ClockChủ Nhật, 15/01/2017 06:36

Nội đồng, rú cát và đầm phá Quảng Lợi phát huy hiệu quả

TTH - Với lợi thế vùng nội đồng, rú cát và đầm phá, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) tập trung nhiều giải pháp phát triển trồng trọt, chăn nuôi trang trại, phát triển thủy sản...

Kinh tế trang trại đang mang lại nguồn thu cao cho người dân

Cho thu nhập tốt

Từ những rú cát hoang hóa chỉ có cát trắng và cây bụi, tại Quảng Lợi đã xuất hiện nhiều trang trại và mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Với 2 sào đất trồng mướp và hoa màu 3 vụ mỗi năm, ông Trương Trọng Đức ở Quảng Lợi thu được gần 19 triệu đồng/năm. Ngoài đầu tư trồng các loại cây ăn quả như  đu đủ, mãng cầu, chuối…ông còn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, mỗi lứa trên 1.500 con, thả nuôi 2 hồ cá rô phi, chép…cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/năm. Việc phát triển chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân Quảng Lợi.

Không chỉ phát triển mạnh kinh tế trang trại ở khu vực rú cát, người dân Quảng Lợi còn phát huy tiềm năng khu vực đầm phá để phát triển du lịch, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững như thả chuôm, nuôi cá lồng trên phá kết hợp đánh bắt ... Ông Hà Binh, Bí thư Chi bộ thôn Ngư Mỹ Thạnh thông tin, các mô hình kinh tế kết hợp cho thu nhập ổn định từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm cho các hộ gia đình. Khai thác thế mạnh đầm phá hợp lý, kinh tế thôn Ngư Mỹ Thạnh có chuyển biến, từ một thôn nghèo đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm.

Hướng đến việc xây dựng 3 vùng sản xuất tập trung

Với mục tiêu tập trung nguồn lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Nông nghiệp - dịch vụ - ngành nghề tiểu thủ công nghiệp”, xã Quảng Lợi phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 32 đến 35 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 80 đến 90 triệu đồng/năm.

Theo ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, trên cơ sở đánh giá tiềm năng thế mạnh địa phương, xã đã xây dựng 3 vùng sản xuất tập trung gắn với các địa bàn dân cư. Trong đó, vùng sản xuất nội đồng chủ yếu trồng lúa năng suất cao, rau màu, đậu đỗ theo hướng sản xuất an toàn. Khu vực rú cát quy hoạch phát triển trang trại với 350 ha sản xuất theo hướng nông lâm kết hợp. Ngoài các mô hình của người dân, địa phương còn hỗ trợ 2 HTX Thắng Lợi và Tín Lợi phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò tập trung, trong năm 2016 đã giải ngân vốn cho 6 hộ với số tiền 50 triệu đồng/hộ. Riêng các thôn ven phá sẽ đầu tư cải tạo các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, khuyến khích người dân hạn chế phát triển nghề lừ ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản  chuyển sang các nghề truyền thống như chuôm, lưới, đáy…

Để thực hiện được mục tiêu trên, xã Quảng Lợi tập trung huy động sức dân; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; rà soát, điều chỉnh quy hoạch; chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, tập trung giao đất, cho thuê đất gắn với thực hiện quy hoạch trồng rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cải tạo vườn hộ.

Một trong các giải pháp được lãnh đạo xã Quảng Lợi chú trọng là phối hợp với ngân hàng, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất; tăng cường kiểm tra và quản lý chất lượng các loại vật tư phục vụ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp như xây dựng các mô hình dự án điểm, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ…

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ

TIN MỚI

Return to top