ClockThứ Bảy, 23/06/2012 05:43

Nỗi khổ nơi “xóm rác”

TTH - Suốt mấy năm nay, mùi xú uế từ một bãi rác nằm cạnh chợ An Truyền cao ngất như núi mà ngày cũng như đêm, cứ theo gió xộc vào trong từng bữa ăn, giấc ngủ khiến người dân địa phương bức xúc đổi tên thôn An Truyền, Phú An (Phú Vang) thành... "xóm rác".

Dâu kêu trời

Nghe người bạn nói về chuyện “xóm rác” ở khu vực chợ An Truyền, tôi lần theo địa chỉ tìm về xã Phú An vào trưa ngày 29-5 để hiểu “nỗi khổ” của người dân. Chợ An Truyền lúc này đã vãn khách, những ngôi nhà chung quanh đóng cửa im lìm. Anh Hồ Văn Chiến, chủ ngôi nhà nằm cuối khu chợ vừa hé cửa, nghe tôi hỏi về chuyện rác ở đây đã buông giọng: “Mời anh vào nhà và thưởng thức... mùi rác, xem chúng tôi khốn khổ thế nào! Nhiều cán bộ xã, huyện về đây rồi, nhưng chả thấy ai... mang mùi này đi cả!”.  Nắng nóng, họng cổ tôi khô rang muốn đưa ly nước anh Chiến vừa mời vào miệng nhưng không dám uống vì cái mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác trước hiên nhà anh xộc vào mũi. Trời không gió, mùi hôi ấy cứ quẩn quanh ngột ngạt đến mức tôi chỉ muốn ra khỏi thôn An Truyền...
 

Bãi rác chợ An Truyền nằm cạnh nhà dân không được xử lý triệt để gây ô nhiễm

 
 
Anh Chiến nói: “Sống ở đây gần 15 năm rồi, hàng ngày tui mở mắt ra là thấy rác. Thời gian trước lượng rác ở bãi này còn ít, nhưng mấy năm nay bao nhiêu thứ tanh tưởi, bẩn thỉu từ khắp nơi trên địa bàn cứ tuồn ra đấy. Là điểm xả rác công cộng tự phát nên ai đổ, ai xả kiểu chi cũng mặc. Cứ thế dần dần nó thành một đống cao ngất như núi. Nắng mưa gì tui cũng hưởng mùi hôi thối của rác. Cực hình nhất là những bữa cơm, bởi chẳng bao giờ được ngon miệng. Vì hoàn cảnh, tôi mới bám lại ở đây...”. Gia đình anh Chiến lâu nay làm nghề bánh mỳ. Hàng ngày để kiếm tiền trang trải cuộc sống, anh phải núp hẳn trong nhà để làm bánh. Ngôi nhà anh hiếm khi mở cửa, chỉ trừ những lúc khách vào ra lấy bánh, hoặc khi vợ anh chuyển bánh đến các đầu mối tiêu thụ. Nhà cũng có mấy đứa nhỏ nhưng đứa thì gởi nội, đứa gởi ngoại. Bọn chúng chỉ có mặt ở nhà vào cuối tuần, hay dịp hè. Những dịp như thế, anh Chiến cũng chẳng cho chúng đùa chơi ở ngoài mà nhốt luôn trong nhà vì sợ ô nhiễm.
 
Chỉ một đoạn đường ngắn từ khu chợ đến trước đình làng An Truyền để mắt là thấy rác rưỡi vứt xả bừa bãi hai bên. Từ đình làng An Truyền, tôi xuyên qua con hẻm rồi băng trên tuyến bê tông dọc theo cánh đồng lúa, mà người dân ở đây gọi là con đường hậu của thôn cũng hiện hữu 4-5 đống rác thải nằm lộ thiên. Lâu nay, tôi đã nghe nhiều về An Truyền là vùng đất có truyền thống văn hóa, có đình làng, miếu mạo, có nhiều món ăn ngon đặc trưng của xứ thần kinh và dịp này tôi lại biết thêm một An Truyền “giàu có” về rác thải. Tôi cũng không hình dung nổi một con lạch chạy qua trung tâm thôn An Truyền, hai bên nhà ngói, nhà tầng kiểu dáng đẹp mắt trông như phố thị cũng ngập đầy rác rưởi, nước đen ngòm bốc mùi hôi thối.
 
Để nắm thêm một số thông tin về “xóm rác”, tôi ghé nhà ông Trưởng thôn An Truyền Đoàn Văn Rô. Nếu tính từ bãi rác ở chợ thì nhà ông Rô cách khoảng 150mét theo đường chim bay. “Mời chú vô đây, nắng nôi thế này vất vả quá hí”- ông Xô từ tốn rồi bước vào phòng khoác vội chiếc sơ mi trắng ra tiếp khách. “Nói chuyện môi trường ở đây là buồn lắm. Người dân rất đau đầu về chuyện rác làm ô nhiễm môi trường sống ở đây”- ông Xô nói. Cũng theo lời ông, bãi rác ở gần chợ An Truyền tồn tại đến nay cũng khá lâu. Ban đầu nó chỉ là điểm tập kết rác thải và đồ xú uế từ các gia đình lân cận và ở khu chợ An Truyền. Thế nhưng, do đặc điểm thôn An Truyền đất hẹp người lại đông với hơn 1nghìn hộ, bằng 1/2 dân số của xã Phú An nên khó tìm một điểm tập kết rác hợp lý; thế là không còn cách nào khác, bãi rác cạnh chợ An Truyền phải chứa thêm rác thải cho từ nhiều gia đình xóm xa đến xóm gần, dù đã quá tải. 
 
Nói về chuyện ý thức, ông Rô cũng tiết lộ thêm đã có nhiều vụ lộn xộn giữa người này với người kia; giữa xóm dưới, xóm trên và cũng không thiếu những cuộc rượt đuổi thượng cẳng tay, hạ cẳng chân của những thanh niên trong xóm. Điển hình, một trường hợp cách đây 2 năm, chính ông “cai” chợ An Truyền- Huỳnh Trọng Phú cãi vả qua lại với một thanh niên có nhà sống cạnh bãi rác. Hậu quả ông Phú phải vào bệnh viện chữa trị vết thương đầu, mất gần 20 triệu đồng....
 
Chờ... đề án
 
Rời “xóm rác”, chúng tôi đến nhiều cơ quan chức năng để tìm hiểu thêm những bức xúc của người dân. Hỏi Trưởng trạm Y tế xã Phú An để kiểm chứng những con số bệnh, dịch ở đây qua hàng năm mà người dân phản ánh thì nhận câu trả lời là địa phương không có dịch bệnh gì. Khi hỏi thêm, ông Trưởng trạm này còn đánh giá cao môi trường... sạch đẹp ở Phú An. Riêng ông Nguyễn Đăng Đề- Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho hay, trước bức xúc của dân, vào năm 2008, xã tích cực triển khai xây dựng phương án thu gom tập kết rác trên địa bàn; trong đó có thôn An Truyền. Phương án đưa ra để hoạt động dựa trên một phần ngân sách của xã và vận động thêm kinh phí người dân địa phương. Mỗi hộ gia đình đóng 8 nghìn đồng/tháng để thuê 3 nhân công thu gom, tập kết rác; sau đó định kỳ khoảng 1 tuần thuê xe Công ty Môi trường đô thị Huế chuyển về nhà máy rác Thủy Phương (Hương Thủy) xử lý. Đáng buồn, phương án đó chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi mất tiêu vì chuyện thu không đủ bù chi (bởi trong thôn có hộ đóng, hộ không).
 
Khi chúng tôi đặt vấn đề, hiện rất nhiều người dân đang sống khổ với bãi rác khu vực chợ An Truyền. Ông Đề thừa nhận, lâu nay chính quyền địa phương rất trăn trở muốn lo cho dân nhưng lực bất tòng tâm vì ngân sách xã hạn chế. Người dân cứ nghĩ việc môi trường là việc của xã, huyện nên hai bên vẫn chưa tìm ra điểm chung để cùng giải quyết. “Vậy bây giờ bãi rác chợ An Truyền cứ đâu nằm đấy”- tôi hỏi. “Hiện nay chúng tôi đang lập đề án thu gom tập kết rác trên địa bàn bằng kinh phí của Nhà nước và người dân trong xã gồm 4 thôn: Truyền Nam, Triều Thủy, An Truyền và thôn Định cư thủy diện đóng góp. Trong đó, trước mắt lấy thôn Triều Thủy làm thí điểm. Phương án đưa ra không mới nhưng không còn cách nào khác là xây dựng các bãi tập kết rác ở 4 thôn; mỗi bãi có diện tích 30-40m2, đồng thời mua sắm thêm các trang thiết bị thu gom. Ngoài ra, mỗi thôn có đội ngũ thu gom rác 3-4 người được trả lương hàng tháng phù hợp. Sau khi rác được tập kết sẽ được chuyển lên Nhà máy rác Thủy Phương xử lý...” ông Đề diễn giải.
 
Theo ông Huỳnh Văn Đức–Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phú Vang, thực trạng rác thải ở xã Phú An quá nan giải, bức xúc kéo dài mấy năm nay. Hiện tại, huyện Phú Vang đã xây dựng đề án thu gom rác thải trên địa bàn toàn huyện giai đoạn 2011-2020 với kinh phí khoảng 34 tỷ đồng; trong đó đã tính cho xã Phú An phải thu gom, vận chuyển rác thải trong dân đưa về xử lý tại Nhà máy rác Thủy Phương. Trước mắt, bằng nhiều nguồn, sẽ hỗ trợ cho xã Phú An 1 chiếc công - tai - nơ chứa rác khoảng 10m3, giá trị gần 70 triệu đồng đặt tại thôn An Truyền. Sau đó, lượng rác đã được tập kết sẽ chuyển lên Nhà máy rác Thủy Phương xử lý như đề án của xã đã trình.
 
Một tín hiệu vui thể hiện sự quyết tâm của chính quyền các cấp cũng như các ban ngành liên quan với vấn đề xử lý bãi rác ở thôn An Truyền. Nhưng quyết tâm ấy trở thành hiện thực hay không vẫn còn là câu chuyện phía trước...

Minh Văn-Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top