ClockThứ Sáu, 02/12/2016 13:26

Nơi nào khó, có bác sĩ Dũng

TTH - Gần 20 năm qua, bác sĩ trẻ Lê Tấn Dũng đã lặng thầm giữa muôn vàn gian khó để chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc vùng cao huyện Nam Đông. Hiện, bác sĩ Dũng là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Long, địa bàn xa nhất của Nam Đông.

Dấn thân

Nhà Dũng ở đường Điện Biên Phủ, T.P Huế. Năm 1998, Dũng tròn 22 tuổi, tốt nghiệp y sĩ đa khoa, Trường cao đẳng Y tế Huế. Trong lần dạo chơi với bạn bè, nghe thông tin huyện Nam Đông thiếu cán bộ y tế, Dũng quyết định lên Nam Đông.

Bác sĩ CK I Lê Tấn Dũng khám và tư vấn sức khỏe cho người dân tại Trạm y tế xã Thượng Long

Có mặt tại thị trấn Khe Tre, Dũng được lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Nam Đông giao nhiệm vụ về công tác tại Trạm Y tế xã Hương Hoà. Trạm y tế bấy giờ là căn nhà tạm bợ, nằm xa dân và chỉ có hai cán bộ y tế. Dũng và một nữ y tế ở thị trấn Khe Tre lên. Ban ngày khám bệnh, ban đêm một mình, dưới ngọn đèn dầu leo lét, nằm nghe tiếng thú rừng kêu. Đang ở phố xá đông vui, đầy đủ mọi thứ, nhưng khi lên Hương Hòa, Dũng cảm thấy hẫng hụt. Thế nhưng, chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân địa phương, Dũng đấu tranh tư tưởng gạt bỏ ý định không quay về Huế nữa.

Thời điểm này, hàng ngày người dân Hương Hoà nhìn thấy một thanh niên trẻ miền xuôi xách hộp đựng vắc-xin đến từng gia đình để tiêm cho trẻ em. Thời kỳ đó, đi đến từng nhà không thuận lợi như giờ, bởi đường sá cách trở. Nhà này cách nhà kia cả cây số. Hoàn thành một đợt tiêm chủng là Dũng mừng như “thắng trận”. Hết chiến dịch tiêm phòng, Dũng lại bận rộn khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bà con. Ban đêm, Dũng đến từng nhà để vận động, tuyên truyền bà con mỗi khi đau ốm nên đến Trạm y tế chứ không nên đi cúng bái. Nhờ sự nhiệt tình với dân bản, bà con đã nghe theo Dũng.

“Bén duyên” với người dân Hương Hòa hai năm, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện vận động Dũng lên Trạm Y tế xã Thượng Quảng. Đây là địa phương gần như xa nhất và còn nhiều khó khăn của Nam Đông. Dũng nói: “Hồi đó, nơi nào khó khăn, cần người là lãnh đạo ở Trung tâm lại nghĩ đến Dũng”. Tại Thượng Quảng, Dũng lại tiếp tục đương đầu với những khó khăn, không điện, không nước sinh hoạt, đường đi chỉ toàn đá sỏi, gập ghềnh. Trạm chỉ có 2 cán bộ, Dũng và một nữ hộ sinh. Đúng thời điểm Dũng về, cán bộ nữ hộ sinh đi nâng cao nghiệp vụ ngắn hạn. Vậy là Dũng phải gánh tất cả mọi việc. Lúc đó, bà con ở nơi đây sinh nhiều, bình quân mỗi tháng có từ 15-20 trường hợp sinh nở phải nhờ đến trạm. Dù chuyện thai sản, sinh nở lúc này đều đăng ký tại Trung tâm Y tế huyện nhưng do bà con không chuẩn bị chu đáo, đường sá cách trở nên phần lớn đều nhờ đến Dũng. Mà trạm thì thiếu người, thiếu trang thiết bị y tế, nên trách nhiệm dồn hết lên vai Dũng. Trường hợp thai sản chuyển dạ vào ban ngày thì không sao, nhưng về đêm Dũng lo sốt vó, cầu cứu thêm người nhà sản phụ. Có trường hợp đưa vào trạm đột suất, trời tối om, Dũng phải huy động những chiếc đèn pin để chiếu sáng. Không biết bao nhiêu trẻ đã ra đời an toàn dưới bàn tay khéo léo của Dũng.

Chuẩn nghề, thương trẻ…

Năm 2001, Dũng thi đỗ vào Trường đại học Y Dược Huế, hệ tập trung 4 năm. Sau 4 năm học, Dũng về làm việc tại Khoa Nội, Trung tâm Y tế huyện Nam Đông. Thế nhưng trong dịp tổng kết ngành Y tế huyện vào năm 2005, nghe xã Thượng Long, địa phương xa nhất của huyện có hơn 50% trẻ em bị suy dinh dưỡng (SDD), Dũng đề nghị lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện điều lên công tác ở xã Thượng Long. Đúng lúc này, xã Thượng Long chưa có bác sĩ, nên lãnh đạo trung tâm đồng ý, quyết định điều Dũng làm Trạm trưởng Y tế xã. Dũng nói, dịp này anh lại quyết định thêm một việc hệ trọng trong đời là cưới vợ. “Thực tình khi lấy vợ em chẳng có một đồng, phải đi vay ngân hàng. Nhân tiện, em liều xin vay thêm sắm luôn chiếc xe máy. Đến năm 2010 mới trả nợ xong” - Dũng cười.

Chia tay vợ mới cưới, trở lại “quê mới” Thượng Long, Dũng lại gặp muôn vàn khó khăn. Đường không, điện không. Hầu hết bà con ở đây là dân tộc Cơ-Tu, sống dựa vào nương rẫy, cây rừng. Thời điểm này, dịch sốt xuất huyết, sốt rét hoành hành, Dũng mạnh dạn đề xuất với chính quyền xây dựng phương án phòng dịch bệnh; đồng thời tham mưu đưa tiêu chí hạ tỷ lệ trẻ SDD vào Nghị quyết của HĐND xã để phấn đấu. Có “phao” trợ giúp từ chính quyền, Dũng phối hợp các ban ngành, đoàn thể tổ chức những chiến dịch vệ sinh môi trường làng, bản, xóm thôn. Ngoài công việc ở trạm, lúc rỗi Dũng lại đến từng nhà tuyên truyền vận động bà con thôn bản giữ gìn vệ sinh môi trường, quét nhà, uống nước phải đun sôi, ngủ mắc màn để tránh muỗi... Mưa dầm thấm lâu, tình trạng mất vệ sinh môi trường được hạn chế. Cùng với tuyên truyền vệ sinh môi trường, Dũng tìm cách hạn chế tỷ lệ trẻ em SDD. Thắt lòng khi lại chứng kiến những bữa ăn của các gia đình toàn các loại rau rừng và muối trắng, Dũng đã giải bài toán bằng cách mời các cô giáo mầm non, tiểu học hướng dẫn, vận động phụ huynh chế biến món ăn dinh dưỡng trong bữa cơm gia đình. Ngoài ra, mỗi lần về Huế, Dũng lại xin áo quần cũ của bà con, hàng xóm mang lên cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hễ lúc nào Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn phòng chống SDD, Dũng đều gửi các cô dạy mẫu giáo của xã tham gia. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ SDD của xã giảm dần qua từng năm. Năm 2008, Thượng Long cũng lọt vào danh sách của huyện Nam Đông đạt chuẩn quốc gia về Y tế. “Quả ngọt” này có công rất lớn của bác sĩ Dũng.

Năm 2009, Dũng tiếp tục theo học lớp Bác sĩ CK1 Y học gia đình. Trạm Y tế xã Thượng Long trở thành một trong những địa chỉ vùng khó khăn có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị y tế. Cùng với cơ ngơi ấy là tấm lòng bác sĩ Dũng tiếp tục thắp lên niềm tin, phòng chống dịch bệnh và đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con nơi đây.

Khi chia tay, hỏi Dũng đã nghĩ chuyện về xuôi?. Dũng cười, đó là do công tác tổ chức của ngành. Bây giờ giữa Huế và Thượng Long lên về như đi chợ. 20 năm qua em đã sống, đã gắn bó được nơi rừng thiêng nước độc, nên bây giờ chuyện ấy mình không bận tâm nữa...

Bác sĩ CK II Hồ Thư, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đông nhận xét, Bác sĩ Lê Tấn Dũng là người giàu lòng nhân ái, sống và làm việc có trách nhiệm không quản khó khăn, vất vả. Nhân cách sống, lòng yêu nghề đã giúp bác sĩ Dũng gắn bó gần 20 năm ở vùng sâu, vùng xa.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top