ClockChủ Nhật, 27/08/2017 07:43

Nụ cười

TTH - Mùa hè năm ngoái, khi đi thăm Đền Ăngkor Vat ở Campuchia, nhiều du khách đã chụp ảnh hình một nữ họa sĩ già người nước ngoài say mê vẽ đền tháp đá của kỳ quan này.

Từng đoàn khách du lịch người nước ngoài nối nhau trên phố. Hàng hóa chất đầy trong các cửa hiệu. Những bước chân chậm rãi, dò tìm địa chỉ hoặc thảnh thơi như thân quen chốn này lắm, Hà Nội làm tôi ngạc nhiên về mức độ thân thiện của du khách đối với môi trường. Một cặp đôi người nước ngoài chụp ảnh trên phố và dừng lại xem hình, hai mái đầu chụm lại thật dễ thương rồi nhìn nhau cười tình tứ. Có đôi bạn trẻ nắm chặt tay nhau tung tăng trên đường... Với một thành phố du lịch, đó là những hình ảnh của sự bình yên.

Là người Huế, tôi đi đâu như cũng mang theo “con mắt nhìn học hỏi”. Huế cũng có những khu “phố Tây” du khách đi lại đông đúc. Những quầy hàng lưu niệm, áo quần, vải vóc, tranh ảnh...  hàng hóa cũng chất cao ngất. Tôi từng chứng kiến cảnh một nữ du khách trẻ người Mỹ mê mẩn chiếc áo dài với họa tiết thổ cẩm của  nhà thiết kế QT và nhanh chóng mua nó. Cô ấy đã mỉm cười hạnh phúc khi ra về.

Làm du lịch là làm sao để có được càng nhiều nụ cười như thế trên môi.

Không còn là những khu phố Tây “tự phong”, Huế đã có kế hoạch cho 3 tuyến đường đi bộ mới, nơi tập trung đông du khách nước ngoài. Đó là những con đường mà lâu nay đã định hình một phong cách bán - mua và phục vụ theo chuẩn “khách du lịch nước ngoài” và dĩ nhiên kể cả du khách Việt, đó là các phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu. Nhưng thật lòng mà nói, như vẫn còn thiếu một chút muối cho “mặn mà” độ chuyên nghiệp trong phục vụ du khách của người Huế. Không phải là mức độ hoành tráng của cửa hàng, sự sang trọng của hàng hóa hay cả sự chân thật trong bán mua (điều này Huế là điểm cộng), mà hình như đó thuộc về tâm lý “chỉ làm nhỏ, làm vừa, ngại làm lớn” và cả phong cách phục vụ còn vương vấn một chút của “xứ mệ”. Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh - một người con Huế xa quê - đã từng xuýt xoa khi bà về chơi Festival Huế cùng bạn bè, hỏi một mệ bán bún có bán thêm hàng nhân dịp Festival thì mệ thủng thẳng: “Bán hết sớm nghỉ sớm để mệ đi chùa”.

Mùa hè năm ngoái, khi đi thăm Đền Ăngkor Vat ở Campuchia, nhiều du khách đã chụp ảnh hình một nữ họa sĩ già người nước ngoài say mê vẽ đền tháp đá của kỳ quan này. Và tôi cũng đã chụp ảnh bà ấy như cách ghi lại một vẻ đẹp của lòng say mê nghệ thuật không biên giới, vẻ đẹp của sự tìm tòi và học hỏi. Ở Văn Miếu Hà Nội tôi cũng bắt gặp cảnh tương tự. Tại Huế, hình ảnh du khách nước ngoài say mê ký họa vẻ đẹp của lăng tẩm các vua Nguyễn hay những chiếc cổng cổ ở Kim Long cũng không phải là hiếm...

Tôi đi chưa nhiều lắm nên cũng chưa thấy hết mọi điều, nhưng lạ là những hình ảnh đẹp về du khách và vùng đất mà tôi bắt gặp trong các chuyến đi của mình cũng là những hình ảnh mà tôi đã bắt gặp ở Huế. Huế không chỉ có nguồn vốn quý giá từ quần thể di tích Huế, các điểm danh thắng, chùa chiền mà Huế còn có một nguồn vốn quý giá khác vô cùng quan trọng không kém để phát triển du lịch, đó là nhà vườn, nếp sống và con người Huế cùng với ẩm thực. Nhiều người khi nói đến phát triển du lịch Huế đã so sánh Huế với nơi này, nơi khác. Tôi thì nghĩ rằng Huế là một giá trị riêng biệt. Có hiểu Huế mới thương Huế. Làm du lịch ở Huế không “hồ đồ” được.

Thành phố đang chỉnh trang các công viên dọc bờ sông Hương, những thảm cỏ xanh làm cho đôi bờ sông càng rộng. Hà Nội cũng xanh. Tôi đã hòa mình cùng du khách nước ngoài thả bộ trên những con đường xanh mát Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Bà Huyện Thanh Quan... len lỏi trong những con phố nhỏ tìm về với Hà Nội xưa. Và tôi bỗng nhận ra một điều chung nhất trong nụ cười của du khách ở Hà Nội cũng như ở Huế mà tôi từng gặp. Là nụ cười bình yên.

Ngàn năm Thăng Long Hà Nội, đi xa để nghĩ về Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế hơn 700 năm lịch sử với những nét tương đồng trong du lịch.

XUÂN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nụ cười Đông Ba

Mệ Hoàng Thị Khanh, 81 tuổi, buôn bán cau trầu ở chợ Đông Ba kể, trước năm 1975, tiểu thương đều mặc áo dài, và Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ, là nơi gìn giữ bản sắc của di sản văn hóa Huế. Đôi khi khách phương xa đến Huế, ra chợ Đông Ba, cốt chỉ để được nghe rặt tiếng Huế của các dì, các mệ.

Nụ cười Đông Ba
Mang nụ cười trở lại

Ai cũng mong muốn con của mình sinh ra được lành lặn, kháu khỉnh như bao trẻ em khác.

Mang nụ cười trở lại
Trao ánh mắt, tặng nụ cười

Đó không chỉ là ‘slogan’ của Bệnh viện (BV) Mắt Huế mà còn là mục tiêu phấn đấu, cống hiến suốt gần 40 năm qua của Thầy thuốc ưu tú, BSCK II Phạm Minh Trường.

Trao ánh mắt, tặng nụ cười
Gặp Huế trên biển Nha Trang

Nha Trang ngày về...”, bao giờ đến Nha Trang tôi cũng có cảm giác như đang trở về nơi chốn quen thuộc...

Gặp Huế trên biển Nha Trang
Nụ cười mùa thu hoạch cao su

Dù phải rất vất vả khi gắn bó, nhưng một khi cây cao su đã có thể cắm chân được trên vùng gò đồi, bán sơn địa Thừa Thiên Huế thì kỳ tích “xóa đói giảm nghèo” của nó đối với đời sống của người dân là thấy rõ.

Nụ cười mùa thu hoạch cao su
Return to top