ClockThứ Hai, 08/03/2021 09:00

Núi Ngự Bình sẽ “sáng”

TTH - Núi Ngự Bình là một trong những biểu tượng của Kinh đô Huế. Ngọn núi này không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thủy, được xem là “bức bình phong, bức án trọng yếu bậc nhất phía trước Kinh thành”, là cảnh đẹp thứ 12 trong 20 cảnh đẹp được xếp trong tập thơ ngự chế “Thần kinh nhị thập cảnh” của vua Thiệu Trị.

Tạo thêm nhiều thiết chế văn hóa để người dân hưởng thụ

Tất nhiên, đó là những gì sau này tôi hiểu thêm qua sách vở, chứ trước đây thì chỉ quen với câu ca “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo…”, nghe thông Ngự Bình, nghe cụm song từ Núi Ngự-Sông Hương và mường tượng ngọn núi này chắc là phải đẹp khủng khiếp lắm nên mới nổi tiếng như vậy. Nhưng rồi đến một ngày, tôi được lũ con nít trong xóm rủ rê kéo nhau lên phía núi lượm thuốc súng về đốt, hoặc kiếm vành ống đạn (những chiếc vòng sắt niềng quanh những ống đạn pháo của Mỹ). Nhớ

khi hỏi và nghe mấy đứa lớn bảo, ngọn núi mà chúng tôi đang ở bên là núi Ngự Bình, tôi đã bần thần hụt hẫng mất cả buổi. Ngọn núi nổi tiếng đầy gió mát thông reo trong tâm tưởng thằng con nít khi ấy là tôi, hiện hữu trước mắt chỉ là một ngọn núi trụi trơn không bóng một cây thông, chỉ thấy cơ man là mồ mả, rồi rác kẽm gai, sắt vụn cùng đủ thứ hằm bà lằn khác tích tụ cao ngất dọc hai bên con lộ kéo từ khu vực lăng “Ông Chín” ở núi Tam Thai lên quá Ngự Bình. “Núi Ngự không cây cu ngủ đất…”- Ngự Bình lúc đó quả đúng như câu thơ của Thảo Am Nguyễn Khoa Vy chứ không ngoa chút nào.

Sau giải phóng 1975, núi Ngự được tỉnh quan tâm cho trồng lại thông. Theo ngày tháng, rừng thông Ngự Bình dần dần lên xanh. “Núi rác” khu vực chân núi theo phong trào kẽm gai, sắt vụn cũng biến mất. Tuy nhiên, mồ mả thì vẫn cơ man và tiếp tục lan ra, kiên cố hóa.

Rừng thông Ngự Bình bao nhiêu chục năm chăm giữ, nói là phủ xanh nhưng kỳ thực, nhìn không sướng mắt lắm. Giống cây nghe nói được tuyển chọn kỹ, nhưng chẳng hiểu sao lên chừng ấy rồi thấy như chững lại, không chịu lớn. Đã thế, chốc chốc lại cháy, nguyên do phần lớn là bị người đi viếng mộ thắp hương, đốt vàng mã mà nên. Khốn thân cho rừng thông, hôm ni bị liếm mảng, hôm khác bị liếm mảng. Đến thảm! Cảnh quan như vậy, thực trạng như vậy, chẳng biết bao giờ thắng tích Ngự Bình mới tìm lại dáng vẻ xưa…

Đầu năm mới Tân Sửu này, người ta thấy Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo địa phương, ban ngành hữu quan đã đích thân thị sát Ngự Bình. Sau đó, thông tin được loan đi với lộ trình rất cụ thể về việc khoanh vùng, thống kê, áp giá đền bù, di chuyển mồ mả… để xây dựng Công viên văn hóa Ngự Bình. “Nơi ăn chốn ở” của người đã khuất, tất nhiên không ai muốn phải động chạm. Nhưng vì Huế, vì chất lượng sống của cư dân hậu bối, cũng là để quy hoạch để “quý ngài” có nơi an nghỉ mới sạch sẽ, ngăn nắp, sáng sủa hơn. Như thế là “âm siêu dương thái”, hẳn là công việc sẽ sớm thành tựu. Ai cũng vui và hy vọng thế. Nhất là khi thấy người đứng đầu chính quyền tỉnh đã đích thân thị sát thì tin tưởng vô cùng. Di dân lịch sử khu vực Kinh thành là cơ sở để xác tín niềm tin đó.

Công viên văn hóa Ngự Bình - Có thể chưa cần phải là gì to tát, chỉ cần chỉnh trang đàng hoàng sạch sẽ, trồng và mở rộng diện tích rừng thông, xen lẫn những cụm hoa lá khoe sắc tỏa hương - chừng đó thôi cũng đã đủ làm vui lòng người.

Trục sông Hương đang trên đà chỉnh trang và đang lan tỏa hiệu ứng tích cực. Nay thêm Ngự Bình nữa thì còn gì vui hơn. Thắng tích thứ 12 của Huế Cố đô chắc chắn rồi sẽ khác bây giờ.

DIÊN THỐNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội đồng Châu Bắc kỳ tại Kinh đô Huế

Dưới triều vua Khải Định (1916 - 1925) một số quan chức, thương gia, thợ thuyền… từ miền bắc vào làm việc, sinh sống tại Kinh đô Huế đã tập họp vận động thành lập Hội đồng Châu Bắc kỳ vào năm 1924.

Hội đồng Châu Bắc kỳ tại Kinh đô Huế
Cần một quỹ văn hóa Huế

5 năm trước, một bằng hữu ở phương Nam có hảo ý giới thiệu để hồi hương bộ hồ sơ cải tạo cầu Trường Tiền năm 1936 của tập đoàn Eiffel. Ít năm trước, câu chuyện tương tự diễn ra với bộ tranh của các họa công Đại Nội vẽ đại lễ tế Nam Giao đầu thế kỷ XX ở sàn đấu giá Hồng Kông và gần đây là sự kiện chiếc mũ đại thần triều Nguyễn tại sàn đấu giá ở Tây Ban Nha...

Cần một quỹ văn hóa Huế
Huế đã từng giàu có đến thế nào...

Cho dù những gì “còn lại” phần lớn chỉ là số liệu, nhưng đó là những số liệu có khả năng xoa dịu lòng tự ái của những công dân xứ Huế hay những người yêu Huế…

Huế đã từng giàu có đến thế nào
Để “bức tranh hương bình” sớm hoàn mỹ

Dù mới kiểm tra, khảo sát, nhưng chủ trương của tỉnh về việc di dời mồ mả để xây dựng Công viên Văn hóa Ngự Bình đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng.

Để “bức tranh hương bình” sớm hoàn mỹ

TIN MỚI

Return to top