ClockChủ Nhật, 01/01/2017 20:17

Nông thôn mới - cuộc sống mới

TTH - Sau 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM), diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Đường về Phú Vang sạch đẹp

Khởi sắc

Về các vùng nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, điều dễ nhận thấy là diện mạo có nhiều chuyển biến mới. Rõ nhất là những tuyến đường giao thông được bê tông, thảm nhựa phẳng lì, từ khu dân cư kéo ra đồng ruộng. Nhiều cây cầu ở vùng cao, cũng như đồng bằng được xây dựng vắt qua sông, qua suối, chấm dứt tình trạng chia cắt giữa các vùng, khu dân cư. Khoảng cách hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, hay các vùng sâu, vùng xa ngày càng “xích lại gần nhau hơn”. Sau 5 năm triển khai Chương trình MTQGXDNTM, toàn tỉnh xây mới và nâng cấp 1.104km đường giao thông nông thôn.

Hệ thống điện lưới quốc gia đến tận từng nhà, từng thôn, bản, khu dân cư, không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn giúp người dân thuận lợi trong phát triển kinh tế. Các địa phương đã kiên cố hoá 491km kênh mương nội đồng, 452 công trình đê bao, hồ chứa, trạm bơm, cống các loại, kè...; kết hợp đường giao thông để phục vụ yêu cầu cơ giới hóa, giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất. Có trên 200 nhà văn hóa thôn, đình làng, cổng làng, 33 nhà văn hóa trung tâm xã được xây mới, sửa chữa, nâng cấp theo tiêu chí NTM, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. 125 trường học các cấp và hệ thống trạm y tế được xây mới, nâng cấp đáp ứng yêu cầu giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong giai đoạn mới…

Trồng hoa chất lượng cao, lãi lớn

Ông Phạm Quyền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQGXDNTM tỉnh đánh giá, có được diện mạo như hôm nay là sự nỗ lực, vào cuộc và thống nhất chủ trương, quan điểm của cả hệ thống chính trị, tầng lớp Nhân dân trong tiến trình xây dựng NTM. Khi hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống tinh thần nâng cao thì người dân quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất. Trên cùng đơn vị diện tích, người dân đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp ra đời mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình nuôi trồng thủy sản, cá đặc sản (nâu, dìa, hồng, mú, đối mục…), tôm chân trắng cho lãi hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/mô hình. Nhiều loại lúa chất lượng cao được đưa vào thí điểm, nhân rộng cho năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế cao. Đội tàu đánh bắt xa bờ ngày càng tăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân.

Sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, cũng như đời sống Nhân dân được thể hiện qua thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn, tính đến cuối năm 2015 đạt 23,01 triệu đồng, tăng 81,6% so với 2010 (chỉ 12,6 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,9% năm 2010, còn 5,94% đến cuối năm 2015. Dự kiến, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 khu vực nông thôn đạt hơn 25 triệu đồng, hộ nghèo chỉ còn khoảng 5%.

Đánh bắt xa bờ giúp dân có cơ hội làm giàu 

Giải pháp

Ông Phạm Quyền cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được, trong quá trình triển khai Chương trình MTQGXDNTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, tồn tại cần khắc phục nhằm thực hiện tốt giai đoạn 2016-2020. Đến nay, nhiều nơi, nhiều cấp vẫn chưa nhận thức đúng về Chương trình MTQGXDNTM. Điều này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu đúng nghĩa về mục tiêu trọng tâm của XDNTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng nông thôn trù phú, xanh-sạch-đẹp, gắn liền với bản sắc văn hoá dân tộc, địa phương.

Quy hoạch là khâu quan trọng nhất, nhưng lại còn nhiều bất cập, khó khăn đối với các địa phương. quy hoạch của hầu hết các địa phương chất lượng không cao, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cảnh quan nhiều vùng NTM đã và đang bị bê tông hoá, thiếu bản sắc dân tộc, bản sắc địa phương... Những vấn đề có tính vĩ mô, như mẫu nhà ở NTM, quy hoạch khu dân cư, từng vùng, từng miền chưa hợp lý. Mô hình nhà ở cần phải bảo đảm công năng sử dụng, vừa mang đậm bản sắc truyền thống địa phương, vừa bảo đảm ứng phó với thiên tai (bão, lũ lụt ở miền Trung) và thích nghi biến đổi khí hậu.

Trang trại chăn nuôi lợn ở Quảng Điền cho thu nhập hàng trăm triệu đồng

Theo Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2/2016, mục tiêu đề ra giai đoạn 2016-2020, toàn quốc có 50% số xã đạt chuẩn NTM, riêng Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh Bắc Trung bộ là 59% (cao hơn giai đoạn 2010-2015 20%). Tuy nhiên, số xã còn lại vẫn còn nhiều khó khăn, số tiêu chí chưa đạt chuẩn còn nhiều… Trong khi nguồn lực huy động để xây dựng NTM theo dự báo sẽ hạn chế. Riêng nguồn vốn tham gia XDNTM của các địa phương (huyện, xã) chủ yếu từ bán đất, nhưng số địa phương bán đất tập trung phần lớn tại các xã vùng gần đô thị (số này thuận lợi và đã đạt chuẩn giai đoạn trước); số xã còn lại vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa thì không thể trông chờ nguồn này.

Việc thực hiện Chương trình MTQGXDNTM chủ yếu do cấp xã thực hiện, từ xây dựng quy hoạch, dự án đầu tư các công trình hạ tầng, đến triển khai các mô hình phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân... Trong khi đó, năng lực cán bộ cấp xã, thôn ở nhiều địa phương còn rất hạn chế (nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Một số cơ chế chính sách ban hành còn chưa đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa thật sự kịp thời, phù hợp thực tiễn… Điều này cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ các cấp, ngành trong quá trình triển khai thực hiện.

Ông Quyền kiến nghị, ngoài việc tăng thêm nguồn lực cho Chương trình MTQGXDNTM, Trung ương cần rà soát lại các mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với việc huy động nguồn lực, ưu tiên tập trung các vấn đề có tính chất cấp thiết trong giai đoạn 2016-2020. Xây dựng cơ chế xã hội hoá nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phân cấp cho UBND tỉnh trong việc bố trí nguồn lực cụ thể hàng năm. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hơn nữa khâu quy hoạch NTM, kịp thời nghiên cứu, ban hành, hướng dẫn thực hiện tiêu chí quy hoạch XDNTM thật sự có chất lượng. Cần ban hành các cơ chế chính sách đặc thù theo hướng phân cấp cho địa phương và cộng đồng để bảo đảm thuận lợi trong thực hiện, giám sát.

Đến nay, số tiêu chí NTM bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã; có 20 xã (21,7%) đạt 19 tiêu chí; có 33 xã (35,9%) đạt từ 15-18 tiêu chí; 37 xã (40,2%) đạt từ 10-14 tiêu chí; 2 xã (2,2%) đạt từ 5-9 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 81%; dân số sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt trên 95%.

Với những thành tích trên, Chính phủ đã tặng cờ thi đua giai đoạn 2010-2015 cho huyện Nam Đông và Thủ tướng đã tặng bằng khen cho 5 xã điển hình: Phong Hải (Phong Điền), Hương Giang, Hương Hoà (Nam Đông), Phú Thượng (Phú Vang) và Nhâm (A Lưới).

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Hướng đến xã nông thôn mới thông minh

Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) là 1 trong 6 xã của cả nước và là xã duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn tham gia mô hình thí điểm “Xã nông thôn mới thông minh” của toàn quốc trong Chương trình Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh.

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh
Return to top