Thế giới

Nữ Tướng Mỹ lo ngại sự liều lĩnh của máy bay Trung Quốc

ClockThứ Ba, 04/11/2014 11:17
TTH.VN - Mỹ lo ngại rằng các máy bay Trung Quốc có thể gây ra các vụ chặn đầu nguy hiểm hơn nữa đối với các máy bay quân sự Mỹ, dù hai bên đã bắt đầu các cuộc đối thoại nhằm tránh những vụ đối đầu như vậy, tân Tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Lori Robinson, cảnh báo.  

Một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay cách một máy bay do thám P-8 Poseidon của hải quân Mỹ chỉ 6 m gần đảo Hải Nam hôm 19/8, trong một cuộc đối đầu mà Lầu Năm Góc miêu tả là "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp".

Tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Lori Robinson

Khi được hỏi về việc liệu các cuộc đối thoại có giúp chấm dứt những hành động như vậy, Tướng Lori Robinson nói: "Tôi không nói là không bao giờ, nhưng điều quan trọng là chúng tôi bắt đầu đối thoại và để hiểu một vụ chặn đầu thông thường là gì".

Bà Robinson, 55 tuổi, đã thay thế Tướng Herbert “Hawk” Carlisle vào vị trí Tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương kể từ ngày 16/10.

Mặc Tướng Robinson không đề cập các cuộc gặp cụ thể được lên kế hoạch, nhưng bà cho biết bà hi vọng sẽ thảo luận vấn đề an toàn hàng không khi gặp các quan chức quân đội Trung Quốc tại Triển lãm hàng không Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông và một hội nghị huấn luyện trong tháng này. Mục đích là để Trung Quốc nhất trí tuân thủ các quy định chặn đầu theo đúng các quy chuẩn quốc tế, bà nói.

Không quân Mỹ không có kế hoạch thay đổi cách thức tiến hành các sứ mệnh trong khu vực, bà Robinson, người đã có kinh nghiệm hơn 900 giờ bay và được thăng cấp lên tướng 4 sau khi thay thế ông Carlisle, cũng khẳng định.

Bà Robinson, gia nhập không quân năm 1982, là người phụ nữ đầu tiên chỉ huy không quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Trước đó, bà là chỉ huy phó bộ chỉ huy tác chiến tại căn cứ không quân Langley ở bang Virginia.

Khi được hỏi liệu bà có nghĩ rằng vụ đối đầu hồi tháng 8 xảy ra là do một phi công Trung Quốc "thích gây sự" hay một hành động được ủng hộ chính thức, bà Robinson nói: "Chúng tôi khuyến khích các chuyến bay an toàn và được thừa nhận trong khu vực".

Tướng Robinson cho hay không quân sẽ tiếp tục các sứ mệnh trong khu vực bất chấp bất kỳ vùng nhận dạng phòng không nào mà Trung Quốc tuyên bố.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, bao trùm không phận bên trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang tranh chấp với Nhật Bản.
 
Chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc trong cuộc đối đầu với máy bay Mỹ hôm 19/8
 
 
 "Các vùng nhận dạng phòng không không bị cấm trong luật pháp quốc tế, nhưng cũng không được nói tới cụ thể trong các công ước quốc tế. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động trong không phận quốc tế và không quân Mỹ tại Thái Bình Dương sẽ không thay đổi cách thức tiến hành các sứ mệnh này trong khu vực, tất cả đều tuân thủ theo luật pháp quốc tế", hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Robinson trong cuộc phỏng vấn hồi cuối tuần qua từ Hawaii.

Bà Robinson nhấn mạnh rằng, chủ trương đó cũng được áp dụng nếu Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh tự nhận là có chủ quyền 90%.

"Trung Quốc muốn tiếp tục là một phần của khu vực và tôi nghĩ rằng họ nên nhìn vào Mỹ với tư cách là một phần của khu vực", nữ Tướng không quân nói.

Theo bà Robinson, sự hiện diện và vị thế của không quân Mỹ trong khu vực không thay đổi kể từ khi Tổng thống Barack Obama công bố chính sách "xoay trục sang châu Á" vào năm 2011.

"Từ quan điểm của không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, chúng tôi luôn có mặt trong khu vực, sự hiện diện của chúng tôi đã tồn tại trong khu vực và tiếp tục như vậy".

Đối với không quân Mỹ, "xoay trục" có nghĩa là xây dựng các quan hệ đối tác và các mối quan hệ quân sự, theo bà Robinson.

Bà Robinson cho hay ưu tiên đầu tiên trong nhiệm kỳ của bà sẽ là thúc đẩy hợp tác quân sự với các quốc gia tại châu Á, trong đó có Trung Quốc.

Theo Dân Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Return to top