ClockThứ Bảy, 19/06/2021 12:32

Nơi tái hiện lịch sử báo chí & giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

TTH - Không chỉ nhằm tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc và cứu quốc của dân tộc ta, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam (BTBCVN) còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa, những giá trị tốt đẹp của dân tộc…

Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế tham gia hiến tặng tài liệu, hiện vật cho BTBCVN

Đã một vài lần trực tiếp làm việc với chị Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc BTBCVN cùng một số cán bộ của bảo tàng khi họ đến Huế vận động sưu tập hiện vật báo chí để trưng bày, nhưng mãi đến gần đây, sau gần 1 năm kể từ ngày BTBCVN mở cửa, tôi mới có dịp ra Hà Nội và được bước chân vào làm khách tham quan.

Khác với những gì mường tượng trước đó, BTBCVN hiện ra trước mắt tôi một cách hoành tráng, lớp lang, hiện đại và có chiều sâu. Trên diện tích rộng đến 1.500m2 trải suốt 2 tầng lầu trong tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), hơn 20.000 hiện vật, tài liệu, trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm đã được tổ chức trưng bày thành năm phần nối kết nhau: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 - 1925, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 và Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay. Các không gian trưng bày được bố trí, khai thác triệt để trên những dạng thức khác nhau: trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay... Bảo tàng cũng áp dụng các giải pháp công nghệ để phục vụ tối đa nhu cầu tham quan của công chúng.

Gian trưng bày Báo chí yêu nước & cách mạng

Đi qua những không gian trưng bày, lịch sử báo chí đất nước như lần lượt hiện ra trước mắt, bắt đầu từ những ngày sơ khởi của báo chí quốc ngữ, cho đến những trang báo cách mạng đầu tiên với dấu ấn của người đặt nền móng và dẫn dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chúng tôi cũng đã lặng người trước hành trang và công nghệ làm báo đơn sơ nhưng thật anh hùng, thật vĩ đại của những người làm báo tiền bối qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Hoạt động báo chí của họ đã góp phần đắc lực làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, một Đại thắng Mùa Xuân 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quét sạch bóng quân thù thu giang san về một mối, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên của độc lập tự do và CNXH.

Thăm và đối diện với những hiện vật, những câu chuyện kể từ BTBCVN, những người làm báo của thế hệ chúng tôi hôm nay thấy mình thật may mắn khi được làm báo trong môi trường hòa bình, trong điều kiện công nghệ và vật chất sung túc, hiện đại. Rồi tự vấn trách nhiệm của mỗi người, phải làm sao để không hổ thẹn với công lao, với cống hiến của các thế hệ làm báo cha anh, của các nhà cách mạng tiền bối.

Tượng của các nhà báo tiền bối

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh lúc đó đang là Phó Chủ tịch nước, tại lễ khánh thành BTBCVN nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo VN, 95 năm Ngày Báo chí cách mạng VN (2020), đã nhận xét rất xác đáng khi cho rằng, các không gian trưng bày của BTBCVN không chỉ nhằm tái hiện lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc và cứu quốc của dân tộc ta, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ người làm báo VN, lưu giữ và phát huy những giá trị di sản báo chí, mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa, những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ.

Được biết, BTBCVN cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với hai cơ sở đào tạo báo chí lớn là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nội dung tập trung vào việc đào tạo và trao đổi học thuật cũng như thực tiễn hoạt động nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ lẫn nhau về giảng dạy…

Hôm chúng tôi ghé thăm, cô nhân viên thuyết minh tại bảo tàng cho hay, BTBCVN vẫn thường xuyên đón các bạn trẻ là sinh viên báo chí hoặc quan tâm báo chí đến tham quan, học hỏi, tra cứu tài liệu. Nếu BTBCVN có thể thực sự trở thành “giảng đường thứ hai với những sinh viên, học viên báo chí, và còn là một điểm đến du lịch” như lãnh đạo của bảo tàng dự báo và mong muốn, thì đó quả thật sẽ là tín hiệu hết sức đáng phấn khởi. Vì lúc ấy BTBCVN sẽ là một địa chỉ sống, các tư liệu, hiện vật sẽ có cơ hội quy tụ ngày mỗi nhiều; quan trọng hơn, những giá trị di sản, giá trị giáo dục của BTBCVN cũng sẽ ngày càng phát huy, lan tỏa.

Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg về việc thành lập BTBCVN. Bảo tàng thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền BCVN. Bên cạnh đó, bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa BCVN. Bảo tàng đã chính thức khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên và đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020.

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

Trước thềm Diễn đàn với 12 phiên họp khai mở, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung cũng như kỳ vọng về Diễn đàn Báo chí Toàn quốc trong khuôn khổ “Hội Báo toàn quốc 2024”. Diễn đàn với 12 phiên thảo luận nhiều vấn đề cấp thiết đặt ra với báo chí đang được kỳ vọng mở ra con đường mới cho các cơ quan báo chí thích ứng và phát triển, phục vụ và đóng góp đắc lực cho quốc gia, dân tộc.

Thúc đẩy báo chí thích ứng, đổi mới mạnh mẽ

TIN MỚI

Return to top