ClockThứ Năm, 11/02/2021 13:24

“Nữ tính Huế”: Vẻ đẹp ngàn xưa & mãi mãi

TTH - Trước thềm Xuân mới Tân Sửu 2021, cùng một lúc, hai tin vui từ Thủ đô Hà Nội. Đó là sự kiện “kỳ nữ” Xuân Phượng, tuy không phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, lại đã vượt qua tuổi “cửu tuần”, với hồi ký “Gánh gánh…Gồng gồng…” được Hội Nhà văn trao Giải thưởng văn xuôi duy nhất năm 2020 và nhà văn Trần Thùy Mai đoạt “Trạng Nguyên” (giải nhất) trong cuộc thi tiểu thuyết 3 năm (2016-2019) với bộ tiểu thuyết lịch sử hai tập “Thái hậu Từ Dụ”.

Nữ sinh Đồng Khánh

Dịu dàng nét Huế. Ảnh: Ngọc Quang

“Vương miện” văn chương của hai “người đẹp” đất Cố đô đã được truyền thông loan tải rộn ràng, chẳng còn mới lạ nữa, nhưng gợi chúng ta nghĩ đến “nữ tính” - một vẻ đẹp Huế từng có tự ngàn xưa “chẳng nơi nào có được” và nếu biết gìn giữ, phát huy, sẽ luôn tạo nên sức hấp dẫn cho Huế.

 “Nữ tính” của Huế không chỉ phô diễn gắn liền với “người đẹp”. Dòng sông Hương xanh trong giữa đôi bờ sum suê cây lá đã có biết bao lời thơ ca tụng như đối với một mỹ nữ. Phạm Thị Phương Thảo, trong một bài viết trên Tạp chí “Sông Hương”, sau khi miêu tả dòng Hương “mềm mại uốn lượn để ôm ấp và nâng niu vóc dáng xứ Huế và làm nên nét đẹp hồn cốt trong tâm hồn Huế” đã dẫn bài “Trong đôi mắt Huế” của Đông Hồ: “Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ/Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ/Gió chiều vương áo nàng tôn nữ/Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ”.

Sông Hương luôn gợi nghĩ đến người đẹp Huế như thế đó! Tôi nhớ kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, khi làm quy hoạch đầu tiên đôi bờ sông Hương đã nghĩ trước hết đến tượng Huyền Trân công chúa dựng trên cồn Dã Viên. Phải! Nói đến “nữ tính Huế”, đến người đẹp Huế thì không thể quên nàng công chúa Huyền Trân - có thể nói đây là người con gái Huế đầu tiên đã thực sự nêu gương “quên mình vì nước”. Như vậy, “nữ tính Huế” đâu chỉ là mềm mại, dịu dàng mà khi Tổ quốc kêu gọi, cũng như trước ngang trái của cuộc đời, những “nàng Tôn nữ” cũng không ngần ngại gian khổ, không sợ hiểm nguy dấn thân vào cuộc.

Không phải là chuyện trong “sách vở” hư ảo, nhiều bạn đọc và trí thức Huế vừa mới có dịp gặp gỡ thân mật với một con người như thế - đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, tác giả hồi ký “Gánh gánh… Gồng gồng…”, sự kiện văn học nổi bật trước thềm Xuân 2021. Cô gái quê làng Nham Biều bên sông Hương ấy, con dâu một vị Thượng thư Triều Nguyễn, bao lần vượt qua cái chết, từ ngày Huế vỡ mặt trận 1946, đến khi làm chiến sĩ quân giới nhồi thuốc nổ cho tới những tháng đi cùng đoàn quay phim quốc tế tại đất lửa Vĩnh Linh năm 1967 với tư cách là một bác sĩ kiêm phiên dịch… vẫn không nản chí, không ngừng vươn tới để trở thành một nhà hoạt động văn hoá được Chính phủ Pháp tặng Huân chương cao quý Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh…

Những “mẫu” phụ nữ Huế như thế, ở vùng đất núi Ngự, sông Hương có thể lập một danh sách dài. Ngay bên dòng Hương, chủ nhân một tổ chức phụ nữ đầu tiên của cả nước - Nữ công học hội Huế - được khánh thành ngày 15/6/1926 là Đạm Phương Nữ Sử. Bà là cháu nội của vua Minh Mạng, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và đặc biệt nổi tiếng với tư cách là nhà báo nữ thuộc thế hệ đầu tiên của nền báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20…

Quận chúa Hồ Thị Hạnh (về sau trở thành Sư bà Diệu Không) cũng là “cành vàng lá ngọc”, tiểu thư con một đại thần Triều Nguyễn, đã được hai tác giả Lê Ngân và Hồ Đắc Hoài tôn vinh là “một kỳ nữ Việt Nam trong thế kỷ 20.” (Sách “Đường Thiền sen nở” – NXB Lao động, 2009). Nhan sắc của quận chúa khiến biết bao công tử và cả hoàng tử Cao Miên mê đắm, vậy mà “người đẹp” họ Hồ lại nhận làm vợ kế một người đang mắc bệnh hiểm nghèo, con trai của cụ Cao Xuân Dục và đang nuôi 6 con nhỏ mồ côi mẹ, khiến “Người cho là dở, kẻ cho gan”, nhưng người trong cuộc thì hiểu rằng đã “Cạy mái thuyền từ, quyết phải sang!” (Trích bài thơ “Đám cưới” của Hồ Thị Hạnh).

Một lần, đứng trước bảo tháp của Sư bà Diệu Không trong gió nhẹ vi vu qua những hàng thông mọc thẳng, tôi “ngộ” ra một người có lòng nhân đã bước lên “thuyền từ” như Sư bà thì cũng là người có gan hy sinh vì đồng loại, vì nghĩa lớn. Bà đã bao lần dấn thân vào chốn hiểm nguy như lần đến Sở Mật thám tìm cách cứu Hoà thượng Thích Đôn Hậu bị Pháp bắt giam khi chúng tái chiếm Huế năm 1947; trước nữa, khi bà Đạm Phương lập Nữ công học hội, bà xông xáo đi Bắc vào Nam gây quỹ, chuyển tài liệu mật, mấy lần bị mật thám tra hỏi; hồi Xô Viết Nghệ Tĩnh, bà mang tiền ra cứu giúp những gia đình bị nạn…

Cũng thế hệ đó, nếu Sư bà Diệu Không tiêu biểu cho vẻ đẹp “nữ tính Huế” bên phía núi Ngự thì bên kia sông Hương tiêu biểu là bà Tuần Chi (Đào Thị Xuân Yến). Còn nhớ một ngày xuân đến thăm vườn An Hiên khi chủ nhân đã bước sang tuổi 75, tôi vẫn có thể hình dung thời thanh xuân của bà hẳn là một hoa khôi xứ Huế; và đặc biệt, từ dáng đi, giọng nói đến chén trà, đĩa mứt ngày Tết bà đem mời vẫn như nguyên vẹn tính cách Huế, vẻ đẹp Huế, vẫn thấm đượm dấu ấn một phụ nữ “công-dung-ngôn-hạnh” mẫu mực, vẹn toàn. Thật thú vị khi chính con người “liễu yếu đào tơ” đó, thời còn là nữ sinh Đồng Khánh, đã cầm đầu cuộc bãi khóa phản đối việc ông Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học. Khi trở thành Hiệu trưởng ngôi trường nữ trung học này, bà đã nhiều lần tham dự Hội nghị Phụ nữ quốc tế và năm 1968, bà đã không quản ngại cuộc sống gian khổ, lên rừng tham gia cuộc đấu tranh để thống nhất Tổ quốc…

Nhiều, rất nhiều nhân vật xuất thân từ ngôi trường nữ trung học nổi tiếng bên dòng Hương này, cả khi đã đi xa Huế, vẫn giữ vẹn toàn phẩm cách “công-dung-ngôn-hạnh”, đồng thời không ngừng vươn tới đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực, như Điềm Phùng Thị, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Ngọc Toản, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Tôn Nữ Hỷ Khương, Minh Đức Hoài Trinh… Lớp trẻ hơn có La Cẩm Vân, Thái Kim Lan… Không thể nào kể đủ được, những con người mang “nữ tính Huế” như một giống hoa đẹp tỏa đi các phương trời đã góp phần làm rạng danh đất Thần kinh.

Thực ra, “người đẹp Huế” từ lâu, rất lâu rồi đã được thiên hạ và thơ văn ghi nhận. “Một hàng Tôn Nữ cười trong nón/Sông mở lòng ra đón bóng yêu…” (trích “Bài thơ Huế” của Quỳnh Dao),

Ngày xuân, trước thời điểm giao mùa cũng là bước ngoặt Thừa Thiên Huế đang chuyển mình để trở thành “Đô thị Di sản trực thuộc Trung ương”, tôi bỗng nghĩ tới “nữ tính Huế” là một nét đặc sắc luôn cần nhớ đến ở tầm quy hoạch vĩ mô cũng như “vi mô” - từ những dự án nhỏ cho đến một thứ quà lưu niệm. Và “nữ tính Huế” đâu chỉ là giọng nói dịu nhẹ, bước đi uyển chuyển, đôi tay khéo léo thuê thùa, làm món ăn ngon và đẹp như tranh vẽ… mà còn là lòng can đảm, nghị lực dám vượt lên hàng đầu, đón nhận trọng trách với thế mạnh được tổ tiên và hồn thiêng sông núi trao truyền, khi thời đại và “Tổ quốc gọi tên mình”…

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa, con người Huế bằng tiếng Pháp

Kể về câu chuyện cụ bà người Huế với trái tim thiện nguyện, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Minh Hoàng (TP. Huế) xuất sắc vượt qua hơn 170 thí sinh trên cả nước để được trao giải Nhất cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ” lần thứ 8/2023.

Lan tỏa văn hóa, con người Huế bằng tiếng Pháp
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng văn hóa Huế, con người Huế

Sáng 23/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập chuyên đề năm 2023 với chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng văn hóa Huế, con người Huế, quyết tâm sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần xây dựng văn hóa Huế, con người Huế
Một sáng Huế mưa

Quán cà phê quen bên cạnh dòng Hương, những ngày mưa lớn, chủ quán dùng tấm màn ni-lông che gió từ sông thổi lên và nước mưa tạt. Độ trong của tấm ni-lông cũng đủ để khách ngắm nhìn dòng sông ở phía hạ nguồn nước chảy mạnh khi mưa lớn như thế nào. “Lụt rồi” tiếng ai đó khi nhìn màu nước vàng đậm bùn đất đang chảy mạnh. Có tiếng trả lời chắc nịch “ Nước chưa tràn Đập Đá thì chưa tính lụt, đây là thủy điện xả lũ”.

Một sáng Huế mưa

TIN MỚI

Return to top