ClockThứ Sáu, 07/04/2017 05:56

Nữ y tá anh hùng

TTH - Bước qua tuổi lục tuần, dấu vết thời gian đã in hằn lên gương mặt nữ y tá Đội điều trị 82, Cục Hậu cần thuộc Quân khu Trị - Thiên ngày nào, nhưng trong mỗi lời nói của bà vẫn còn vẹn nguyên nhiệt huyết một thời tuổi trẻ, lòng yêu nước quả cảm. Bà là nữ Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Lê Thị Thu Hạnh (tức Hãnh).

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Thị Thu Hạnh

Sớm giác ngộ cách mạng

Bà Lê Thị Thu Hạnh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Phong Chương (Phong Điền) - một “chảo lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ký ức tuổi thơ của bà là những hình ảnh về quê nhà xác xơ vì bị bom cày, đạn xới. Các chiến sĩ cách mạng kiên cường, bám trụ tại quê nhà hoạt động giữa lòng địch, bị địch vây bắt, tra tấn...

Nữ AHLLVTND Lê Thị Thu Hạnh tâm sự: “15 tuổi tôi gia nhập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) địa phương, hoạt động ở vùng tạm chiếm Phong – Quảng (Phong Chương – Quảng Thái), với nhiệm vụ là xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội và tích cực vận động quần chúng Nhân dân tăng gia sản xuất, góp gạo nuôi quân, kết hợp với đấu tranh chính trị ở nội đô và ven đô; xây dựng làng chiến đấu, chống càn quét, làm nòng cốt tập hợp và vận động các tầng lớp thanh niên tham gia kháng chiến, xung kích vào các việc khó khăn nguy hiểm ở địa phương. Khó để kể hết bao nhiêu lần tôi cùng anh, chị em lực lượng TNXP vận tải gạo, vũ khí băng rừng, lội suối để chuyển lên vùng căn cứ cách mạng ở khu vực đồi 673 (Phong Mỹ - Phong Điền) hay từ vùng tạm chiếm Phong – Quảng lên vùng Khe Trái, dốc Gió – ngã ba Hương Trà... Vượt qua bao thử thách, ác liệt, cam go, có những lúc cơm không no, áo không đủ ấm, luồn lách qua các đồn bốt địch dưới làn mưa bom, bão đạn nhưng ai cũng quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Nữ Anh hùng Lực lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Thị Thu Hạnh (bên phải) cùng người chồng Trần Đình Cang, hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Tây Lộc xem lại những kỷ vật đáng nhớ một thời

Trong ký ức tuổi thơ, bà Hạnh không bao giờ nguôi quên hình ảnh ông nội và người cha yêu quý của mình. Ông nội bà là Lê Viết Hoàng, người làng Trung Thạnh, xã Phong Chương, hoạt động bí mật trong vùng tạm chiếm; cha là Lê Viết Nghĩa, tập kết ra Bắc năm 1954. “Trước khi đi tập kết, cha gửi tôi về ở với ông nội. Được sống trong môi trường như vậy, tôi sớm giác ngộ cách mạng, yêu nước, căm thù giặc sâu sắc để sau này phấn đấu trở thành một y tá chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó cũng là góp một chút công sức nhỏ bé của mình để tham gia chiến dịch giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế”, AHLLVTND Lê Thị Thu Hạnh chia sẻ.

Hết lòng vì thương binh

Tháng 5/1968, AHLLVTND Lê Thị Thu Hạnh được cấp trên phân công về công tác tại Đội điều trị 82. Những ngày sục sôi cách mạng đã có không ít cán bộ, chiến sĩ ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu của anh hùng liệt sĩ, của những thương, bệnh binh đã đổ xuống để giành lại từng tấc đất của quê hương. Với tình thương đồng chí, đồng đội, bà Hạnh đã làm việc gấp đôi, gấp ba sức mình để cứu chữa cho thương, bệnh binh. Sau hơn 4 năm, bà đã chăm sóc hơn 300 thương, bệnh binh nặng, tự tay mình tiêm hàng vạn mũi thuốc an toàn, kịp thời cứu sống nhiều thương, bệnh binh.

Theo bà, dù gian khó, nhưng ở đó có những kỷ niệm đẹp giữa tình đồng chí, đồng đội. “Đội điều trị 82 đóng quân ở vùng núi dọc tuyến đèo Tà Lương lên A Lưới. Tôi nhớ có một thương binh tên Quân, người quê Thạch Hà (Hà Tĩnh) bị mảnh đạn xuyên phổi rất nặng. Ngoài việc cứu chữa, nếu không chăm sóc cẩn thận, tính mạng của người thương binh này sẽ nguy cấp. Suốt đêm, tôi lấy lưng mình để anh Quân ngồi tựa cho dễ thở. Sau một thời gian, anh được chuyển lên tuyến trên tiếp tục chữa trị. Hay trong trận đánh ở đồi A Bia (đồi Thịt Băm) – A Lưới, có một thương binh tên Việt quê Thanh Hóa bị thương ở cánh tay dẫn đến hoại tử. Hằng đêm, tôi phải thức để nhỏ thuốc cho vết thương. Vì hoại tử, nên cánh tay của anh đã bị tháo khớp đến 3 lần. Lúc này, cơ sở vật chất, thuốc men ở đội không đủ, nên chỉ còn cách chuyển anh lên tuyến trên”, bà Hạnh nhớ lại.

Sáu mươi sáu năm tuổi đời, 45 tuổi Đảng, AHLLVTND Lê Thị Thu Hạnh đang sống bình yên bên người chồng cũng từng công tác trong quân đội và các con ở ngôi nhà số 12 đường La Sơn Phu Tử, phường Tây Lộc (TP. Huế). Những lúc được gặp gỡ người đồng chí, đồng đội của mình trong những ngày ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà lại nhớ về quá khứ, nhớ về những ngày tháng bi thương và rất đỗi hào hùng...

Bài, ảnh: ANH PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top