ClockThứ Năm, 06/10/2016 13:26

Nông dân A Lưới làm kinh tế

TTH - Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện A Lưới đang ngày càng phát triển. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình về phát triển kinh tế, góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn miền núi.

Sau nhiều năm quần quật với đồng ruộng, nương rẫy nhưng vẫn không thoát nghèo, anh Văn Đình Quế, ở xã Sơn Thủy quyết định góp hết vốn liếng và vay thêm người thân để mở trang trại nuôi heo.

Anh Hồ Viên Mười chăm sóc đàn bò ngay trên diện tích rừng trồng của mình

Anh Quế kể: “Nhiều lần đi xuống dưới xuôi, thấy rất nhiều người thành công với các mô hình nuôi heo kiểu mới và mang lại kinh tế cao, nhưng vùng cao A Lưới chưa có ai làm. Nhu cầu heo giống, heo thịt rất lớn nhưng bà con chỉ mới nuôi vài ba con, trong khi nguồn thức ăn trong vùng lại rất phong phú. Thế là tôi quyết tâm tìm đến những trại heo lớn dưới xuôi để tham quan, nghiên cứu thật kỹ rồi bắt tay vào làm”.

Với nguồn vốn ban đầu hơn 50 triệu đồng, anh Quế đầu tư xây dựng 10 chuồng nuôi heo nái bằng sắt thay các chuồng nuôi cũ bằng xi măng. Chi phí mỗi chuồng 4 - 5 triệu đồng. Anh Quế nói rằng: “Mô hình chuồng này chiếm diện tích nhỏ, đảm bảo vệ sinh, hạn chế được dịch bệnh và dễ quản lý khi phối giống, kiểm tra đậu thai. Riêng đối với heo con có rất nhiều ưu điểm như ít bị tiêu chảy, giảm tỷ lệ hao hụt khi đang theo mẹ, heo con khỏe mạnh và cai sữa sớm”.

Chăn nuôi thuận lợi, số tiền lãi anh Quế tiếp tục mở rộng đầu tư xây dựng thêm chuồng trại. Hiện tại, trại heo của anh có gần 130 con, gồm heo nái và heo thịt. Mỗi năm, trại cung ứng khoảng 300 heo giống cho bà con vùng cao và hơn 7 tấn thịt lợn. Năm qua, anh thu lãi từ trại heo này gần 150 triệu đồng. Anh Quế cho biết, đang nghiên cứu mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học để mở rộng quy mô nuôi heo thịt cho trang trại của mình.

Ông Trần Văn Ẩn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thủy bày tỏ: “Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, anh Quế còn được đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tin tưởng trong việc hướng dẫn xây dựng chuồng trại, phương pháp phòng chữa bệnh, phối giống để nhân rộng mô hình chăn nuôi…”.

Anh Hồ Viên Mười (thôn A Hưa, xã Nhâm) cũng là một trong những điển hình vươn lên trong khó khăn.

Anh Mười nhớ lại: Trước đây gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong thôn A Hưa sản xuất không đủ ăn. Mỗi lần đi qua các xã khác thấy gia đình nào chăn nuôi cũng khá giả, gia đình mình có đất đai rộng rãi, có lao động sản xuất mà cứ nghèo mãi cũng buồn. May sao, Hội Nông dân phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và tổ chức tập huấn các lớp khuyến nông về chăn nuôi cho bà con. Thế là, tôi quyết định đi học.

Buổi đầu rất lúng túng, anh được Hội nông dân xã tạo điều kiện vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số vốn 30 triệu đồng, rồi cán bộ khuyến nông hướng dẫn mở rộng diện tích đất sản xuất, tập trung trồng rừng, trồng chuối và chăn nuôi bò, dê, lấy ngắn nuôi dài… Chí thú làm ăn, đến nay gia đình anh Mười đã có 30 ha cây keo, 3 ha chuối, 2 ha tre lấy măng; đàn bò gần 20 con, khoảng chục con dê và trên 100 con gia cầm các loại. Anh Mười phấn khởi: “Năm nay, riêng chăn nuôi tôi thu lãi hơn 150 triệu đồng”.

Chị Hồ Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới nói rằng: Trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hội thực sự coi đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu làm giàu cho nông dân. Hằng năm các tổ chức hội phát động phong trào và mỗi cơ sở hội xây dựng từ 1-2 mô hình kinh tế để hội viên nông dân học tập và làm theo. Các cấp hội cũng đã tín chấp cho hội viên nông dân vay vốn từ ngân hàng chính sách trên 60 tỷ đồng, với 2.743 hộ vay. Qua đó góp phần đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giải quyết việc làm cho hội viên nông dân.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới – Lê Thanh Nam nhận định: Các cấp Hội Nông dân của huyện không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, lấy lợi ích của tập thể và hội viên nông dân làm động lực thực hiện với phương châm 4 cụ thể: xây dựng mô hình cụ thể, đối tượng cụ thể, địa bàn cụ thể, nội dung sinh hoạt cụ thể. Ngoài ra, các cấp hội thể hiện được vai trò tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn hội viên nông dân trong việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay, đồng thời duy trì dự báo ảm đạm trong trung hạn, theo dữ liệu mới được công bố ngày 16/4.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Return to top