ClockThứ Hai, 01/10/2018 08:25

Nơi lũ thường đe dọa

TTH - Các hộ dân 5 xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Sơn Thủy, Nhâm, Hồng Quảng (huyện A Lưới) thấp thỏm bên rốn lũ của dòng sông A Sáp. Bởi, mỗi lần mưa lớn, nước từ lòng hồ thủy điện A Lưới lại dâng vượt cao trình giải phóng mặt bằng làm hàng nghìn hộ dân bị ngập lụt.

Bất cập “một cửa” ở Hồng ThủyA Lưới: Nguy cơ mất trắng hàng chục ha lúa hè - thuA Lưới hoàn thành huấn luyện tự vệ khối cơ quan năm 2018

Miền núi cũng ngập

Anh Phan Tăng Việt, cán bộ địa chính xã Hồng Thượng dẫn chúng tôi đến khu tái định cư (TĐC) Căn Tôm nằm bên dòng A Sáp. Nơi đây, có 19 hộ dân phải thường xuyên “sống chung” với lũ mỗi mùa mưa đến. Nói ký ức thì hơi xa xôi. Cũng chỉ mới đây thôi, trận lũ cuối tháng 12/2017, đã biến vùng đất bên sông A Sáp thành bình địa với cơ man là nước lũ. Mà có lẽ, ký ức kinh hoàng nhất là đối với ông Nguyễn Văn Hội (thôn Căn Tôm), bởi căn nhà ông nằm giáp mốc đền bù giải phóng mặt bằng của thủy điện, nhưng lại được “liệt” vào danh sách ngập nặng nhất vùng.

Từ nhiều năm nay, gia đình anh Hồ Văn Mích (thôn A Sáp) phải "sống chung" với cảnh ngập lụt

“1,5m lận. Đã 3 trận lũ liên tiếp rồi. Trận nào cả gia đình cũng chạy tán loạn lên nhà văn hóa thôn. Dân cũng cực mà chính quyền cũng cực”, ông Hội nói đoạn rồi chỉ tay lên vách tường in vạch nước bạc vẫn chưa phai màu năm trước. Cùng với nước lũ ngập nhà cửa là bao nhiều tài sản heo, gà, trâu bò của người dân bị cuốn trôi.

Ông Hội bảo: "Dân tui không biết “cao trình” là chi, chỉ biết khi chưa có thủy điện A Lưới thì vùng đất này chưa bao giờ ngập, cây chưa bao giờ chết vì ngâm nước. Trận lụt nào dân lội nước lên, xã lội nước về vận động, giúp dân chuyển đồ đạc. Nhìn dòng người lũ ai cũng ứa nước mắt!"

Câu chuyện ông Hội chưa dứt thì người dân thôn A Đên, A Sáp đến “kể rõ sự tình”. Đó là những tháng ngày không mấy đẹp trong ký ức của họ. Dòng A Sáp chảy qua trước mặt thôn A Sáp vốn hiền hòa khi thủy điện chưa tích dòng. Nhiều hộ dân sống cuối thôn phản ánh, thôn ngập là do “tức nước”. Nước trên sông A Sáp hồi xưa dòng chảy mạnh, dù nhà dân có ở hai bên cũng không ngập. Bây giờ, dù đã ở trên triền dốc cao, do nước bị bóp nghẹt, dòng chảy chậm nên dâng ngập bản làng.

Anh Hồ Văn Mích (thôn A Sáp) bảo, dù nhà được dựng ngay lưng chừng một ngọn đồi nhỏ, thế mà nước sông A Sáp vẫn “tìm” tới. “Chưa bao giờ lũ to như trận cuối tháng 12/2017, nước ngập vào nhà cả nửa mét. Năm  nay chưa biết thế nào, cả nhà cũng đang lo. Nhiều năm sống chung với lũ, không chỉ gà vịt bị cuốn trôi mà bộ móng nhà cũng mục vì con nước bạc”, ông Mích nói.

Chính quyền “cũng khổ”

Tôi nhớ có lần, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường có mặt tại cuộc họp phòng chống cơn bão số 13 cuối năm 2017 tại trụ sở UBND tỉnh. Trong cuộc họp, như mang tâm tư của người dân ngập lụt miền núi về xuôi để tìm giải pháp, ông Cường đề nghị phía thủy điện A Lưới có phương án điều tiết xả lũ phù hợp, tránh “làm khó” cho huyện. Cái “làm khó” ở đây theo ông Cường là việc thủy điện A Lưới xả lũ cấp tập khiến huyện rất vất vả trong việc chống đỡ, nhiều lúc không xoay xở kịp. Câu chuyện ông Cường muốn nhắc đến ở đây là do đặc thù thủy điện A Lưới có “cái eo” ngay xã Nhâm, khác với lòng hồ các thủy điện khác, khi dưới đập thủy điện nước hạ nhưng nước trên kênh dẫn không qua được “eo”, khiến vùng hạ du xã Nhâm bị ngập nặng.

Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng bảo rằng, từ khi có thủy điện A Lưới, đã 3 đợt người dân trên địa bàn xã “gánh” lụt nặng. Đó là các năm 2013, 2015 và cuối năm 2017. Khi mưa lớn, nước thủy điện vượt cao trình +55,5m cũng là lúc hàng chục hộ dân trên địa bàn xã bị ngập sâu.

Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Đời cứ “nhấn” “cái cao trình 55,5m”. Bởi, theo ông, khi đạt cao trình này, dù là ngoài vùng giải phóng mặt bằng, các hộ dân vùng giáp ranh lòng hồ đều ngập nặng có nơi lên 1-1,5m, nên hàng năm xã cứ “soạn” sẵn phương án để sống chung với lũ.

“Cứ mỗi lần ngập lụt, không những dân chật vật mà chính quyền cũng “khổ” theo. Trong đợt lũ cuối năm 2017, toàn xã có 35 hộ dân bị ngập, trong đó đa phần là ảnh hưởng từ thủy điện. 14ha nuôi trồng thủy sản, rau màu bị ngập, cuốn trôi, cùng hàng nghìn gia súc, gia cầm cuốn theo dòng nước lũ. Công tác di dân, đảm bảo an toàn luôn được chú trọng đối với các hộ dân này. Xã phải “huy động tổng lực” cán bộ công chức, quân sự, công an, đoàn thanh niên kết hợp với bộ đội biên phòng tiến hành di dời dân khẩn cấp”, ông Đời trải lòng.

Chờ giải pháp lâu dài

Ông Đinh Viết Cường, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện A Lưới thông tin, liên quan đến tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của thủy điện, phía huyện đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với Công ty CP Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư thủy điện A Lưới) để tìm phương án hỗ trợ bước đầu cũng như giải pháp căn cơ, lâu dài đối với các hộ dân vùng ngập lụt.

Sau khi làm việc thống nhất giữa các bên, tháng 8/2018, UBND huyện đã có quyết định phê duyệt giá trị hỗ trợ về tài sản trên đất cho các hộ gia đình, cá nhân 5 xã ven lòng hồ thuỷ điện A Lưới bị ảnh hưởng do cơn bão số 12 năm 2017 với số tiền hơn 1 tỷ đồng. “Đến nay, theo báo cáo phía Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện A Lưới, chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện miền Trung vẫn chưa chuyển số tiền này cho phía huyện để tiến hành hỗ trợ cho người dân”, ông Cường cho biết.

Theo ông Cường, nhằm hạn chế nguy cơ ngập lụt vào mùa mưa lũ, đối với các hộ dân sống trong vùng ảnh hưởng bởi thủy điện, UBND huyện A Lưới đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND huyện đề xuất UBND tỉnh phương án giải quyết căn cơ và triệt để; xin ý kiến tư vấn của hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và TĐC trên địa bàn tỉnh về nội dung hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Riêng đối với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hội (thôn Căn Tôm)- hộ dân bị ngập nặng nhất, phía UBND huyện đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh phương án điều tiết lũ nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp lũ làm ngập nhà dân; nếu sau khi điều chỉnh phương án mà vẫn không khắc phục được sẽ đề nghị phía chủ đầu tư tiến hành hỗ trợ nâng nền nhà hoặc di dời theo quy định.

Vướng mắc trong đền bù TĐC

Công trình thủy điện A Lưới phải đền bù, hỗ trợ cho 1.318 hộ dân với tổng kinh phí 203,11 tỷ đồng. Đến nay, công tác đền bù, hỗ trợ TĐC thủy điện A Lưới về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn vướng mắc phần kinh phí bồi thường chênh lệch giữa Quyết định số 928/2008/QĐ-UBND và Quyết định số 11/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh, với số tiền 40,4 tỷ đồng cho 924 hộ dân. UBND tỉnh đã có chủ trương, chủ đầu tư hỗ trợ 50% kinh phí và 50% còn lại địa phương giải quyết hỗ trợ bằng đất sản xuất. UBND huyện A Lưới đã phối hợp với chủ đầu tư tiến hành phê duyệt giá trị hỗ trợ 50% tiền mặt và đã chi trả xong số tiền hơn 23,6 tỷ đồng cho 924 hộ dân bị ảnh hưởng. Riêng việc đổi 400 ha đất sản xuất cho 924 hộ dân đến nay do khó khăn về quỹ đất nên vẫn chưa thực hiện được.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dubai và nhiệm vụ dọn dẹp thành phố quy mô lớn sau lũ

Dubai, một thành phố trên sa mạc nổi tiếng về vẻ đẹp hiện đại phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là dọn sạch những con đường bị ngập nước và “giải cứu” những ngôi nhà chìm trong nước 2 ngày sau khi một cơn bão kỷ lục quét qua khiến Dubai hứng chịu những trận mưa lớn, với lượng mưa trong một năm đã đổ xuống chỉ trong một ngày.

Dubai và nhiệm vụ dọn dẹp thành phố quy mô lớn sau lũ
Khám bệnh, cấp thuốc cho 500 người dân Quảng Điền

Ngày 10/12, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng mưa lũ ở Quảng Điền.

Khám bệnh, cấp thuốc cho 500 người dân Quảng Điền
Lũ dâng trên các sông, thủy điện tăng cường điều tiết

Sáng 2/12, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, từ 19 giờ ngày 30/11 đến 7 giờ ngày 2/12 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa, mưa to và mưa rất to, lượng mưa phổ biến 150-300mm có nơi cao hơn như Thủy điện Rào Trăng 4 358mm; Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Điền) 356mm.

Lũ dâng trên các sông, thủy điện tăng cường điều tiết
Chiếc ghe ở phố

Chú T. là bạn của ba tôi. Nhà có điều kiện nên tậu được biệt thự to ở An Cựu City. Đẹp, tiện nghi và sang trọng. Cha con tôi ghé thăm được chú khoe đủ thứ. Không có chi lạ trong mua sắm, chỉ ngạc nhiên là chiếc ghe được chú giới thiệu rất rành rọt, được cất kỹ ở tận tầng ba. Chú bảo, lạ lắm phải không, sắm chiếc ghe là để khi lụt to có phương tiện mà đi lại. Rồi chú giải thích, thường khi có lụt, đường sá trong vùng đều bị úng ngập, vậy nên chỉ có ghe xuồng là hữu hiệu nhất.

Chiếc ghe ở phố
Return to top