06/12/2010 - 05:03

Nơi người bệnh gửi gắm lòng tin

TTH - “Trong một dịp về thăm nuôi người thân ở Bệnh viện Trung ương Huế, hình ảnh tập thể cán bộ, y, bác sĩ ở nơi đây đã cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Để minh chứng về ấn tượng đó là cả một quá trình xâu chuỗi về trường hợp của em Nguyễn Trung Quân, ở Quảng Bình mà tôi đã được nghe và chứng kiến”.

Gian nan trong kiếp nạn bị hại...

Em Nguyễn Trung Quân, 19 tuổi, ở thị trấn Đồng Lê - huyện Tuyên Hóa - tỉnh Quảng Bình. Trong buổi chiều ngày 5/11/2010, em Quân cùng người cháu họ tên Tùng đi thăm người thân của Tùng ở xã Kim Hoá (một xã khác cùng huyện), không may bị hai tên trai làng nhận nhầm người, đột kích cầm gậy gộc xông ra chặn xe máy đánh tới tấp. Kết quả hai nạn nhân phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Em Tùng bị thương nhẹ, còn em Quân bị đánh vào đầu vết tích chấn thương quá nặng, do ảnh hưởng đến não nên tay trái của em bị liệt hoàn toàn. 22h cùng ngày bệnh viện huyện phải gấp rút điều động xe cấp cứu chuyển lên tuyến tỉnh.
 
Tại Bệnh viện Cu Ba, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), ở thời điểm đó không may thiết bị máy chụp city bị hỏng... trong đêm mưa gió của cơn lũ lịch sử vừa đi qua, ba mẹ em đưa em đi chụp city ở phòng khám dịch vụ. Sau đó lại đưa em về bệnh viện tỉnh để nhập viện. Tại đây, sau khi xem xét kết quả bác sĩ chẩn đoán: chấn thương sọ não nặng (trong não có máu tụ, vỏ não bị nhũn). Một lần nữa bệnh viện tỉnh lại ký quyết định chuyển tuyến vào Bệnh viện TW Huế. Gia đình em hoang mang bởi trong một đêm gia đình em lần lượt phải tiếp xúc với 3 bệnh viện mà chưa có dấu hiệu nào khả quan.
 
Tiếng còi hú chạy trong đêm mưa, đến bây giờ vẫn là nỗi ám ảnh “giật thót tim” mỗi lần mẹ em Quân nhớ lại. Sau hơn 3 giờ đồng hồ xe cấp cứu đã đưa em Quân vào Bệnh viện TW Huế. Phòng Cấp cứu bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân và nhanh chóng làm các thủ tục khám bệnh kịp thời. Em Quân được đưa vào chụp city lần 2 cũng là lúc trời bắt đầu rạng sáng.
 
Những tấm lòng y đức
 
Trong khi chờ kết quả hội chẩn của Khoa Ngoại thần kinh, vì quá nóng vội và lo lắng trước cảnh kêu la, đau đớn, cầu cứu của cậu con trai yêu quý, gia đình em bắt đầu ngờ vực, tự nhủ: lẽ nào trường hợp của con mình quá nặng mà bác sĩ đang ngần ngại, nén lại chưa thông báo cho hay; rồi nhìn nửa ngày trôi qua trong sự tĩnh lặng của phòng bệnh... gia đình em càng thêm lo âu. Bỗng nhiên gia đình em nảy ra ý định đi tìm bác sĩ “choàng áo trắng” ngoài bệnh viện nhờ xem kết quả city chụp lần 2. Sau khi xem xong người đó phán một câu xanh rờn: “trường hợp này cả thế giới bó tay” – nghe tin đó gia đình em “chết lặng người”, từ từ rơi vào trạng thái hoang mang, xót xa, không lối thoát. Đến bây giờ gia đình em vẫn còn bị sốc và không muốn nhớ tên người bác sĩ kia.
 

Một ca phẫu thuật ở Bệnh viện Trung ương Huế
 
Gia đình em bàn bạc và quyết định thuê xe chuyển em Quân ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), với hy vọng “còn nước còn tát”. May mà cứu chữa được bệnh tình của em. Trên đường đi thuê xe, gia đình em được gặp anh Nam làm trong đội xe cấp cứu của bệnh viện. Sau khi trao đổi về kinh phí và lộ trình chuyến đi, anh quan tâm thăm hỏi tình trạng bệnh của bệnh nhân. Gia đình em cũng bộc bạch rõ bệnh tình của bệnh nhân nhà mình. Nghe xong anh ngạc nhiên thốt lên: “Chú ơi! Những ca chấn thương não như con trai chú ở đây mổ được. Với lại từ trước đến giờ Bệnh viện Huế đã tiếp nhận và chữa khỏi rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương sọ não như thế này”. Nói xong anh nhiệt tình khuyên gia đình em tiếp tục ở lại chữa trị ở Huế; đồng thời anh giới thiệu cho gia đình em được gặp bác sĩ Ngân – Phó Khoa Ngoại thần kinh, một trong những bác sĩ phẫu thuật giỏi của bệnh viện. Mặc dù ngày hôm đó không phải là ca trực của bác sĩ Ngân nhưng khi nghe thông tin cần giúp đỡ, bác sĩ đã nhiệt tình lên khoa thăm khám cho em Quân. Được gặp bác sĩ giỏi của bệnh viện, gia đình em không giấu nổi niềm vui. Theo lời giải thích của bác sĩ, gia đình em hoàn toàn yên tâm làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
 
Trong đêm hôm đó, gần 2 giờ sáng tình trạng bệnh của em Quân có chiều hướng diễn biến xấu hơn. Đội ngũ y, bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh chu đáo tiến hành, áp dụng nhanh các biện pháp chuyên khoa, chụp city lại; đồng thời thông báo lại tình hình diễn biến bệnh. Bác sĩ Ngân đã quyết định mổ ngay cho em Quân. Ca mổ đã thành công trong niềm vui khôn tả của cả gia đình. Rời phòng mổ em Quân được chuyển lên phòng hồi sức - cấp cứu. Nhìn guồng máy làm việc miệt mài, chăm sóc bệnh nhân tận tuỵ, có tinh thần trách nhiệm cao, với phương châm “Ở chăm sóc ân cần - Về dặn dò chu đáo” nhờ vậy mà khoa này đã để lại một niềm tin tuyệt đối trong lòng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
 
Sau “ba ngày hôn mê, bốn ngày tỉnh lại” được sự chăm sóc ân cần, chu đáo cuả cả hai khoa, em Quân đã dần hồi phục.
 
Muôn vàn lời cảm ơn
 
Trước cánh cửa tử thần, may mắn thay em Quân đã được cứu sống bằng những tấm lòng y đức, nhân ái của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế. Điều đáng trân trọng nữa, trong cuộc sống thực dụng của cơ chế thị trường nhưng ở đây không mảy may có sự toan tính vụ lợi, cái tình giữa con người và con người sống cưu mang nhau thật đáng nể. Như anh Nam - trong đội xe cấp cứu của bệnh viện; anh luôn tâm niệm: “Làm phúc giúp người là niềm vui”. Ngoài ra, là người sâu sát với những ca bệnh cấp cứu, anh cũng biết được những ca nào cần chuyển tuyến hay không...
 
Trong những ngày thăm nuôi bệnh nhân ở bệnh viện, được chứng kiến sự nhiệt tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ; một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao; cơ chế vận hành bộ máy làm việc khoa học; trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh hiện đại... đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu trong công tác chữa trị. Qua đây, gia đình em Quân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, mãi khắc ghi những nghĩa cử cao đẹp về Bệnh viện Trung ương Huế, đặc biệt Khoa Ngoại thần kinh và Khoa Hồi sức cấp cứu.
 
Lệ Quyên (Đài PT Tam Đảo - Vĩnh Phúc)
Chia sẻ bài viết


ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP