, nghề đan thúng chai hút khách vào mùa hè. Ngoài ghe nan, mỗi tháng cũng có khoảng 4 khách đến tìm ông để đặt thúng chai. Thúng chai có nhiều kích thước phù hợp với công dụng như theo tàu cá lớn vận chuyển hàng hoặc dùng để bơi bủa lưới, câu mực, cũng có khi để ngư dân đánh bắt gần bờ.
Để làm được chiếc thúng chai, yêu cầu đầu tiên với người thợ là chọn tre. Loại tre đan thúng chai là tre nhà, gai nhỏ và lỏng ruột. Khó khăn trong khâu chọn lựa, nhiều lúc ông phải đi khắp các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh,… để tìm tre. Theo ông Lập, đan thúng chai tưởng chừng đơn giản, nhưng phải qua nhiều công đoạn từ chọn tre đến chẻ tre, đem phơi sau đó mới có thể đan và hoàn thiện. Ngay cả trong công đoạn đan, mỗi chiếc thúng chai đều phải thực hiện tuân thủ qua 3 kiểu đan: lồng thúng, bỏ góc và xây đác 4 mắt, trong đó kiểu đan (xây) đác là khó nhất.
Tâm sự với chúng tôi, người vợ Phạm Thị Hương (54 tuổi) trải lòng: “Chồng tui làm việc liên tục cả ngày nhưng không bao giờ than khổ với vợ con. Năm 2000, từ đồng tiền kiếm được, 1 mình ông tự làm thợ xây được căn nhà khang trang. Vừa đan ghe, thúng chai, nhiều lúc 1-2 giờ sáng có khách từ Đồng Xoài ra kêu xe ôm, ông cũng bỏ việc chạy xe kiếm tiền. Cũng nhờ bàn tay ông ấy mà 3 đứa con tui chừ học đến đại học ở Đà Nẵng”.
Từng quay mặt với nghề ông cha
Đằng sau chân dung người thợ đan thúng chai suốt hơn 20 năm là quá khứ của những ngày quay lưng với nghề ông cha để lại. Ông Lập kể, không biết nghề đan thúng chai có từ lúc nào, nhưng từ nhỏ đã thấy cha mình làm. Học nghề của cha, đến tuổi trưởng thành, ông Lập lại không theo nghề gia truyền vì cho rằng nghề này khó kiếm ăn. Ông tâm sự: “Hồi đó thanh niên, tui không muốn ngồi một chỗ. Nghề đan thúng chai thu nhập thấp nên tui cùng bạn đi rừng săn gỗ”. Suốt 5-6 năm đi gỗ, nhiều lúc bị kiểm lâm rượt đuổi. Sau nhiều lần suy nghĩ, tui quyết định bỏ đi rừng”.
Bỏ đi rừng, cơ duyên với nghiệp gia truyền lại đến. “Hồi đó cả gia đình còn ở Loan Lý, Lăng Cô. Ông Lập bỏ nghề săn gỗ, ngồi đan thúng chai để làm rớ cá trên đầm Lập An. Thấy vợ chồng tui có chiếc thúng chai thuận tiện nên họ hỏi đặt, cũng từ đó chồng tui đan thúng chai đến bây giờ, bà Hường cho biết. Bao nhiêu năm bươn chải đủ nghề kiếm sống, trở về với nghề đan thúng chai, người thợ 60 tuổi Phan Văn Lập quyết tâm xây dựng uy tín với nghề, nhất là thời gian giao nhận hàng. Mỗi chiếc thúng chai làm xong, ông nhanh chóng thuê xe chở giao cho khách, nhờ vậy niềm tin từ phía khách dành cho ông ngày càng tăng.
Để kiếm sống nhưng cũng gắn bó để giữ nghề cha ông, trong suy nghĩ của người thợ đan thúng chai Phan Văn Lập, chừng nào còn sức khỏe, bàn tay con người vẫn có thể kiếm cơm.
Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý

Ngày 25/4, Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế tiếp nhận một cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung từ ông Đỗ Văn Minh ở phường An Đông tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận 5 cá thể rùa quý
Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựa

Sáng 25/4, Hiệp hội Du lịch tổ chức lễ ký kết hành động giảm dùng đồ nhựa một lần cho 3 doanh nghiệp (DN) lữ hành tiên phong tại TP. Huế, thuộc Hội Lữ hành - Hiệp hội Du lịch, gồm: Công ty Du lịch kỳ nghỉ Huế (Huế Vacation), Công ty Du lịch RESTOUR, Công ty Du lịch An Phú.

Ba doanh nghiệp lữ hành ký kết hành động giảm nhựa
Return to top