Chính trị - Xã hội Pháp luật - Cuộc sống

15/03/2016 - 10:08

Nỗi đau bội phần

TTH - Con dính vào nghiện, mua bán ma túy đã khổ, đứa con đó lại còn bị HIV/AIDS khi ra trước vành móng ngựa phải có người dìu, khiến cõi lòng mẹ tan nát. “Là mẹ, tui mô có bỏ con được...” Nhìn mẹ khóc nức nở, nữ bị cáo cũng gục mặt khóc.

Tòa xử bị cáo 6 năm 6 tháng tù về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, nhưng bị cáo cay đắng nhận ra cô không còn cơ hội để thi hành hình phạt này, bởi đang mang trong người “án tử” của căn bệnh thế kỷ.

N.T.B (35 tuổi) bị bắt tạm giam chờ ngày ra tòa vì từ đầu đến giữa tháng 5/2015, đã có hành vi mua bán trái phép 1,716 gam heroin. Nhưng sau đó B được TAND TP Huế thay đổi biện pháp tạm giam, cho tại ngoại vì mang bệnh HIV/AIDS đang mang trong người trở nặng. Ngày 9/3/2016 là ngày B phải đứng trước vành móng ngựa chịu sự phán quyết của pháp luật đối với hành vi mua bán ma túy.

8 giờ sáng, vẫn chưa thấy bị cáo có mặt tại phòng xét xử. Lát sau, mẹ B đến trong bộ dạng bơ phờ, mặt thiểu não như đang có lỗi (dù bà chẳng có lỗi gì). Bà trình bày với nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa, hiện sức khỏe của B yếu, không thể đứng trước vành móng ngựa suốt buổi. Thẩm phán phải giải thích trong trường hợp các bị cáo bệnh tật, tòa sẽ cho ngồi để trả lời thẩm vấn. Người mẹ mới 60, nhưng tiều tụy già hơn hàng chục tuổi lại sấp ngửa quay về nhà chở đứa con gái tới phiên tòa.

Nhìn cảnh mẹ già B cầm tay lái chiếc xe máy cà tàng, chở B  và cả em trai ngồi sau đỡ chị, nhiều người dự khán không khỏi chạnh lòng, xót xa. Người mẹ rơi nước mắt kể, con bà “khi xưa” là cô gái trẻ trung xinh đẹp, là niềm tự hào của cha mẹ. “Bỗng dưng” một ngày, gia đình bà phát hiện B “qua lại” với một người đàn ông lớn tuổi nghiện ma túy và mua bán loại chất độc chết người này. Vợ chồng bà hết sức khuyên can. Dỗ ngọt có, mắng chửi có, nhốt trong phòng khóa trái cửa lại có, nhưng B đâu có nghe lời, vẫn tìm cách thoát ra. “Lúc đó, con tui đã bị “thằng kia” rủ rê cho thử ma túy, nên không thể dứt ra được. Để có tiền hút, chích nó phải theo chân thằng kia buôn bán thứ chất cấm đáng sợ”. Người mẹ nghẹn ngào nhớ lại, cả gia đình bà đã rụng rời như thể đất đang sụp dưới chân, khi biết B “dính” căn bệnh thế kỷ  đáng sợ. Đến nước đó rồi nhưng B vẫn không từ bỏ được ma túy, không nghe lời khuyên can của cha mẹ. Chồng bà quá đau khổ, quá tức giận, nên tuyên bố coi như không có đứa con gái hư hỏng này. Bởi vậy thời gian B bị tạm giam, chỉ mình bà lâu lâu gom được ít tiền mua đồ ăn đưa đến thăm nuôi. “Tui bán bún, còn chồng bán cà phê cóc, chạy đưa từng ly cho những tiểu thương chợ Phú Hậu (TP Huế). Làm lụng cực khổ cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, nên việc bới xách cũng ít ỏi lắm”. Mẹ B lại rơi nước mắt. Bà bảo, vậy nhưng tháng nào bà cũng đến thăm, cầm những bàn tay của con bị bệnh tật ăn mòn, nói với nó những lời động viên. Lúc đó, B chỉ biết khóc. Người mẹ đau khổ bảo, biết là không thể cứu vãn, bà chỉ còn cách ở cạnh con cho đến lúc nó “thi hành án tử” bởi căn bệnh đáng sợ (lây nhiễm trong quá trình sử dụng ma túy) đang mang trong người. “Là mẹ, tui mô có bỏ con được”! Từ người dự khán, những tiếng thở dài không nén được.

Một vị hội thẩm hỏi, vì sao cha mẹ khuyên can mà bị cáo vẫn không chịu nghe? B im lặng. Đến câu hỏi “bị cáo có biết vì nghiện, chích ma túy mà lây bệnh, rồi bản thân bị cáo lại mang căn bệnh chết người đó lây lan cho bao người khác?”, nữ bị cáo bật khóc. Thân hình gầy ốm rung lên theo tiếng nấc ân hận. Ngồi sau con, mẹ B cũng khóc nghẹn ngào. Người mẹ tội nghiệp khóc gần suốt cả phiên xét xử. Nữ thẩm phán cho biết, mỗi lần chị liên lạc để thực hiện các thủ tục liên quan đến B, mẹ B dù bận đến mấy cũng bỏ công bỏ việc, tất tả đến tòa. Cứ lần nào tiếp xúc là lần đó chị chứng kiến nước mắt nhòe nhoẹt gương mặt già nua hốc hác. Không ít lần, người mẹ đau khổ đó thở than với chị, rằng giá như B biết quý trọng cuộc sống của mình, thì đâu đến nỗi. “Trước bệnh tình của con, có lần bà ấy ứa nước mắt ước, giá như B còn có cơ hội chấp hành hình phạt của pháp luật (đồng nghĩa với cơ hội còn được sống), thì bà ấy vui mừng biết mấy”. Hi vọng, điều ước của người mẹ, và có lẽ của cả B, bị cáo trong phiên tòa này, là một thông điệp “đáng giá” cho bất kỳ ai có ý định dính dáng đến ma túy. Và nếu như lỡ lầm, nên biết “buông tay” khi chưa quá muộn.

Quỳnh Anh

Chia sẻ bài viết


ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP