ClockThứ Tư, 15/07/2020 20:38

Nơi không dành cho mưa bóng mây

Hương khói là nét đẹp văn hóa thiêng liêng cần phải được gìn giữ

“Huế của em lễ nghi quá”- chị đã không biết rằng câu nói vội trong một giây vẫy tay cuối cùng khi con tàu lăn bánh đưa anh trở lại Sài Gòn - là dấu hiệu anh sẽ rời xa Huế hơn chục năm trời. Mãi sau này khi đã diễn lại trong đầu hàng ngàn lần cái cảnh chia tay ở sân ga Huế, chị vẫn không hề nhớ đến câu nói ấy. Chỉ nhớ hôm ấy anh mặc chiếc quần Jeans bạc màu, chiếc áo pull cá sấu đóng thùng. Hôm ấy, gió từ sông Hương thổi mạnh làm mái tóc mềm của anh lòa xòa trên trán, trông thật manly, thật là lãng mạn, đốn tim người đối diện.

Và trái tim chị đã rung động, đã hy vọng sẽ kết nối một tình bạn dài lâu với anh, có khi biết đâu chừng là một tình yêu nữa.

Nhớ hôm anh Tư đưa anh về chơi nhà. Khi nghe anh Tư giới thiệu “Mạ, đây là H. bạn con ở Sài Gòn ra chơi. Trưa ni mạ cho H. ăn cơm với nghe mạ”. Trưa hôm ấy đúng là một bữa cơm Huế: canh cá kình nấu thơm, thịt heo ba chỉ luộc ăn kèm với mắm tôm, vả và chuối chát rau thơm, cá bống thệ kho khô và rau muống luộc chấm với nước tôm kho đánh. Tháng năm, tháng sáu âm lịch là lúc cá kình đầm Cầu Hai con nào con ấy vừa dày thịt, vừa béo, lưng ánh màu vàng sậm, nhìn là biết cá ngon liền. Món canh cá kình này mà ăn vào buổi trưa thì ngủ tới chiều. Mà đúng thiệt, sau bữa cơm trưa hôm ấy, anh Tư và bạn mình ngủ một giấc cho đến tận 4 giờ chiều. Sau đó, cả nhóm bạn anh Tư xuống bến sông, vẫy vùng bơi lội đã đời.

Chẳng hiểu anh mê cái nhà cổ, vườn ổi hay là bến nước sông Hương sau nhà của bạn mình mà anh xin ở lại nhà chị nhiều hơn ở nhà ông bà anh trong Thành nội. Những ngày sau, khi đã thân thuộc trong nhà, anh nói chuyện với em gái bạn mình, là chị, và nhóm bạn nữ của chị, nhiều hơn. Cái giọng Sài Gòn, không chỉ chị mà cả bầy bạn gái của chị đều thích nghe. Không nói ra nhưng đứa nào cũng kín đáo đưa mắt tìm kiếm anh khi đến nhà chị học ôn thi đại học.

Những bữa cơm có anh, mạ cũng cố gắng chế biến thêm nhiều món Huế, vừa đãi bạn con mà cũng vừa giới thiệu món ngon xứ Huế với anh. Có những món anh ăn không được nhưng chị và tụi bạn thì mê ly như món bún mắm nêm, bánh đúc mắm nêm hay món cơm hến cay xè...

Hè năm sau, anh lại ra Huế thăm ông bà nội nhưng vẫn ở nhà bạn thân, là anh của chị, nhiều hơn ở nhà ông bà. Dịp ấy, anh ra Huế nhằm vào cuối tháng 5 âm lịch, nhà ông bà nội anh cúng 23/5, rồi về nhà chị cũng cúng 23/5, anh thắc mắc “Sao người Huế mình cúng kiếng nhiều quá. Cả Thành nội nhà nào cũng cúng, con về đây nhà bác cũng cúng”, mạ chỉ cười “Người Huế cúng 23/5 là cúng thất thủ Kinh đô đó con. Hồi ấy người chết nhiều lắm, trong Thành nội người chết đầy đường”. Rồi mạ đọc mấy câu thơ trong bài Vè thất thủ Kinh đô”...

Nhà chị là nhà cổ ba gian, nhà hương hỏa được truyền đến mấy đời. Gian giữa, nơi trang trọng nhất thờ Phật và ông bà. Ngày rằm và mồng một, cả nhà ăn chay, mạ nấu xôi, chè cúng Phật, cúng ông bà và cúng giữa trời. Anh tâm sự với anh Tư “Huế mình cúng nhiều quá Tư há. Bây giờ thì tau đã hơi quen, chứ đêm đầu tiên nghe bác dậy tụng kinh và đánh chuông, mõ, tau sợ quá ngủ không được lại luôn”.

Và còn bao nhiêu cái làm anh thắc mắc, như chuyện mạ và bầy bạn gái của con mình, hì hụi cả buổi chiều bóc nhãn để nấu chè hạt sen bọc nhãn lồng (sao không ăn nhãn xong rồi ăn chè sen cho khỏe, bọc chi mất công), hay ăn rau muống luộc với tôm kho đánh cũng kỳ công ngồi chẻ từng ngọn rau, nấu ăn hàng ngày mà cũng sắp xếp trình bày như mâm cỗ. Dĩa cá kho nước thì phải có mấy miếng ớt đỏ xếp lên trên, dĩa dưa gang chấm ruốc cũng xếp cho được một nhúm rau thơm ở giữa nhìn như cái nhụy, tô canh cá cũng có đủ màu vàng xanh đỏ của thơm, cà chua, hành lá...

Những mùa hè sau, anh không về Huế, chị và nhóm bạn cũng ra trường đại học, mỗi đứa một phương nhưng cuộc gặp mặt nào vào dịp tết hay hè đưa gia đình nhỏ về thăm Huế là lại rộn ràng với bao câu chuyện kể. Có cô bạn tuyên bố xanh rờn, ai chê Huế lễ nghi chứ tau nhờ đưa lễ nghi Huế vô Sài Gòn mà má chồng tau mừng như bắt được vàng. Đám giỗ nào của nhà chồng, tau đứng bếp là má chồng hứng lời khen đầy mấy bồ lúa, nào là nấu cúng vừa khéo vừa ngon, bày biện từ trên bàn thờ Phật đến bàn thờ ông bà đâu ra đấy, trang trọng, gọn gàng. Có người còn nói “con dâu chị thấy hiền hiền, quê quê mà quý giá như vàng mười, ha!”.

Và rồi anh về thăm lại Huế. Bây giờ mạ già rồi không nấu cơm mời anh mà là chị vợ anh Tư. Vẫn nhớ anh không thích các loại mắm nên chị vợ anh Tư né mấy món mắm, món cay, nào dè anh bảo “Ngày mai cho anh ăn món cay, món mắm chứ anh thèm quá, anh đã bỏ lỡ quá nhiều tô bún mắm nêm, bún bò, cơm hến cách đây hơn cả mười năm rồi, bây giờ anh ăn bù!”.

Hôm đưa anh ra sân bay về lại Sài Gòn, anh Tư điện thoại cho chị, “Thằng H. nói hắn không ngờ Huế thấm vào hắn sâu đến vậy. Lăn lộn mệt mỏi giữa thương trường, nhiều lúc hắn ao ước được thả bộ quanh những con đường nhỏ trong Thành nội, hắn nhớ sự yên tĩnh và trong lành của Huế, hắn bỗng thấy lạ kỳ là hắn nhớ tiếng chuông và cả mùi trầm hương. Bây giờ hắn không còn sợ tiếng tụng kinh buổi sáng của mạ mà trái lại thấy lòng an yên. Hắn thèm sự hiền lành, quê quê của người Huế”.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

Bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nghiên cứu nhằm hoàn thiện hệ thống hồ sơ khoa học về các lễ hội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các giá trị của lễ hội, lựa chọn để quảng bá những nét đẹp, hạn chế những lễ hội có những hình ảnh phản cảm.

Lễ hội góp phần tôn vinh bản sắc giá trị văn hóa Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top