ClockThứ Tư, 10/05/2017 09:40

Nơi đong đầy tình mẹ

TTH - Họ là những y, bác sĩ ở Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế. Ngoài trách nhiệm công việc, chuyện giành lại sự sống cho những mầm non yếu ớt còn đong đầy cả tình thương yêu của những người mẹ.

Tình thương của người mẹ thứ 2

Dẫu bận trong kíp trực khám, nhưng Bác sĩ CK II, Lê Thị Công Hoa, Trưởng khoa  Hồi sức cấp cứu sơ sinh, tranh thủ thời gian cho biết, hầu hết các bé nơi đây là những trường hợp mới ra đời không khỏe mạnh; phần lớn là sinh non, nhẹ cân và mắc các bệnh lý cấp tính hoặc dị tật bẩm sinh… Chính vì vậy, những y, bác sĩ ở khoa làm việc không kể giờ giấc ngày lẫn đêm.

Các điều dưỡng chăm sóc trẻ tại Phòng hồi sức cấp cứu sơ sinh

Giành sự sống cho các bé đang điều trị tại khoa quả là điều kỳ diệu. Hơn nửa số bé điều trị tại đây thường xuyên đối mặt với nguy cơ cao. Do vậy, dù đa phần y, bác sĩ ở khoa là nữ giới nhưng luôn chủ động xây dựng ca kíp không chỉ trong điều trị chuyên môn mà còn chăm sóc các bé bằng tình thương và trách nhiệm. Theo bác sĩ Hoa, khi nhìn trẻ nằm trong lồng kính, chị xót lắm. Khác với trẻ bình thường sinh ra đã có mẹ vỗ về, còn ở đây, trẻ phải nằm điều trị, chích thuốc. Có trường hợp nằm đến 2-3 tháng trời không còn ven để chích nên rất khó khăn, ảnh hưởng quá trình cứu chữa. Đồng cảm nỗi đau ấy, khi các bé gặp bệnh nặng, như mổ chuyển vị đại động mạch, y bác sĩ ở đây phải căng mình phối hợp phẫu thuật; tìm cách đặt đường truyền tĩnh mạch một lần sử dụng kéo dài trong suốt quá trình điều trị nhằm giảm sự đau đớn cho trẻ.

Điều dưỡng Hoàng Thị Tố Quyên biên chế ở Trung tâm Nhi và Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh hơn 15 năm nay và cũng là người có nhiều kinh nghiệm góp phần cứu các mầm non yếu ớt qua cơn nguy kịch. Chị nói, làm việc ở đây nếu không có tình thương sẽ không làm được. Mỗi lúc bên các cháu, chị luôn cẩn thận, nhẹ nhàng từ việc ẵm bồng, thay đắp tã lót, đến việc chiếu đèn, tháo buộc phần dây dợ của thiết bị máy móc lên người trẻ... “Điều rất kỳ diệu mà thuốc không có được là có những bé xanh xao, nhưng khi thay mẹ truyền tình cảm vuốt ve, vỗ về, tự nhiên thấy da dẻ bé hồng lên, có sức sống hơn”, chị Quyên cảm nhận.

Trao lại niềm hạnh phúc

Khó có thể tin nhiều bé chỉ cân nặng từ 700g đến 1,2kg lúc chào đời, nhưng sau thời gian điều trị tích cực vài tháng đều phát triển khỏe mạnh, trở về trong vòng tay gia đình. Chị Nguyễn Thị L. (Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình) mang song thai, 32 tuần khi chuyển dạ mỗi bé chưa đầy 1,2kg. Chị L. nghĩ các con không sống được. Thế nhưng, thật kỳ diệu sau hơn nửa tháng chờ đợi và điều trị tích cực, cả 2 bé đều vượt qua thời khắc khó khăn. Hôm gặp tại Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, chị L. cho rằng: "Mình thuộc dạng hiếm muộn, lập gia đình hơn 10 năm nay bây giờ mới sinh được hai cháu. Không còn gì hạnh phúc hơn, gia đình tôi rất biết ơn các y, bác sĩ ở đây”.

Còn chị Nguyễn Ngọc M. (huyện Phú Lộc) đang thăm nuôi cháu ngoại tại phòng Kaguru, Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh kể, cháu bé chào đời khi 30 tuần thai, nặng được 900g. Thời gian đầu trong Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh mỗi ngày chỉ được vào thăm bé 1 - 2 lần. Mỗi lần cháu lên cơn suy hô hấp, thấy các bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu bé rất căng thẳng. “Sau 2 tháng điều trị, bé đã ổn được ra ngoài với mẹ. Tôi rất cảm động về sự chăm sóc nhiệt tình của các nữ bác sĩ, điều dưỡng ở đây”, chị M chia sẻ.

Đội ngũ y, bác sĩ  Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh đã và đang mang lại sự sống cho biết bao mầm xanh yếu ớt. Việc làm và tình thương của họ dành cho trẻ âm thầm, lặng lẽ như những người mẹ thứ hai.

Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Trung tâm Nhi, BV Trung ương Huế có 35 cán bộ; trong đó, có 8 bác sĩ, 23 điều dưỡng. Hàng ngày, có 40 - 50 trẻ điều trị; lúc cao điểm lên 60 trẻ. Ngoài các phương tiện y tế, nhờ sự quan tâm chăm sóc nhiệt tình của y, bác sĩ ở đây, hiện tỷ lệ cứu sống các trẻ tại khoa đạt trên 95%; so với trước năm 2006, chỉ đạt 80%.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đong đầy tình cảm “Bữa cơm tri ân”

Trong chuỗi hoạt động tri ân của Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân, “Bữa cơm tri ân” là cách thể hiện và bồi đắp thêm tình cảm gắn bó giữa lực lượng BĐBP; tuổi trẻ trên địa bàn và thế hệ đi trước, từng mang áo lính.

Đong đầy tình cảm “Bữa cơm tri ân”
Cảm xúc đong đầy “tháng ba biên giới”

Tuổi trẻ bộ đội biên phòng (BĐBP) và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh đã hành quân “dọc theo” tháng Ba ý nghĩa, đóng góp sức trẻ cho mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, bằng yêu thương và trách nhiệm đong đầy.

Cảm xúc đong đầy “tháng ba biên giới”
Năm Dần,đong đầy chuyện hổ

Tuổi lên 5, mạ con tôi sống với ngoại ở làng Thanh Thủy Thượng (Hương Thủy). Bên cạnh chuyện đồng áng, ngoại tôi còn có “nghề lên đồng”.

Năm Dần,đong đầy chuyện hổ
Đong đầy yêu thương.

Vắng tình thương của bố, thiếu vòng tay chở che của mẹ, nhưng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt vẫn nhận được tình yêu thương, chăm sóc đủ đầy của các mẹ, các cô bảo mẫu ở các cơ sở bảo trợ xã hội.

Đong đầy yêu thương
Đong đầy thương yêu

Bằng nhiều hình thức, hoạt động, mang đến những phần quà đong đầy tình cảm yêu thương, để các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cái tết ấm áp, là hoạt động ý nghĩa của các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn huyện Phú Vang.

Đong đầy thương yêu
Return to top