ClockThứ Hai, 11/05/2015 10:17

Nông sản bán chạy

TTH - Thời điểm này, các mặt hàng nông sản được bày bán với số lượng lớn, sức mua tăng, giá cả ổn định.

Nông dân Quảng Thành (Quảng Điền) chăm sóc rau

Tiêu thụ mạnh

Sức tiêu thụ nông sản hiện tại trên thị trường vào mùa nắng nóng có khi còn lớn hơn so với những lúc bình thường. Trong khi một số loại nông sản, như dưa hấu, cà chua tại nhiều tỉnh, thành bị “ế”, thì tại Thừa Thiên Huế, các mặt hàng này vẫn tiêu thụ bình thường. Rảo quanh tại các chợ Đông Ba, Bến Ngự... điều chúng tôi dễ nhận thấy là các mặt hàng nông sản được bày bán với số lượng rất lớn. Con đường phía sau chợ Đông Ba (ven bờ sông Hương) dài gần hơn nửa cây số chi chít các quầy bán hàng trái cây, rau, củ quả địa phương... Hay phía trước chợ Bến Ngự cũng bày bán đủ loại rau, củ, quả trong nước.

Theo ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, dù phải nhập thêm nông sản từ các tỉnh khác, song hầu hết các loại sản phẩm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn vị thường xuyên lấy mẫu rau, quả tại các chợ để xét nghiệm dư lượng hóa chất, kiểm định chất lượng. Mới đây, đơn vị lấy hàng chục mẫu rau, quả để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn đều cho kết quả tốt, không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay các hóa chất vượt quá giới hạn cho phép.

Hàng nông sản của các lái buôn tại chợ Đông Ba thì tiêu thụ với số lượng lớn hơn nhiều. Quầy hàng của chị Tôn Nữ Lệ Thu thuộc loại “bậc trung” mỗi ngày bán 4-5 tạ xoài, 0,5 tấn dưa hấu và nhiều loại trái cây khác. Ngoài bán hàng lẻ, chị còn có các mối bán sỉ đến từ các vùng nông thôn. Lượng trái cây trên có ngày không đủ cung ứng cho khách hàng. Theo chị Thu, các mặt hàng trái cây tại chợ Đông Ba chủ yếu nhập ngoại tỉnh. Giá sản phẩm tương đối ổn định, được nhiều khách hàng chấp nhận, như giá mỗi cân xoài từ 15-16 ngàn đồng, dưa hấu trên dưới 6.000 đồng...

Mùa nắng nóng cũng là thời điểm các loại rau, củ, quả được người dân tiêu thụ rất mạnh. Thường ngày, trên sạp hàng của chị Phan Thị Thảo ở chợ Đông Ba có đến vài tạ rau cải, xà lách, hành ngò, rau cần... đều bán hết. Chị Thảo cũng như nhiều chủ sạp hàng đều cho biết, các loại rau, củ, quả chủ yếu nhập từ Đà Lạt, Sài Gòn, Hà Nội..., một số mua từ các vùng trồng rau sạch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Giá sản phẩm thời điểm này cũng tương đương mọi năm, hoặc cao hơn đôi chút...

Mặt hàng nông sản tại các siêu thị cũng rất phong phú, đa dạng, phần lớn đều nhập từ các tỉnh khác. Giá nông sản tại các siêu thị tuy cao hơn ở các chợ truyền thống từ một ngàn đồng đến vài ngàn đồng/kg, nhưng chất lượng được kiểm định, đảm bảo an toàn. Dù giá có nhỉnh hơn đôi chút vẫn thu hút nhiều người mua. Một khách hàng ở TP Huế, chị Phan Thị Quyên, nói: “Chỉ đắt hơn một vài ngàn đồng, nhưng sản phẩm trong siêu thị đảm bảo an toàn, yên tâm sử dụng”. Trưởng Bộ phận marketing - Siêu thị Co.opMart Huế - Lê Diên Nơ cho biết, các mặt hàng nông sản trước khi đưa vào siêu thị đã qua kiểm định chất lượng; số lượng tiêu thụ tương đối lớn, có ngày lên đến vài tấn, chủ yếu cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn và người dân TP Huế.

Cần một thương hiệu

Mấy năm gần đây, các địa phương, ban ngành tổ chức sản xuất thành công nhiều mô hình giống lúa mới, chất lượng cao. Tuy nhiên, ngoài một số giống như TH5, HT1 đã sản xuất, nhân rộng diện tích thì vẫn còn nhiều giống lúa mới chỉ dừng lại mô hình trình diễn. Các giống lúa, như Bắc thơm 7, Hương Cốm 4... đã sản xuất thành công mấy năm nhưng đến nay, diện tích chỉ vài chục ha tại một số địa phương. Sản phẩm lúa Hương Cốm 4, Bắc thơm 7... hiện có giá từ 15 ngàn đến 20 ngàn đồng/kg, trong khi đó, Khang dân hay một số lúa truyền thống chỉ 6-7 ngàn đồng... Sản phẩm gạo có giá cao gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí vào các khách sạn lớn có thể gấp nhiều lần so với gạo thông thường. Mô hình trồng lúa sạch cũng đang được một số doanh nghiệp quan tâm, như Tập đoàn Quế Lâm (tại Huế), hay Công ty Cổ phần Canh nông hữu cơ Việt Nam (tại Huế), nhưng diện tích, sản lượng vẫn còn rất hạn chế... Cũng vì chưa nhân rộng diện tích, sản lượng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường nên việc xây dựng thương hiệu gặp nhiều trở ngại.

Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt - Chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT cho rằng, trước hết phải hiểu rau sạch. “Rau sạch hay rau an toàn theo tôi là việc sản xuất và kinh doanh đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ theo quy trình khép kín, từ việc đánh giá điều kiện trồng, kiểm soát quá trình trồng, đến khâu chế biến và phân phối... Hiện, tỷ lệ rau sạch đúng nghĩa trên thị trường rất khiêm tốn, phần lớn được cung ứng vào các siêu thị.

Trong điều kiện hiện nay, việc sử dụng rau, nông sản an toàn cũng đang được người dân quan tâm. Nhưng với hàng ngàn ha rau, quả trên địa bàn tỉnh, thì mới chỉ có khoảng vài trăm ha sản xuất theo quy trình an toàn. Số diện tích còn lại chủ yếu theo phương thức truyền thống, mặc dù qua kiểm định chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng thì vẫn chưa phát hiện có dư lượng hóa chất vượt quá giới hạn. Tuy nhiên, việc trồng rau theo mô hình an toàn là điều cần thiết trong xu thế hội nhập. Tâm lý người dân, du khách vẫn chọn các loại rau, nông sản sạch để yên tâm sử dụng. Rõ ràng việc trồng rau, quả an toàn, đồng thời xây dựng một thương hiệu cho rau, nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ là điều quan trọng. Quá trình khảo sát cho thấy, phần lớn nguồn rau, củ, quả tại các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... đều không có thương hiệu, nhãn mác.

Nhiều người rất yên tâm khi chọn thực phẩm nếu biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác dù giá thành cao hơn một chút. Nhiều người tiêu dùng chia sẻ, trước những nguy cơ ngộ độc, nhiễm bệnh từ những loại rau, hay củ quả không rõ nguồn gốc, họ luôn tìm các hàng bán rau sạch, rau an toàn; hoặc đi đến các mối thân quen uy tín. “Chuyện giá thành chưa bàn, nhưng quan trọng nhất là người mua cảm thấy yên tâm khi chọn mua rau, quả an toàn, không phải là những loại rau trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hiện nay, người tiêu dùng khi ra chợ vẫn chưa thể phân biệt được đâu là rau an toàn và rau bẩn. Do đó, để yên tâm và nấu được bữa ăn đảm bảo an toàn, đủ chất cho gia đình, điều những người nội trợ chúng tôi quan tâm và mong muốn có nhiều gian hàng trên địa bàn thành phố bày bán rau an toàn, có thương hiệu, nhãn mác, biết rõ nguồn gốc xuất xứ”, chị Hoàng Thị Tuyết, KQH Bàu Vá, Thủy Xuân, TP Huế nói.

Bài, ảnh: Triều – Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top