ClockThứ Tư, 27/11/2019 14:26

Nơi lưu bóng người cha thân yêu

TTH - Tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ, xã Phú Dương (Phú Vang) hôm ấy, gương mặt các cô cậu học trò rạng rỡ. Với hoạt động tái hiện những bài học lịch sử, các em được mặc áo dài xưa, viết thư pháp, “hóa thân” làm học trò của cụ Nguyễn Sinh Sắc - người cha thân yêu, người thầy đầu tiên của Bác Hồ.

Một nhân cách lớn

Học sinh Trường THCS Phú Dương viết thư pháp bên bộ phản gỗ ngày xưa cụ Nguyễn Sinh Sắc dạy học trò

Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trường THCS Phú Dương tổ chức hoạt động tìm hiểu, khám phá tại di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ, với những nội dung: vẽ tranh về Bác Hồ, viết thư pháp, ghép mảnh hình về các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những câu hỏi: “Cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thi Hội lần thứ 2 vào năm nào?”, “Khi về dạy học tại làng Dương Nổ, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã sống tại nhà của ai?”, “Người thầy đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai?”..., được đặt ra để các em học sinh cùng nhớ lại và lưu giữ vào kiến thức, tình cảm của mình về những năm tháng mà người cha thân yêu của Bác Hồ sống, dạy học tại làng Dương Nổ.

Cũng nơi đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã học chữ nhân, chữ nghĩa, lòng yêu nước, thương những người dân lầm than, bất hạnh từ người thầy đầu tiên là thân sinh của Người.

Trong ngôi nhà tranh cách đây 120 năm, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã dạy học cho con cháu người dân trong làng. Những cô, cậu học trò được mặc áo dài, khăn đóng kiểu xưa, nắn nót viết thư pháp. Giờ đây, các học sinh được ngồi xung quanh 2 tấm phản gỗ gõ đơn sơ mà ngày xưa cậu bé Nguyễn Sinh Cung và các học trò của cụ Sắc từng ngồi nghe cụ giảng bài.

Em Đinh Nữ Đông Nghi (lớp 9) bày tỏ, được tham gia hoạt động ngoại khóa cùng các bạn, em rất xúc động và vinh dự, tự hào khi được hiểu biết, cảm nhận một cách gần gũi, sống động về những tháng ngày Bác Hồ và cụ thân sinh gắn bó với làng Dương Nổ.

Theo anh Lê Văn Hà, Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hàng năm, vào nhiều dịp, đơn vị phối hợp với các trường học trên địa bàn xã Phú Dương và các xã lân cận tổ chức hoạt động tìm hiểu, khám phá tại di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nổ thông qua nhiều nội dung, hình thức sống động. Qua đó, bồi đắp một cách sâu sắc tình cảm cho thế hệ con cháu đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và người cha kính yêu của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Hai năm (1898-1900) sống và dạy học ở làng Dương Nổ, thầy Nguyễn Sinh Sắc không thu học phí đối với học trò. Tài năng và đức độ của ông được người dân địa phương vô cùng quý mến, kính trọng.

Gia đình các học trò với tấm lòng kính trọng và biết ơn, vào ngày mùa, lễ, tết, thường đem gạo, nếp, hoa quả kính thầy. Cũng trong thời gian này, cụ Sắc đã dạy cho con trai Nguyễn Sinh Cung chữ Hán, góp phần mở ra nhãn quan mới về nhận thức của Người.

Anh Lê Văn Hà chia sẻ, khi hướng dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nổ, bên cạnh giới thiệu cuộc sống, kỷ niệm của Bác thời gian gắn bó nơi đây, anh và các đồng nghiệp không quên giới thiệu, truyền cảm xúc về sự ảnh hưởng quan trọng của người cha kính yêu, người thầy đầu tiên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - cụ Nguyễn Sinh Sắc. Để khi chia tay, du khách sẽ nhớ đến Dương Nổ êm đềm đẹp đẽ bên dòng sông Phổ Lợi bằng một tình cảm sâu sắc.

Và người dân nơi đây, đặc biệt là thế hệ con cháu càng thêm tự hào về mảnh đất Dương Nổ, biết gìn giữ tình cảm thiêng liêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thân phụ kính yêu của Người.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vì đàn em thân yêu

Tạo sân chơi cho các em đội viên, thiếu nhi trên địa bàn toàn huyện, Hội đồng Đội huyện Quảng Điền đã thực hiện công trình “Sân chơi cho em” và nhiều hoạt động, mô hình thiết thực.

Vì đàn em thân yêu
Return to top