ClockThứ Sáu, 16/04/2021 13:38

Nón lá “du hành” cùng Tin Tin

TTH - Từ năm 2015 đến nay, Lê Văn Tiến (thường được gọi với tên Tin Tin) đã đến thăm 8 quốc gia và hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Đồng hành cùng anh là chiếc ba lô, máy ảnh, những bộ quần áo rực rỡ và thật ngạc nhiên, còn có “người bạn” nón lá.

Bạn đã check-in những nơi này chưa?Check-in tếtThêm điểm check-in mới

Lê Văn Tiến giới thiệu nón lá Việt Nam bên đền tháp Thái Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Nón lá cùng hành trình của Tin”

Là tên trang fanpage, đồng thời là điểm đặc trưng mà Lê Văn Tiến được phân biệt với những hướng dẫn viên (HDV) du lịch khác. Mọi người gọi Tiến là chàng trai nón lá, bởi suốt hàng chục nghìn km hành trình trong 6 năm qua, người bạn đồng hành cùng Tiến là chiếc nón lá Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên tại Hương Thọ (Hương Trà), cuộc sống của Tiến xoay vòng với hành trình sáng đi học, chiều bám lưng trâu. Nhà gần lăng vua Minh Mạng, chiều nào tắm cho trâu trên sông anh cũng hay bơi ra giữa dòng vẫy chào các du khách nước ngoài. “Cuộc sống khó khăn lắm nhưng mình luôn mong ước được thăm và khám phá đất nước của họ”, Tiến nói.

Ước mơ thuở nhỏ được vun vén, năm 2015, Lê Văn Tiến bắt đầu làm bạn với chiếc nón lá trên những chặng đường du lịch. Anh kể: “Mình đến với nón lá bắt đầu cũng bởi sự tình cờ. Thời điểm ấy tóc mình khá xấu, chụp ảnh không đẹp nên chiếc nón được dùng để tạo kiểu. Với một HDV quốc tế (mỗi năm dẫn vài ngàn khách từ các nước khác nhau) và thấy ai cũng thích đội chiếc nón lá truyền thống Việt Nam, mình nhận ra chiếc nón không chỉ là “cứu cánh” cho mái tóc”.

từ năm 2015, khi lang thang qua 4 nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore trong 44 ngày; hay đến nay, khi đã đặt chân đến tổng cộng 8 quốc gia với chuyến lâu nhất kéo dài 108 ngày, cũng như hành trình khám phá hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam, Lê Văn Tiến và chiếc nón lá luôn song hành cùng nhau.

Check – in muôn nơi

Lê Văn Tiến đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong những chuyến hành trình cùng nón lá. Đồng nghĩa với đó là việc đối diện với những thử thách và cảm xúc òa vỡ niềm vui, hạnh phúc khi được tìm hiểu, khám phá những điều mới mẻ. Anh chia sẻ: “Khó khăn là không thể tránh khỏi. Như lúc mình gặp tai nạn ở Lombok (Indonesia) do bị một thiếu niên chạy xe máy tốc độ cao tông phải”.

Bị hất văng ra khỏi xe, Tiến được người dân chở đến bệnh viện. Xương ống chân của anh gãy đôi, cơn đau giày vò, nhưng giữa lúc gian nan ấy, nỗi lo chấm dứt hành trình khám phá còn lấn át cả cảm giác cô độc nơi xứ người. Anh chia sẻ: “Từ tai nạn này, mình nhận ra ước mơ nếu cứ trì hoãn thì mãi sẽ không bao giờ thực hiện được. Cũng như không phải lúc nào những chuyến đi đều suôn sẻ. Đó là động lực thúc đẩy mình quyết tâm hơn nữa để hoàn thiện các mảnh ghép cho một thanh xuân rực rỡ”.

Trang fanpage của Tiến không chỉ chia sẻ niềm đam mê du lịch cùng chiếc nón truyền thống. 9X xứ Huế còn bật mí những kinh nghiệm quý báu khi thăm thú các nơi. Như hành trình chinh phục ngọn núi lửa Kawah Ijen ở Indonesia, nơi được mệnh danh là hồ axit lớn nhất thế giới.

Không phải là chuyến leo núi dành cho những tâm hồn lãng mạn, Kawah Ijen chào đón du khách bằng cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm với chuyến đi bắt đầu từ 1h sáng. Lê Văn Tiến nói: “Leo núi Kawah Ijen với độ cao không phải dạng vừa sẽ gây khó khăn cho người thể trạng không tốt. Cần cẩn trọng với mặt nạ phòng độc, phải kiểm tra một lượt, nên mang theo mặt nạ dự phòng cũng như kính bảo hộ để bảo vệ mắt…”.

Kế hoạch du lịch của Tiến vẫn đang đầy ắp tên các quốc gia chưa đặt chân đến. Bởi sau khi bén duyên với chiếc nón, mong ước của Tiến đã thay đổi. Sự thay đổi ấy đến từ những trải nghiệm mà không phải ai cũng dũng cảm trải qua. Từ những tai nạn, những lần bị lạc đến vô số cảnh quanh ngoạn mục nơi xa. Từ những ánh mắt thân thiện, nụ cười vui vẻ của những người bản xứ đến sự thích thú của du khách nhìn thấy chiếc nón- một biểu tượng tuyệt đẹp của Việt Nam.

Nhiều du khách còn ngỏ ý mua lại chiếc nón với giá cao, dù rằng trên hành trình khám phá của Tiến, người bạn đường đặc biệt ấy đã phai màu, lấm tấm bụi đường. Chàng trai xứ Huế nói về kế hoạch sắp tới: “Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, mình sẽ dành thời gian để tự chinh phục các ngọn núi ở Nepal, khám phá văn hoá ẩm thực của Ấn Độ, thăm thú Sri Lanka…Tất nhiên, chiếc nón vẫn sẽ là người bạn thân thiết, và mình sẽ thực hiện ước mơ check – in nón lá khắp nơi”.

Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du hành Cố đô qua Logo

Cuối thu, khi bắt đầu làm việc trực tuyến với các lớp thiết kế đồ họa logo, tôi nhận ra một nhóm sinh viên (SV) chọn làm đề tài về Huế. Và chúng tôi cùng nhau vỡ vạc, đồng hành.

Du hành Cố đô qua Logo
Giữ hồn quê qua nón lá

Tôi vẫn thích ngắm nhìn bàn tay tài hoa của họa sĩ sinh năm 1992, Phan Quang Nhật ở phường Thủy Biều (TP. Huế) mỗi khi đến đây trải nghiệm. Anh có "biệt tài" vẽ nhiều bức tranh phong cảnh trên nón lá giống nhau như một.

Giữ hồn quê qua nón lá
Hồi sinh nón lá từ du lịch cộng đồng

Trong các sản phẩm nghề truyền thống, nón lá trở thành đặc sản văn hóa của du khách khi đến Huế. Cần một hướng đi phù hợp trong việc khôi phục và phát huy hơn nữa nghề chằm nón thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng.

Hồi sinh nón lá từ du lịch cộng đồng

TIN MỚI

Return to top