Thể thao trong nước

Nỗi lo cầu lông

ClockThứ Bảy, 10/12/2016 05:51
TTH - Cách đây không lâu, bảng xếp hạng thành tích cầu lông toàn quốc luôn xuất hiện những tên tuổi của Huế. Từ năm 2015 đến nay, “phút huy hoàng” ấy tối dần, kèm nỗi lo thiếu những tay vợt chuyên nghiệp.

HLV Quang Phong hướng dẫn động tác di chuyển cho học trò

Ở lại tuyển và bài toán tương lai

Chỉ tính giai đoạn từ 2005 – 2015, Huế có ít nhất 4 cái tên khá nổi ở sân chơi cầu lông toàn quốc. Nếu Nguyễn Quang Phong giành được tấm Huy chương Đồng SEA Games 2005 thì Ngô Viết Ngọc Huy luôn dao động trong top 6 – 10 toàn quốc, Dương Quốc Khánh và Trần Thị Thanh Xuân liên tục giành huy chương ở các giải trẻ.

Đáng buồn là những cái tên ấy không còn ở tuyển cầu lông Huế mà nguyên nhân chính là nỗi lo “cơm áo gạo tiền” khi trưởng thành. Ngoại trừ Quang Phong may mắn ở lại đội tuyển sắm vai huấn luyện viên (HLV), hầu hết những VĐV còn lại đều giải nghệ tìm công việc mới hoặc tạm đầu quân cho đơn vị khác. Đáng tiếc nhất là trường hợp Ngô Viết Ngọc Huy (sinh năm 1991), giải nghệ năm 2015 lúc phong độ đang ở đỉnh cao. So với những cái tên khác, Ngọc Huy có dịp cọ xát nhiều với những tên tuổi cầu lông của Việt Nam như Tiến Minh, Trần Văn Trì (Quảng Trị) – người đang dẫn đầu bảng xếp hạng VĐV cầu lông Việt Nam (tính đến tháng 10/2016) với 2.800 điểm. Thậm chí có những cuộc chạm trán với Trì, Huy là người giành chiến thắng. Chia tay tuyển cầu lông Huế và để lại khoảng trống thành tích chưa có người thế vai, Ngọc Huy ngậm ngùi giải thích vì điều kiện gia đình khó khăn, phải tìm công việc khác nhằm ổn định cuộc sống.

Năm 2016, cầu lông Huế để lại nỗi lo cho người hâm mộ khi chỉ giành được 1 HCB nội dung đôi nữ giải thiếu niên toàn quốc. Trách thầy trò HLV Đặng Nhỉ Hà, Trưởng bộ môn Cầu lông Huế thì quá khó bởi trong tay người thầy cầu lông có chưa tới 15 VĐV, trong đó chỉ còn 4 em ở lứa tuổi 17-18, còn lại là dưới 16 tuổi. Sự ra đi của 6 cái tên (trong đó có Huy) giai đoạn 2015 – 2016 là mất mát rất lớn của tuyển cầu lông tỉnh nhà, với sự thiếu hụt những tay vợt đạt độ chín. Và, những “đứa nhỏ” còn bám trụ của thầy Hà vẫn quá “non” trước cuộc cạnh tranh khốc liệt giành huy chương và vì thế, thành tích kém đối thủ là điều không thể bàn cãi.

Thử đặt niềm tin cho những cái tên hiện có (đang còn nhỏ), nhưng liệu khi trưởng thành, ai dám đảm bảo chuyện rời tuyển vì bài toán tương lai đầu ra sẽ không tiếp diễn. Có lẽ, đã đến lúc phải thừa nhận, Huế cũng có VĐV đỉnh cao nhưng chưa thực sự đầu tư.

Làm lại từ đầu?

Chứng kiến một buổi tập của thầy trò tuyển cầu lông Huế, đó là buổi tập “chay” không khác những tay vợt nghiệp dư cùng chơi cầu lông trên sân Nhà Văn hóa Lao động. Đặt câu hỏi có bao giờ VĐV đi tập đấu ở nước ngoài, cả thầy lẫn trò mỉm cười: “Tiền đâu mà đi”.

Nỗi lo kinh phí là câu chuyện quá quen thuộc, song với những gì đang diễn ra ở hiện tại, đó thực sự là nỗi lo. Bề dày thành tích thể thao phần lớn nhờ quá trình cọ xát của VĐV. Với môn cầu lông, Hà Nội và Bắc Giang là hai địa phương có chiến thuật hướng ngoại, thường xuyên cho VĐV ra nước ngoài thi đấu, tập luyện để nâng cao kinh nghiệm. Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng,… cũng là những đơn vị sẵn sàng đầu tư để VĐV có dịp cọ xát với những tay vợt giàu thành tích của tuyển quốc gia. Nhìn lại tuyển cầu lông Huế, đa phần chỉ tập luyện kiểu trong đội tự tập với nhau theo giáo án của HLV, mặc dù ai cũng biết, thiếu đối tượng cọ xát là thiệt thòi lớn.

HLV Đặng Nhỉ Hà, Trưởng bộ môn cầu lông Huế chia sẻ, bối cảnh kinh tế khó khăn nên bộ môn không dám kêu ca, nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp (trước đây thi đấu 5 giải/năm khoảng 200 triệu đồng, bây giờ 3 giải) thì quá khó cho việc phát triển thành tích. Ông Hà thừa nhận, cầu lông là môn thể thao khá tốn kém khi cần nhiều vật dụng buộc đơn vị chức năng phải khoán định mức. Trong bối cảnh đồng lương của VĐV còn thấp (trung bình 3 triệu đồng/tháng) trừ khoản tiền ăn, có trường hợp phải tự sắm thêm vợt, giày lúc hỏng. Đây là điều khiến phụ huynh thiếu niềm tin vào tương lai con em mình. Nhiều người đề nghị con giải nghệ sớm hoặc không cho con vào tuyển năng khiếu khi bộ môn đi tuyển quân.

Không để thế mạnh thể thao tỉnh nhà mai một, thiết nghĩ ngành Thể thao nên khoanh vùng đối tượng VĐV để đầu tư, phát triển những tên tuổi có thành tích; quan tâm hơn sân bãi, chế độ cho VĐV, nhất là cơ chế cho người có nhiều cống hiến. Và nếu ngành Thể thao chứng tỏ được quyết tâm, đội tuyển nỗ lực giành thành tích thì tin rằng, sẽ có người sẵn sàng đứng ra làm ông bầu tài trợ cho cầu lông và những môn thể thao khác. Muốn vậy, cầu lông nói riêng, thể thao tỉnh nhà nói chung nên nghiên cứu phương án, có thể là làm lại từ đầu, chắc từng bước.

Bài, ảnh: LÊ HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đợi những gương mặt trẻ tỏa sáng

Trong Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cầu lông được xếp vào bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 2 được tập trung đầu tư. Với sự xuất hiện nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng, cầu lông Thừa Thiên Huế đang có nhiều hy vọng.

Đợi những gương mặt trẻ tỏa sáng
Return to top