ClockThứ Ba, 11/09/2012 13:56

Nông dân Huế trước yêu cầu đô thị hóa

TTH - Phát triển dịch vụ, đưa các loại cây trồng mới có hiệu quả vào sản xuất và tín chấp vay vốn là việc làm được Hội Nông dân (HND) thành phố Huế quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Ghi nhận ở Thủy Biều

 

Cơn mưa đầu mùa không làm ảnh hưởng đến những khu vườn trồng gừng, thanh trà ở phường Thủy Biều (TP Huế). Những bao gừng vẫn phát triển xanh tươi, vườn thanh trà trĩu quả đang mùa thu hoạch... Ông Hoàng Trọng Chúc ở tổ 19, khu vực Trường Đá cho hay: “Trồng gừng là nghề truyền thống của địa phương. Do người dân trồng theo phương thức truyền thống, tự phát, chưa nắm vững kỹ thuật, thường xảy ra sâu bệnh, ngập úng trong mùa mưa lũ nên lâu nay hiệu quả kinh tế thấp... Mới đây, được HND TP Huế tín chấp cho vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, nhiều hộ dân xây dựng mô hình trồng gừng theo phương thức mới (trồng gừng trong bao cát) mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

 

Đặc sản thanh trà Thủy Biều

 

Một số hộ sớm triển khai mô hình, đến nay cho thu hoạch, bình quân 100 bao gừng đạt năng suất khoảng 1 tạ cho thu nhập 6 triệu đồng, lãi khoảng 5,3 triệu đồng. So với phương thức truyền thống, mô hình trồng gừng trong bao cát lãi gấp 4-5 lần. Ông Hoàng Trọng Chúc cho biết, được HND TP Huế tín chấp cho vay 15 triệu đồng; giữa năm 2012 gia đình ông đầu tư trồng 300 bao gừng. Đến nay, những bao gừng của ông phát triển tốt, dự kiến vài tháng nữa cho thu hoạch. Chi phí trồng 300 bao gừng khoảng 2,1 triệu đồng, gia đình ông sẽ lãi gần 16 triệu đồng.

 

Một vườn thanh trà Thủy Biều trĩu quả

 

Ông Võ Khảm, Phó Chủ tịch HND phường Thủy Biều cho biết, đầu năm 2012, từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội, HND TP Huế làm tín chấp cho 23 hộ nông dân ở địa phương vay với tổng kinh phí 300 triệu đồng, bình quân mỗi hộ từ 10-15 triệu đồng. Đến nay, số hộ trên triển khai trồng gần 10.000 bao gừng, dự kiến đến cuối năm nay thu hoạch để bán cho các cơ sở chế biến mứt phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết cổ truyền. Theo ông Võ Khảm, trồng gừng trong bao cát có nhiều ưu điểm, như tận dụng tối đa quỹ đất, sân vườn trong gia đình; ít xảy ra sâu bệnh và không ảnh hưởng lũ lụt, nắng hạn. Cũng trong năm 2012, từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, HND TP Huế cho một số hộ dân ở phường Thủy Biều vay, bình quân mỗi hộ 10 triệu đồng để cải tạo vườn thanh trà và mua sắm thiết bị sản xuất nhang. Ông Trần Cường ở khu vực Trung Thượng cho biết, được vay 10 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Huế, gia đình ông mua phân bón, cải tạo vườn cây, xây kè chống sạt lở vườn... góp phần cho vụ thanh trà năm nay được mùa. Với 100 gốc thanh trà, gia đình ông Cường thu nhập gần 100 triệu đồng. 

 

Hỗ trợ phát triển kinh tế

 

Năm năm qua, HND TP Huế tổ chức 258 lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật cho 7.740 lượt hội viên nông dân; 13 lớp đào tạo nghề; tín chấp cho 4.500 lượt hộ vay với tổng nguồn vốn 16 tỷ đồng. Số hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ 823 hộ năm 2007 tăng lên 2.412 hộ năm 2012, với tổng thu nhập bình quân mỗi hộ từ 50 triệu đến vài trăm triệu đồng/năm...

Không riêng ở Thủy Biều, HND TP Huế còn hỗ trợ phát triển nghề trồng hoa ở Thượng Thành. Ông Huỳnh Thìn, nông dân ở phường Thuận Lộc cho biết, từ khi có tour du lịch Ấn tượng Huế Xanh, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân ở phường được HND TP Huế tín chấp vay vốn bình quân từ 5-10 triệu đồng/hộ, đồng thời tập huấn kỹ thuật để phát triển nghề trồng hoa ở Thượng Thành. Từ đó, gia đình ông Thìn và bà con mạnh dạn mở rộng diện tích trồng hoa, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Với 400m2 trồng hoa các loại, bình quân những ngày thường gia đình ông Thìn thu nhập trên 100 ngàn đồng, còn những ngày lễ, tết thì cao hơn. Theo HND TP Huế, nghề trồng hoa không chỉ cho thu nhập khá, mà còn góp phần quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái cho thành phố. Tổng diện tích trồng hoa ở Thượng Thành đến nay khoảng vài ha. Những vườn hoa cúc, thọ, lay ơn... khoe sắc thắm đã góp phần thu hút du khách đến tham quan ở Thượng Thành ngày càng nhiều.

 

Theo ông Lê Khánh, Chủ tịch HND TP Huế, trong khi tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, HND TP vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; chuyển sang làm dịch vụ sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển du lịch. Ngoài các dịch vụ ngành nghề truyền thống, như làm nón lá, bán bún, cháo, khai thác cát sạn, thợ hồ, mộc..., HND còn vận động, hướng dẫn nông dân phát triển một số dịch vụ mới như kinh doanh cây cảnh ở các phường: Thủy Xuân, Vỹ Dạ, Phú Hậu. HND TP hướng dẫn nông dân phường Thuận Lộc, phường Thủy Biều phát triển nghề trồng hoa; mô hình nuôi lợn hướng nạc, bò chất lượng cao, mở rộng diện tích và cải tạo vườn thanh trà; mô hình trồng gừng trong bao cát và phát triển dịch vụ ngành nghề... Nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao, bình quân từ 50 triệu đến 150 triệu đồng/năm.

 

Ông Lê Khánh cho rằng, việc hỗ trợ nông dân thoát nghèo, vươn lên khá là nhiệm vụ quan trọng đối với HND TP Huế. HND TP thường xuyên cử cán bộ về các phường tìm hiểu đời sống người dân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Thông qua các chương trình, dự án, hằng năm, HND tín chấp cho nông dân vay hàng tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Phối hợp với các ban ngành, tổ chức thăm dò thổ nhưỡng của từng vùng trên địa bàn để bố trí cây trồng, vật nuôi mới phù hợp; phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức đào tạo nghề thú y, nuôi ếch, trồng nấm, rau sạch... nhằm tạo công ăn việc làm ổn định, phát triển kinh tế cho nông dân.

 

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TIN MỚI

Return to top