Thế giới
Quốc khánh Mỹ lần thứ 245 (4/7/1776 - 4/7/2021):

Nước Mỹ đã thay đổi ở nhiều khía cạnh

ClockChủ Nhật, 04/07/2021 16:55
TTH.VN - Vào thời điểm kỷ niệm lần thứ 245 Ngày Quốc khánh, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã đạt được một số dấu ấn khi phần lớn người trưởng thành ở nước này đều được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng số ca nhiễm vẫn đang gia tăng; nền kinh tế đang tăng tốc nhưng lạm phát vẫn tồn tại; hợp tác lưỡng đảng đã được cải thiện nhưng những khác biệt chính trị vẫn ở mức cao…

Nước Mỹ kỷ niệm 245 năm Ngày Quốc khánh với tín hiệu tích cực về kinh tế. Ảnh: US Today/LD

Sau hơn 5 tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ, nước Mỹ đã thay đổi theo nhiều khía cạnh, với triển vọng kinh doanh lành mạnh hơn và đại dịch ngày càng được kiểm soát, ít nhất là ở nhiều nơi trên cả nước.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đón chào Quốc khánh lần thứ 245 (4/7/1776 - 4/7/2021), ngày lễ Độc lập năm nay không được trọn vẹn như những gì mà Tổng thống Biden kỳ vọng.

Mục tiêu của Nhà Trắng là tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 70% người trưởng thành trên cả nước đã không đạt được, và đề xuất về gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng quốc gia của Tổng thống Biden vẫn chưa được thông qua.

Ông Michael Beschloss - nhà sử học chuyên nghiên cứu về các đời Tổng thống Mỹ, nhận định rằng so với một năm trước đây về mặt sức khỏe cộng đồng, về tinh thần quốc gia, nước Mỹ giờ đây gần như đã có một bộ mặt khác. Ông cũng cho rằng Tổng thống Biden phải rất cẩn trọng giữa việc kỷ niệm những tiến bộ đạt được trong đại dịch và việc tuyên bố sứ mệnh đã hoàn thành, vì theo ông, nếu Tổng thống Biden quá vội vàng trong việc tuyên bố đại dịch đã kết thúc, thì sẽ rất khó để tiếp tục yêu cầu sự hy sinh của người Mỹ trong tương lai và điều đó cũng sẽ khiến đảng Dân chủ dễ bị tổn thương về mặt chính trị nếu đại dịch tái diễn theo một cách nào đó.

Thực tế, nước Mỹ đang phải đối mặt những với diễn biến phức tạp của đại dịch. Chính phủ Mỹ cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày đã tăng trong tuần qua, do sự gia tăng ở vùng Trung Tây và Đông Nam đất nước, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp và sự lan rộng của biến thể Delta.

Xét về mặt kinh tế, trong một tín hiệu lạc quan, Bộ Lao động Mỹ ngày 2/7 cho biết trong tháng 6 vừa qua, các doanh nghiệp ở nước này đã tuyển dụng nhiều nhân công nhất trong vòng 10 tháng qua.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ “còn lâu mới trở lại bình thường”, khi số việc làm hiện nay vẫn thấp hơn 7 triệu so với thời điểm trước đại dịch vào tháng 2/2020. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên thiết yếu, vì nhiều lao động đang phải vật lộn với việc chăm sóc con cái hoặc lo lắng về dịch bệnh nên chọn ở nhà.

Reuters dẫn lời nhà sử học Thomas Alan Schwartz của Đại học Vanderbilt cho rằng những thách thức của nước Mỹ đã thay đổi kể từ nhiệm kỳ đầy biến động của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông nói: “Giờ đây, các vấn đề của chúng tôi đã thực sự khác… Tôi nghĩ nước Mỹ của Tổng thống Joe Biden là một nơi điềm tĩnh hơn, êm đềm hơn”.

Theo Reuters, các cuộc biểu tình về phân biệt chủng tộc đã tạm lắng dịu sau tình trạng bất ổn nghiêm trọng năm ngoái về cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen, khi viên cảnh sát da trắng bị buộc tội giết người đã bị kết án 22,5 năm tù giam.

Tuy nhiên, các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan phát triển trong nước, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng, vẫn đang gia tăng, Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo.

Song song đó, bất chấp cam kết kêu gọi các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội cùng hợp tác của Tổng thống Biden, cùng với sự ủng hộ đông đảo của dân chúng, đề xuất gói cơ sở hạ tầng, các luật cải cách hệ thống cảnh sát và an toàn súng đạn vẫn chưa được thông qua.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top