ClockThứ Sáu, 11/12/2015 17:42

Nông thôn mới trên rú cát

Trường tiểu hoc Vinh Hưng đã khang trang

Khát vọng đổi thay

Chúng tôi có dịp về thăm xã Vinh Hưng trong những ngày đầu được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trên trục chính dẫn vào xã là tuyến đường vừa thảm nhựa phẳng lỳ, hai bên với những dịch vụ hàng quán, nhà cao tầng, biệt thự khang trang được trang trí cờ hoa rực rỡ. Cảnh xe cộ, người dân qua lại, mua bán diễn ra rộn rã khu vực trung tâm... đã thể hiện cuộc sống ấm no, đầy đủ ở vùng quê này.

Đang sửa lại tường rào và treo cờ Tổ quốc cùng bà con đón mừng lễ công bố xã NTM, ông Hoàng Văn Vui, thôn Phụng Chánh hồ hởi: “Sự kiện xã đón nhận danh hiệu xã NTM đầu tiên của Phú Lộc với tôi không chỉ là niềm vui, niềm tự hào, mà còn là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự thay đổi toàn diện, vượt bậc”.

Vinh Hưng được công nhận xã NTM với ông Vui hoàn toàn không bất ngờ. Vì ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, không chỉ ông Vui mà nhiều người dân trong khu vực xác định xây dựng NTM “phải lấy dân làm gốc”, người dân là chủ thể của NTM và chính người hưởng lợi. Vì vậy, khi triển khai rất thuận lợi; từ một vài con đường nhỏ, mô hình hay ban đầu, đến nay đã được nhân rộng, tạo sức lan tỏa thành phong trào thi đua trong toàn xã”.

Với 1.991 hộ và 8.675 khẩu, thời gian qua Vinh Hưng đã huy động tổng lực đầu tư vào chương trình NTM đạt 110.185 triệu đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 47.777 triệu đồng, tỉnh 14.375 triệu đồng; số còn lại bằng nguồn vốn vay, vốn ODA và nhân dân đóng góp. Đến thời điểm này Vinh Hưng đạt 19/19 tiêu chí xã NTM của Chính phủ đề ra; trong đó điểm nổi bật là thu nhập mỗi người vào năm 2011 chỉ là 11,2 triệu đồng/ năm, nay đã đạt 25 triệu đồng/ năm; hộ nghèo hiện còn 4,91%. Ngày 12/12 Vinh Hưng tổ chức lễ đón nhận xã NTM, đơn vị điển hình tiêu biểu của huyện Phú Lộc.

Anh Phạm Tấn Sinh, cán bộ xã Vinh Hưng, người đã đồng hành đưa tôi đến thăm các thôn, làng dịp này khoe rằng, vào những ngày Vinh Hưng nhập cuộc xây dựng NTM, hàng trăm công trình dân sinh ra đời đã đưa “vùng quê lên phố” và bắt đầu xuất hiện những con người có tư duy khai thác thế mạnh phát triển kinh tế, như xây dựng các mô hình làm ăn mới nuôi trồng thủy sản, ngành nghề dịch vụ, thương mại mang lại nguồn thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như ông Phan Truyền (thôn Lương Viện) mở cơ sở may mặc xuất khẩu tạo việc làm ổn định cho gần 400 lao động địa phương; ông Trần Đình Nhiệm (thôn Phụng Chánh) mở cửa hàng tạp hóa, đầu tư 4 xe du lịch và vận chuyển hàng hóa; ông Đặng Cuộc (thôn Diêm Trường) mở đại lý vật liệu xây dựng cung cấp hàng cho cả vùng khu 3 (Phú Lộc) thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Thú vị nữa, có những nông dân vốn một nắng hai sương, bây giờ biết áp dụng những tiến bộ khoa học cải tạo vườn tạp, nuôi tôm theo mô hình xen ghép cua, cá không chỉ xóa cảnh nghèo khó mà còn vươn lên khá giả. Ông Huỳnh Hòa, thôn Lương Viện nói: “Khi địa phương khởi động xây dựng NTM, khí thế chuyển đổi tư duy sản xuất, làm kinh tế của bà con ở đây đã bắt nhịp cùng thị trường. Với ba đời làm nông nhưng khi thấy mô hình trồng lúa kém hiệu quả, tôi đã tích cóp vốn liếng đầu tư chăn nuôi bò đàn thả và nhốt theo mùa vụ; bình quân mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng. Mô hình này tuy chưa mang lại hiệu quả cao nhưng lại phù hợp với điều kiện địa phương, không sợ thời tiết biến đổi thất thường, nhất đối vùng quê ven chân phá Cầu Hai”.

Bức tranh tương lai

Xã Vinh Hưng có khoảng 787 ha đất nông nghiệp trong tổng hơn 1610 ha đất tự nhiên. Do quỹ đất sản xuất nông nghiệp ít, thường nhiễm mặn nên không mấy thuận lợi tạo thế cho nông dân làm giàu. Mấy năm gần đây, với khí thế đẩy mạnh xây dựng NTM ở địa phương đã giúp người dân mạnh dạn đầu tư vốn, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; liên kết sản xuất theo ngành nghề, loại hình dịch vụ; chuyển đổi tư duy nông nghiệp sang tư duy công nghiệp, dịch vụ theo mô hình cơ cấu kinh tế mà Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra “Dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp”.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng, Trưởng Ban quản lý xây dựng NTM của xã xuyên suốt từ năm 2011 đến nay cho rằng, thời gian đến, xã Vinh Hưng phải chuyển đổi một số lao động không có đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả sang hoạt động dịch vụ, làm công nhân thông qua các chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Còn những hộ hoạt động thương mại, dịch vụ truyền thống, địa phương cần có chính sách hỗ trợ họ về vốn, ưu đãi đầu tư để mở rộng quy mô. Nhất là đẩy mạnh việc kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào khi Cụm công nghiệp Vinh Hưng 21 ha đã được tỉnh quy hoạch tại thôn Diêm Trường, như may mặc, mộc mỹ nghệ, chế biến nông thủy sản... để thu hút lực lượng lao động tại địa phương và kéo theo các dịch vụ nhà trọ, buôn bán nhỏ phát triển. “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hàng hóa luôn là hướng đi, mục tiêu trước và hậu nông thôn mới của xã Vinh Hưng”-ông Hùng khẳng định.

Theo ông Nguyễn Trinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vinh Hưng, sẽ có những nghị quyết chuyên đề chỉ đạo chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai hành động trong thời gian tới. Tuy nhiên, để bức tranh Vinh Hưng ngày càng đẹp, hiện đại, Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, người dân xã Vinh Hưng vẫn chưa tự bằng lòng với những gì hiện có. Tất cả phải cùng nhau nỗ lực, phát huy đoàn kết, ổn định chính trị, phát triển kinh tế. “Con người chính là cốt lõi của vấn đề đổi mới. Vinh Hưng đang có những cán bộ nhiệt tâm, nhiệt huyết vì dân để biến chuyển những ý tưởng tốt đẹp thành hiện thực trong tương lai”, ông Trinh chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh

Xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) là 1 trong 6 xã của cả nước và là xã duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn tham gia mô hình thí điểm “Xã nông thôn mới thông minh” của toàn quốc trong Chương trình Chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới (NTM) thông minh.

Hướng đến xã nông thôn mới thông minh

TIN MỚI

Return to top