ClockThứ Ba, 05/05/2015 15:37

Nước sạch về nông thôn

TTH - Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường là thước đo về chất lượng cuộc sống của người dân. Gần 80% xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được nối mạng nước sạch và nhiều cơ sở trường học, trạm y tế được đầu tư cấp nước...

Nhà máy nước sạch Phong Thu cung cấp nguồn nước sạch dồi dào cho nhiều xã ở huyện Phong Điền

 Nước sạch về làng

Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG NS & VSMTNT giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên Huế phấn đấu 100% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh; 85% dân số nông thôn được cấp nước đạt Quy chuẩn 02; 100% số trường học, trạm y tế có công trình cấp nước sạch.
Được hưởng lợi từ dự án cấp nước sạch do một tổ chức nước ngoài hỗ trợ, từ năm 2014, những hộ dân ở xã Đông Sơn (A Lưới) không còn cảnh thiếu nước sạch để phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Anh Hồ Văn Hoa, ở thôn Ta Vai trò chuyện: “Từ khi có nước máy việc sinh hoạt thuận tiện hơn nhiều, thích dùng lúc nào cũng có sẵn, yên tâm không lo thiếu nước, dịch bệnh”.
Năm 2005, tỉnh có chủ trương tập trung nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (MTQG NS &VSMTNT) để nối mạng nước máy đô thị về nông thôn. Từ đó đến nay, vốn đầu tư của chương trình được phân bổ về một đầu mối là Công ty TNHH NNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (gọi tắt Công ty Cấp nước) với mục tiêu nâng cấp mở rộng các nhà máy nước sạch đô thị để đấu nối hòa mạng lưới cấp nước sạch chung của tỉnh, từ đó đấu nối cấp nước sạch lâu dài ổn định cho khu vực nông thôn. Thông qua hệ thống cấp nước do Công ty Cấp nước quản lý, vận hành đã cơ bản cung cấp nước đảm bảo về chất lượng, số lượng và thời gian cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 125/152 phường, xã đã có nước máy của Công ty Cấp nước.
Tuy đã có nhiều tiến bộ và hệ thống nối mạng nước sạch ngày càng được mở rộng, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của một số khu vực nông thôn, nhất là những vùng dân cư sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, đầm phá, nơi không tập trung dân cư... Việc bảo dưỡng chất lượng công trình, cung cấp nước ở một số nơi còn thấp. Để thực hiện những mục tiêu Chương trình MTQG NS &VSMTNT trong giai đoạn tới, thông qua nguồn vốn của Chương trình, vốn vay ADB, Thừa Thiên Huế định hướng sẽ đầu tư mở rộng mạng đường ống từ các trạm cấp nước hiện có cấp cho các xã còn lại trên địa bàn nông thôn nâng cấp sửa chữa cho các trạm cấp nước bị xuống cấp, công nghệ lạc hậu hoặc vượt công suất. Cụ thể, đầu tư xây dựng mở rộng mạng đường ống về các xã vùng khu 3 Phú Lộc, một số xã ven biển ở Phú Vang; nâng cấp sửa chữa nhà máy nước Hòa Bình Chương, Tứ Hạ...
Vượt mục tiêu
Ngoài những công trình cấp nước tập trung đã bàn giao Công ty Cấp nước tiếp nhận quản lý, toàn tỉnh còn 29 công trình cấp nước tập trung do địa phương quản lý, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới. Phần lớn những công trình này hiện hoạt động kém hiệu quả do xây dựng đã lâu nhưng thời gian gần đây không được đầu tư nâng cấp, công tác quản lý vận hành không đảm bảo và ý thức trong việc bảo quản, sử dụng của người dân chưa cao. Theo ông Phan Văn Thanh, Phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, nếu không sớm cấp kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp thì nguy cơ tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn sẽ giảm.
Ông Phan Văn Thanh cũng điểm một vài con số rất khả quan cho thấy công tác chăm lo cho nước sạch và vệ sinh môi trường của tỉnh đã có nhiều vượt bậc. So với mục tiêu của Chương trình MTQG NS &VSMTNT đề ra, các chỉ tiêu về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay đều đạt mức quy định. Trong đó chỉ tiêu vượt mục tiêu của Chương trình là tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt 68%, vượt 8% mục tiêu đề ra trong năm 2015.
Ngoài những chỉ tiêu đạt và vượt, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 95% số dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 75% người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế, 70% số xã được thu gom rác thải sinh hoạt và 100% trạm y tế, trường học mầm non, trường học phổ thông khu vực nông thôn có đủ nước sạch được quản lý sử dụng tốt.
Theo ông Phan Văn Thanh, để duy trì và hoàn thành chỉ tiêu đề ra, ngoài nguồn vốn đầu tư, việc bảo quản, tu sửa để vận hành thông suốt cũng rất quan trọng. Các cấp, các ngành cần chỉ đạo các địa phương, đơn vị, trường học, trạm y tế quản lý và sử dụng đúng quy trình, phát huy hiệu quả công trình cấp nước, thu gom, xử lý rác thải; thực hiện tốt các hoạt động giám sát chất lượng nước, hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ quản lý vận hành trạm cấp nước hoạt động hiệu quả bền vững. Ngành chủ quản cũng đề xuất khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn, công sức để xây dựng, quản lý khai thác và kinh doanh các công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng di dân kinh tế mới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn về nước sinh hoạt.
Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top