ClockThứ Năm, 29/03/2012 06:22

Nói và làm

TTH - Những năm 80, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có hàng loạt bài báo đăng trên Báo Nhân Dân với bút danh NVL. Đây là một chuyên mục mà bạn đọc yêu thích, nhắc nhở mọi ngành, mọi cấp về những việc cần làm ngay. Với chuyên mục “Những việc cần làm ngay” Cố Tổng Bí thư muốn nhắc nhở cán bộ, đảng viên về phương châm sống, phương châm lãnh đạo của người cán bộ và các cơ quan, đơn vị.

Nói và làm là một đòi hỏi mang tính xã hội, chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ thông tin với hệ thống các phương tiện truyền thông có mặt khắp mọi nơi. Hình ảnh và những lời nói hằng ngày đập vào mắt vào tai chúng ta. Dù muốn hay không chúng ta buộc lòng phải thấy sự khập khiễng giữa lời nói và việc làm đang diễn ra quanh cuộc sống, sinh hoạt thường nhật.

 

Trên đường phố, cảnh xe cộ tấp nập, rẽ ngang rẽ tắc không theo một luật lệ nào, rồi thì lòng đường, vỉa hè, chợ cóc, chợ chạy chiếm choáng lòng lề đường, hàng hóa bày bán trên vỉa hè đường phố... Cảnh sát giao thông có mặt trên các tuyến đường nhưng hình ảnh nêu trên không hề giảm bao nhiêu. Trong khi đó, chúng ta có Nghị định của Chính phủ về lập lại trật tự giao thông lòng, lề đường phố. Cán bộ, đảng viên chúng ta luôn nhắc câu “Chính quyền của ta là của dân, do dân, vì dân”. Thế nhưng tại sao khi người dân đến các cửa quan vẫn phải gặp những bộ mặt lạnh tanh, những câu trả lời nhát gừng, những kiểu hẹn, chờ lần lữa như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân.

 

Bao nhiêu năm chúng ta thường nói đến quyết tâm bài trừ nạn tham nhũng, nhưng tham nhũng ngày một đâm thêm nhiều nhành ngọn, vụ sau to hơn vụ trước, đến mức nó đã trở thành quốc nạn. Nâng cao chất lượng dạy và học, giáo dục là quốc sách được nhấn mạnh nhiều lần nhưng chuyện buồn trong ngành giáo dục về chất lượng dạy và học cứ diễn ra. Nào là sách giáo khoa viết sai, in sai; ra đề thi nhầm lẫn, lộ đề thi, bằng giả, học giả bằng thật. Có thể minh chứng, liệt kê nhiều việc mà độ vênh giữa lời nói và việc làm cứ đập vào mắt chúng ta. Nào là “Lương y như từ mẫu”; “Sống và làm việc theo pháp luật”; “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân”...

 

Khi lời nói không đi đôi với việc làm đã trở thành căn bệnh thì niềm tin trong xã hội ngày một giảm sút. Tại sao nói không đi đôi với làm? Ai cũng hiểu vì nói dễ hơn làm. Nói dễ vì chỉ là phát ngôn về một vấn đề gì đó, định hướng một công việc nào đó. Nhưng trong đời sống xã hội nói không hề dễ chút nào. Lời nói như ông cha ta từng răn dạy: Lời nói đọi máu. Ngày nay, nói được định danh là phát ngôn. Phát ngôn là công việc quan trọng. Các tổ chức chính trị, xã hội thường cử ra người phát ngôn, thay mặt cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin chính thống của ngành, đơn vị mình. Như vậy, nói dễ mà chẳng hề dễ chút nào. Vì muốn phát ngôn chính xác, có thông tin, người phát ngôn phải nắm chắc vấn đề, có quan điểm chính trị đúng với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Còn làm như chúng ta biết, nó khó hơn. Bởi làm là phải hành động, có kế hoạch, có biện pháp, có quyết tâm, tốn công, tốn sức...

 

Lên án tham nhũng thì dễ nhưng chống nó thì khó hơn nhiều, đòi hỏi sự dũng cảm, hy sinh lớn lao. Vì đây là cuộc đấu tranh với người sống bên ta, với đồng chí, đồng đội và chính với bản thân ta. Tham nhũng là căn bệnh phổ biến của nhiều nước. Thế giới lên án nó cũng nhiều nhưng chống nó thì còn phải tiếp tục theo thời gian. Hội nghị chống tham nhũng quốc tế lần thứ 14 có thông điệp “Niềm tin sẽ được khôi phục, nếu theo sau những tuyên bố mạnh mẽ là hành động cụ thể”.

 

“Nói thì phải làm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương của sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói và hành động. Bác căn dặn, muốn hướng dẫn nhân dân thì mình phải làm mực thước. “Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... Phải thật thà nhúng tay vào việc”. Bác rất quan tâm đến việc rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên, đến lời nói đi đôi với việc làm. Bác sống giản dị, từ lời nói đến việc làm. Tác phong giản dị của Bác mang lại sự gần gũi, một ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Bác đã đi xa hơn 42 năm nhưng tấm gương đạo đức của Người luôn nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục học tập và làm theo. Bài giảng về “Nói thì phải làm” của Hồ Chủ tịch còn nguyên giá trị.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay, nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân đã làm tốt những lời Bác dạy. Nhiều tấm gương tiêu biểu về sự hy sinh, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... Đó là những con người luôn tiên phong trong học tập lao động sản xuất và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhận thấy rằng còn có không ít cán bộ, đảng viên vẫn chưa làm đúng những lời Bác dạy. Đáng lưu tâm là nói chưa đi đôi với làm, nói nhiều nhưng làm thì ngược lại.

Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top