ClockThứ Sáu, 24/06/2016 14:21

Nỗi lo nối nghiệp

TTH - Ở tuổi ngấp nghé “cửu thập”, nghệ nhân Lê Văn Kinh vừa hoàn thành tập hồ sơ dày mấy trăm trang về lịch sử nghề thêu tay truyền thống của gia tộc Lê Văn, khởi nguồn cách đây hàng thế kỷ với không ít tư liệu được cụ cất công gìn giữ.

Lần giở tập hồ sơ, có thể thấy trong đó thật nhiều cảm xúc, về sự nhọc nhằn, niềm đam mê, những vui buồn, thăng trầm của một ngành nghề truyền thống trước sóng gió thị trường.

Cụ Kinh bảo, nghề thêu đã đem đến cho cụ nhiều niềm vui. Niềm vui lớn nhất là cụ đã vinh dự có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” mà cả nước chỉ có 16 nghệ nhân được đề cử. Cụ vui hơn vì nghề thêu của mình còn được trân quí. Như chuyện mới đây, những người học trò từng được cụ dạy thêu áo kimono ở Sài Gòn cách đây gần 30 năm, đã lặn lội ra Huế tìm bằng được người thầy cũ, rồi đúc một bức tượng chân dung bằng thạch cao tri ân thầy. Có cả những thương gia người Nhật, từng đến Huế đặt hàng thêu sản phẩm cho cụ từ thời bao cấp. Hàng chục năm nay, cụ không nhận đơn đặt hàng nữa. Thế mà tháng trước, hay tin cụ bị ngã xe gãy tay, họ từ Nhật đến thăm cụ tại cửa hiệu thêu năm xưa trên phố Phan Đăng  Lưu...

Một đời vì nghề, thương hiệu thêu Đức Thành ở 82 Phan Đăng Lưu của cụ Kinh giờ cũng đã có tên trên bản đồ du lịch thế giới. Nhưng lòng nghệ nhân già vẫn chưa yên khi sản phẩm thêu tay phập phồng. Và điều cụ lo nhất là chuyện nối nghiệp. Con gái thì đã theo chồng. Con trai thì bay nhảy với nghề báo. “Năn nỉ quá, nó theo học lớp cao đẳng mỹ thuật để sau này có thể vẽ mẫu. Kỹ thuật thêu thì đã nắm vững rồi. Nhưng chỉ sợ là nó học để cha yên lòng mà thôi”, cụ Kinh thổ lộ. 

Cách đây 60 năm, cụ Kinh (khi trai trẻ) đã rời  Sài Gòn hoa lệ, về Huế để  giữ cửa  hiệu thêu như ước nguyện của cha. Giờ, cụ hy vọng lịch sử sẽ được lặp lại. Dòng máu yêu nghề sẽ được lưu truyền. Tập hồ sơ về lịch sử nghề thêu tay truyền thống của gia tộc Lê Văn sẽ được tiếp nối. Nghề thêu truyền thống quí giá của Huế sẽ được giữ gìn... Một hy vọng cháy bỏng và mong manh bởi đến nay, việc gìn giữ một gía trị di sản quí như nghề thêu tay truyền thống Huế, chỉ trông chờ vào lòng yêu nghề, được di truyền trong một gia tộc...

Tiểu Muội

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
Giữ làng nghề ở phố cổ Bao Vinh

Bao Vinh từng nổi tiếng với nhiều nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nghề đã thất truyền, chỉ còn một số nghề đang duy trì hoạt động sản xuất nhưng cũng chỉ cầm chừng.

Giữ làng nghề ở phố cổ Bao Vinh
Đẹp và đẹp hơn

Đến thời điểm trước thềm Festival Nghề truyền thống Huế 2023, người dân TP. Huế đã hỗ trợ hơn 350 nhà vệ sinh miễn phí...

Đẹp và đẹp hơn
Return to top