ClockThứ Sáu, 27/05/2016 06:05

Nước mắt chảy xuôi

TTH - - Cha sống khổ mà chết cũng khổ quá cha ơi là cha ơi!

Tiếng khóc của cô con gái út ngày càng thảm thiết, khi cái quan tài được thòng xuống huyệt. Một lúc thì khản đặc ở cổ và mờ dần trong tiếng đất rơi lộp bộp, hòa vào tiếng nện thình thịch và tiếng hò đưa linh thê lương…

Ông có cả thay ba người con. Anh con cả học hành tử tế, khá giả nhưng ở tận miền Nam. Anh con thứ nhà cách một đoạn, ngày ngày phụ vợ buôn bán hàng tạp hóa, sáng dọn chợ, chiều dọn nhà. Cô con gái út làm nông, lấy chồng cách mấy huyện.

Từ ngày vợ chết cách đây gần chục năm, ông một mình giữ nhà thờ, quanh quẩn với mảnh vườn không rộng cũng chẳng hẹp, đủ trồng dăm gốc chuối, vài cây thanh trà, ít gốc chè, đôi luống rau. Mỗi tháng, anh cả đều đặn gửi tiền phụng dưỡng bố, ban đầu non tám trăm, rồi tăng lên già một triệu.

Ông nổi tiếng cả làng ở sự cần kiệm. Mỗi ngày chỉ nấu non lon gạo, cắm trong cái nồi be bé. Rau ráng thì bòn mót trong vườn. Thi thoảng nhờ hàng xóm đi chợ mua cho ít cá vụn, kho khô với thật nhiều tiêu và nước mắm.

Trong vườn có cây trái gì, đến lúc thu hoạch, ông lại đánh tiếng mời người đến mua. Nhưng bán ở vườn rẻ lắm. Một buồng chuối nặng trĩu đôi khi cũng chỉ được vài ba chục ngàn. Tiếc, nên ông chịu khó đèo ra chợ bán. Có khi là chục quả trứng, vài bó rau. Có khi là rổ vả, vài bó lá lốt. Ông đèo trong cái bao bằng xe đạp, cắp thêm cái rá, bày ở một góc chợ.

Nhưng ra chợ cũng không sung sướng gì. Đặt chỗ này cũng bị đuổi, chỗ kia cũng chẳng yên. Có bà còn mắng té tát: Đàn ông đàn ang gì mà ngồi bè hoe ở chợ. Ông chỉ cười trừ.

Được một dạo thì anh cả gọi điện về, bảo: Bố đừng đi bán ở chợ nữa. Nếu chừng đó chưa đủ, con sẽ gửi ra thêm. Ông phân trần, bố ra chợ là để cho khuây khỏa. Ở nhà mãi cũng chán. Nhưng ở tuổi bố rồi, cứ sang nhà chú Hải, bác Hà làm ấm trà có phải vui hơn không? Anh cả gắt. Tuổi bố bây giờ uống trà vào cũng khó ngủ, ông kiên trì giữ lập trường. Nhưng ngoài chợ người ta có nghĩ thế đâu. Họ bảo cái nhà này không nuôi nổi bố đấy. Anh cả không còn kìm chế được. Ai bảo với con như thế, ông cao giọng. Thì thím Hoa điện vào phàn nàn. Thím ấy nói bố làm mất mặt con cái lắm. Thì người ta nói có sai đâu. Nếu không có mày thì bố coi như cũng chẳng ai nuôi. Mà chừng đó đâu có đủ. Tiền chạp, tiền kỵ, tiền cưới, tiền đám, tiền cúng ba mươi, mồng một… Cái chức trưởng họ nó nặng lắm con ạ... Giọng ông như nghẹn lại. Thế bố cứ tính hết đi. Là bao nhiêu, để con gửi, anh cả như gắt lên. Thôi bố còn khỏe, bố tự xoay xở được. Còn cái nhà bếp mấy cái cột đã yếu lắm, chỉ sợ mưa bão. Cái vườn chưa rào được nên con nít cứ thập thò hái hết qủa. Mày tính được thì tính cho bố mấy cái khoản ấy đã...

Cuộc trò chuyện làm ông thấy mệt, tim đập liên hồi. Lúc này ông mới nhớ ra là mình còn bị cao huyết áp nữa. Tháng nào cũng phải uống thuốc đều đặn. Thuốc được ông cất cẩn thận trong cái túi áo, luôn bên mình. Ông bị ám ảnh bởi cái cảnh của ông Ba, cách mấy con ngõ. Ông Ba bị cao huyết áp, một tối ngủ dậy thì nằm liệt trên giường, bán thân bất toại. Ông Ba nằm một chỗ hơn năm trời, người loét mấy chỗ ở lưng. Thối đến nỗi con cháu ngại không dám ngồi gần.

***

Anh cả chưa kịp trả lời việc gửi tiền làm hàng rào và sửa cái bếp thì ông ốm. Ban đầu chỉ sốt và ớn lạnh. Rồi gầy xọp đi. Ông nghĩ mình bị cảm nên đã nấu mấy nồi cháo cho nhiều ném. Ăn đến toát mồ hôi ướt đẫm mà vẫn không thấy giảm. Ra trạm xá mua thuốc uống, tiêm cả tuần vẫn không ăn thua. Càng sốt nhiều hơn, lại ho khùng khục. Cuối cùng, anh thứ phải nghỉ phụ vợ một buổi chợ để chở ông lên bệnh viện huyện.

- Ông cụ bị nhiễm lao. Phải điều trị 8 tháng. Một tháng đầu phải  nhập viện để cách ly chống lây. Bệnh nhân và người nhà khi tiếp xúc nhớ đeo khẩu trang-Bác sĩ thông báo gọn gàng sau khi kiểm tra kết qủa xét nghiệm.

Ngay chiều ấy, anh thứ thông báo cho cô em út tức tốc về để lo chuyện chữa bệnh cho cha. Trên cái chiếu hoa giữa nhà, mỗi người mang một cái khẩu trang.

- Phải nằm viện một tháng anh ạ. Em thì không thể đóng quán lâu ngày được. Cô Hoa thì còn có bầy trâu không ai chăm và mấy sào lúa đang đến vụ-Anh thứ thông báo tình hình cho anh cả qua điện thoại.

- Anh ở xa, mọi thứ nhờ chú sắp xếp đã. Hay là tạm thời chú và cô Hoa nghỉ ít hôm, rồi tính chuyện thuê người chăm sóc- Anh cả gợi ý.

- Bệnh của bố, thuê vàng người ta cũng chẳng làm ấy chứ.

- Nếu không thì chỉ còn cách để cha nằm ở nhà. Chú xem có ai thuê đến chích thuốc. Nhờ thím Hoa chịu khó cơm nước bới vô cho cha. Có gì chú tính toán, anh sẽ gửi tiền ra - Anh cả chốt lại.

Kể từ hôm ấy, ông nằm một mình trong căn nhà ba gian vắng lặng. Ngày ngày, chỉ có cô y tá vội vàng tạt qua, mặt kín khẩu trang. Hai bữa, anh thứ bới cơm cho cha, trong cái cặp lồng. Anh ngồi xa xa, cái khẩu trang vẫn y nguyên trên mặt. Đợi ông ăn xong, anh vội vàng ra phía sau kỳ cọ rất lâu. Rồi đun cặp lồng, chén, đũa một hồi lâu trên bếp. 

- Sướng thật. Nhiều tiền sướng thật. Cứ có tiền là xong. Chẳng ai biết là của một đồng, công một nén-Vừa làm, anh thứ vừa càm ràm, không biết vô tình hay cố ý.

Sau hôm ấy, ông điện cho con cả bảo, bố đã khỏe hơn nhiều, có thể tự nấu ăn được. Chỉ cần thím Hoa chịu khó đi chợ gửi đồ ăn cho là xong.

***

Hơn một tháng sau, hay tin cha đỡ bệnh, cô con gái mừng rỡ sắp xếp công việc vô thăm, mang theo một oa cháo gà, chục ký gạo ruộng, ít lon nếp, một chai dầu phộng tự ép. Vô đến nơi, đã gần trưa mà cửa nhà vẫn đóng kín. Gọi một lúc không thấy cha thưa, cô giật mạnh cửa. Vô nhà thì thấy cha bất động trên giường, người lạnh ngắt. 

Đám tang ông xong được ba ngày thì anh cả mới về đến nơi sau chuyến công tác nước ngoài.

- Trước khi đi, cha có nhắn nhủ gì không? - Anh cả hỏi

- Cha đi đột ngột quá. Lúc hỏa táng đồ dùng của cha thì có cái này - Anh thứ đưa cho anh cả cái lọ thủy tinh nhỏ bằng ngón tay cái, bên trong có một mảnh giấy.

“Cha dành dụm được 50 triệu đồng. Nếu sau này cha bị bán thân bất toại nằm một chỗ thì các con dùng tiền này lo thuốc thang và thuê người chăm sóc”, anh cả lẩm bẩm đọc.

- Tiền cha bỏ trong bọc gối, với cái lọ này. Khi đốt thì tiền cháy sạch, chỉ còn lại cái lọ - Anh con thứ giải thích.

Anh cả nghe xong câu chuyện, lặng lẽ qùy sụp trước bàn chờ cha nghi ngút khói. Quỳ rất lâu. Không biết anh khấn nguyện điều gì. Rồi anh lẳng lặng ra vườn, ngước lên cây mít cổ thụ lủng lẳng bao nhiêu là qủa. Gương mặt anh giàn giụa. Nước mắt chảy tràn, ướt cả cổ áo…

VÂN ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top