ClockThứ Năm, 14/11/2013 07:04

Nông dân và nông thôn mới

TTH - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, ngành nghề dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Thực hiện chương trình này, tại Thừa Thiên Huế, trong sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới kết quả đạt được khá ấn tượng. Trong điều kiện nguồn vốn Trung ương bố trí có hạn chế, tỉnh đã lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác và nguồn ngân sách địa phương hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn, trường học, các công trình phụ trợ, nhà văn hóa xã, công trình y tế, điện sinh hoạt… tạo diện mạo mới cho nhiều miền quê vươn lên làm giàu. Kết quả của chương trình đã làm thay đổi nhận thức trong nhân dân, xã hội hóa được các kênh đầu tư cho nông thôn, vai trò chủ thể của người dân được khơi dậy. Rõ nét là phong trao hiến đất xây dựng hệ thống điện, đường, trường học… xuất hiện ở các làng, bản, xã.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, thị xã, huyện và hệ thống chính trị ở cơ sở, sự hưởng ứng tích cực của người dân nên nhiều xã đạt trên 15 tiêu chí. Một số tiêu chí còn lại dự kiến hoàn thành trong hai năm 2014 - 2015 để toàn tỉnh có trên 24 xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới.

Trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng nông thôn mới hiện nay, điều cần quan tâm là tuyên truyền, phát động vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Đây là bài học khẳng định nhân tố con người nhằm phát huy tiềm năng của người nông dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Phát huy vai trò của nông dân là thực hiện có hệ thống của các biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… nhằm phát triển toàn diện hình ảnh nông thôn mới theo hướng văn minh, dân chủ, hiện đại.

Vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại thể hiện khi chủ thể tích cực tham gia vào quá trình thực hiên quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Người dân phải là chủ thể sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn. Nông dân còn là chủ thể tích cực, sáng tạo trong xây dựng và giữ gìn đời sống vật chất, văn hóa, xã hội, môi trường sống, sinh hoạt ở nơi làng xã. Nông dân là chủ thể quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị, xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở cơ sở.

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực của Nhà nước và nhân dân. Trong đó, vai trò chủ thể của nông dân mang tính quyết định trên mảnh đất mà họ đang sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh…

Khi vai trò chủ thể của nông dân được xác lập, chính quyền các cấp cần tập trung đẩy mạnh việc rà roát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng vùng, từng địa phương cho sát đúng với lợi thế của từng xã, huyện, thị… Từ đó để đổi mới và tổ chức lại sản xuất nông, lâm, ngư, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ ở nông thôn.

Nông thôn đang trên đà phát triển, cần quan tâm đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở nông thôn. Tăng cường sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Năng lực, trình độ, phong cách, phẩm chất của người cán bộ ở cơ sở phải không ngừng được nâng cao nhằm quản lý, điều hành có hiệu quả trên các mặt công tác khi nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Xây dựng nông thôn mới là mang lại lợi ích thiết thân cho người dân sống ở nông thôn. Cho nên lôi cuốn người dân trong quá trình xây dựng một hình ảnh nông thôn hiện đại; làm được điều này, trong tình hình hiện nay cần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các bậc học ở nông thôn. Qua đó nâng cao dân trí, trí thức hóa đội ngũ cán bộ ở nông thôn. Song song với nâng cao dân trí cần quan tâm đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân để họ tự mình tổ chức sản xuất, kinh doanh chính trên quê hương mình.

Ba năm qua, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phường xã, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Các huyện điểm, xã điểm nông thôn mới đã có diện mạo mới hấp dẫn và thuyết phục người nông dân hăng hái tham gia vào chương trình này. Quảng Điền, Nam Đông có nhiều kinh nghiệm, bài học thực tế trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, thiết nghĩ cần có những hội thảo chuyên để, tổng kết, nhân rộng nhiều điển hình cá nhân, tập thể trong xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý là tuyên truyền sâu rộng ý tưởng, việc làm hay của người nông dân khi họ nhận ra vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Chủ thể là nông dân trong xây dựng nông thôn mới là tiềm lực lớn lao cần được khơi dậy, tạo động lực để phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc xây dựng hình ảnh nông thôn văn minh, hiện đại.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top