ClockThứ Bảy, 12/12/2020 13:43

Nữ “thủ lĩnh” Trường tiểu học Hồng Vân

TTH - Từ lúc đến nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện A Lưới), cô giáo Dương Thị Trúc đã phát huy vai trò người đứng đầu, tạo sự đồng lòng trong tập thể giáo viên, xây dựng ngôi trường ở xã biên giới còn nhiều khó khăn đạt chuẩn quốc gia…

Dành trọn thanh xuân cho học sinh vùng caoHết lòng với học sinh vùng cao

Cô Dương Thị Trúc trong lễ khai giảng năm học 2020-2021 và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia

Tạo sự đồng lòng

Những năm trước, cơ sở vật chất, cảnh quan Trường tiểu học Hồng Vân còn nhếch nhác, thiếu thốn. Nhận nhiệm vụ, điều đầu tiên cô giáo Dương Thị Trúc nghĩ đến, là phải cùng tập thể giáo viên xây dựng cảnh quan, để học trò được học tập vui chơi trong môi trường xanh - sạch - đẹp - thân thiện. Vậy thì, trước tiên phải trồng cây xanh, hoa lá.

Tâm tình của cô giáo Dương Thị Trúc là, bất cứ ai tặng cây gì, nhà trường cũng đều nâng niu, trân trọng, bởi đây là tấm lòng, tình cảm, sự đóng góp quý giá. Tình cảm đó của nữ hiệu trưởng được tập thể giáo viên, cha mẹ học sinh, lực lượng đoàn viên thanh niên Xã đoàn Hồng Vân, người dân trên địa bàn hưởng ứng, ủng hộ. Do vậy, bên cạnh việc giáo viên tự nguyện đóng góp tiền mua hoa về trồng, Xã đoàn Hồng Vân và người dân tặng rất nhiều cây xanh. Mồ hôi của tập thể giáo viên nhà trường đã được “đền đáp” khi hoa, lá ngày càng khoe sắc trong khuôn viên trường. Ý nghĩa hơn nữa, học sinh được các thầy cô giáo bồi dưỡng ý thức, tình yêu lao động, tình yêu trường, lớp, thông qua việc giữ gìn, chăm sóc, làm đẹp cảnh quan, trong khả năng của mình.

Cô giáo Dương Thị Trúc bộc bạch, bên cạnh xây dựng cơ sở vật chất khang trang, cảnh quan xanh - sạch - đẹp - thân thiện, muốn nuôi dưỡng tình yêu của học trò đối với trường, lớp, với học hành, thầy cô giáo phải dành cho các em tất cả yêu thương. Đó cũng là tâm huyết, tình cảm của các thầy cô giáo Trường tiểu học Hồng Vân, nên khi nữ “thủ lĩnh” đơn vị triển khai các mô hình, như câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh, tin học, cờ vua, cờ tướng…, giáo viên nhà trường đã không quản vất vả, kể cả thứ 7, chủ nhật để cùng các em luyện tập. Nhiều giáo viên chia sẻ, nhà cô giáo hiệu trưởng ở xa trường nhất (hơn 20 km), nhưng hàng ngày bao giờ cô Trúc cũng là người đầu tiên có mặt tại trường, để quán xuyến mọi việc. Vậy nên, không có lý gì họ lại không học tập, noi theo. 

Chuyển biến

Cô giáo Lê Thị Bích Hóa chia sẻ, tấm lòng, trách nhiệm và quyết tâm của cô hiệu trưởng là rất đáng trân trọng, nên tất cả giáo viên nhà trường ai cũng đồng lòng để chăm lo cho học trò, nâng cao chất lượng mọi mặt. Khi một học sinh lớp cô giáo Lê Thị Bích Hóa chủ nhiệm (bố mẹ thuộc diện khó khăn) bị bệnh nặng, hưởng ứng phát động của hiệu trưởng, tập thể giáo viên nhà trường đã đóng góp được gần 3 triệu đồng, đồng thời thay nhau đứng lớp để cô giáo Hóa yên tâm đưa học trò này về Bệnh viện Đại học Y Dược Huế khám, chữa bệnh và tái khám. Một học sinh khác bố mẹ cũng không đủ tiền đưa con về TP. Huế khám, chữa bệnh, tập thể giáo viên nhà trường thêm lần nữa đóng góp, kịp thời hỗ trợ cho gia đình.

Làm cách nào để giảm bớt phần nào khó khăn, để học trò nghèo trên xã biên giới xa xôi, có điều kiện “theo con chữ” là trăn trở của vị nữ hiệu trưởng. Vì vậy, ngoài sử dụng hợp lý quỹ khuyến học, có đoàn từ thiện nào đến với địa bàn, bao giờ cô giáo Dương Thị Trúc cũng “xin” những phần quà thiết thực cho các em. Ngoài áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập, cô Trúc “xin” được cho học trò hàng chục chiếc xe đạp, ưu tiên các em nhà ở xa, có điều kiện thuận tiện đến lớp.

Tạo được sự đồng lòng của tập thể giáo viên nhà trường, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Vân Dương Thị Trúc đã đóng góp rất lớn trong việc tạo sự chuyển biến về mọi mặt, trong đó chất lượng dạy và học được nâng cao rõ rệt. Từ chỗ “lạ lẫm” với các giải thưởng, 3 năm học trở lại đây, học sinh Trường tiểu học Hồng Vân đạt nhiều giải cao cấp huyện, cấp tỉnh trong hội thi vẽ tranh trên máy tính, hội thi cờ vua, giao lưu Olympic, giao lưu kể chuyện sách, hội thi phụ trách Sao giỏi…

Từ khi đảm nhiệm vai trò “thủ lĩnh”, niềm hạnh phúc của cô giáo Dương Thị Trúc là Trường tiểu học Hồng Vân 3 năm liền được công nhận tập thể lao động tiên tiến, chi bộ trong sạch vững mạnh. Năm học 2019-2020, trường đạt giải nhất hội thi “Công sở trường học xanh - sạch - sáng” cấp huyện; đạt chuẩn quốc gia. Cá nhân cô giáo Dương Thị Trúc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. “Nhưng hạnh phúc hơn cả là học trò “của chúng tôi” tự tin hơn, năng động hơn, đạt được nhiều thành tích trong học tập. Người dân trên địa bàn yêu mến, tin tưởng nhà trường”- cô Trúc bày tỏ.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Để đến trường đong đầy niềm vui

Người thầy hiện đại cần có phẩm chất cởi mở, bao dung. Muốn người học phát triển các phẩm chất, năng lực thì người dạy cần có tư duy mở để đón nhận cách học, cách suy nghĩ mới của lứa học trò gen Z. Sẽ thất bại trong giáo dục khi người thầy bảo thủ, áp đặt, luôn bắt học sinh phải răm rắp lắng nghe, phục tùng.

Để đến trường đong đầy niềm vui

TIN MỚI

Return to top